Có gì trong lăng mộ bị trộm 7 lần của Tào Tháo?

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 16 17 18 1920

Dân gian thường gọi Tào Tháo là “tổ nghề giới trộm mộ”. Khi chết, ông cũng không tránh khỏi việc bị người khác đào mộ để cướp đi những thứ quý giá.

Đồ gốm sứ được phát hiện trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)

Đồ gốm sứ được phát hiện trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)

Tào Tháo (155 – 220) là nhà chính trị, quân sự nổi tiếng thời Đông Hán (Trung Quốc). Ông là người thành lập chính quyền Tào Ngụy, thao túng vua Hán, tranh quyền cát cứ với 2 thế lực Thục, Ngô.

Tương truyền, do quanh năm chinh chiến, không chú trọng phát triển kinh tế, nên quân Ngụy từng có lúc lâm vào cảnh thiếu lương. Để có tiền nuôi quân, Tào Tháo nảy ra ý tưởng trộm mộ của các bậc vua chúa, quý tộc đời trước.

Trong quân đội của Tào Tháo, có lực lượng chuyên thực hiện các phi vụ trộm mộ. Các phái trộm mộ nổi tiếng ở Trung Quốc như “mô kim”, “phát khâu” được cho là có nguồn gốc từ quân đội Tào Tháo. Vì vậy, ông được dân gian gọi là “tổ nghề trộm mộ”.

Năm 200, Trần Lâm – mưu sĩ dưới trướng Viên Thiệu – từng viết hịch kể tội Tào Tháo, trong đó có đoạn:

“Lương Hiếu Vương, là anh em ruột của tiên đế. Lăng mộ của người là nơi tôn quý, dẫu đến cây cối trên mộ, cũng phải kính cẩn. Vậy mà Tháo dám đem tướng sĩ, khai quật áo quan, vứt lộ thây, cướp hết vàng bạc”.

Lương Hiếu Vương Lưu Vũ (184 TCN – 144 TCN) là vương gia hoàng tộc nhà Hán. Ông nổi tiếng với uy quyền và sự giàu có.

Thủy Kinh chú – bộ sách được biên soạn thời Tam Quốc – cũng ghi nhận việc Tào Tháo đem quân phá mộ Lương Hiếu Vương, “đem đi vạn cân vàng”.

Tượng hổ cỡ nhỏ và một viên ngọc được phát hiện trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)

Tượng hổ cỡ nhỏ và một viên ngọc được phát hiện trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)

Trong Tam quốc diễn nghĩa, tác giả La Quán Trung viết, Tào Tháo vì sợ bị người khác đào mộ trả thù, nên ra lệnh phải chôn cất ông ở Hàm Đan (thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) và phải lập 72 ngôi mộ để tung hỏa mù.

Tuy nhiên, Tam quốc chí – bộ sử liệu về thời Tam Quốc – không ghi nhận việc Tào Tháo cho lập 72 ngôi mộ.

Theo Tam quốc chí, Tào Tháo là người rất tiết kiệm. Trước khi chết, ông đã tự làm áo quan cho mình.

Tào Tháo dặn dò chuyện hậu sự của mình như sau:

“Thiên hạ nay còn chưa định yên, việc chôn cất không nên theo phép xưa. Táng (chôn) xong đều phải bỏ áo tang. Các quân tướng đóng giữ đều không được rời khỏi doanh trại. Các quan lại vẫn phải làm nguyên chức phận. Liệm (vải bọc tử thi) thì dùng áo thường mặc. Không được chôn vàng ngọc châu báu theo”.

Do tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng hơn chính sử, nên dân gian thường đồn thổi Tào Tháo có 72 ngôi mộ. Nơi chôn cất thực sự của Tào Tháo vì vậy càng thêm bí ẩn.

Thẻ đá “cách hổ đại kích” trong mộ Tào Tháo (ảnh: News.cn)

Thẻ đá “cách hổ đại kích” trong mộ Tào Tháo (ảnh: News.cn)

Tuy nhiên, năm 2009, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã xác định một lăng mộ ở thôn Tây Cao Huyệt, thuộc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) là nơi chôn cất Tào Tháo.

Việc phát hiện ra lăng mộ này cũng rất ly kỳ.

Theo Tân Hoa Xã, những manh mối về mộ Tào Tháo xuất hiện từ năm 1998. Người dân thôn Tây Cao Huyệt đã đào được một tấm bia mô tả về vị trí mộ Lỗ Tiềm – một viên quan thời Hậu Triệu (319-352). Theo chỉ dẫn trên tấm bia này, lăng mộ của Tào Tháo nằm cách mộ của Lỗ Tiềm không xa.

Năm 2002, người dân thôn Tây Cao Huyệt đào đất để nung gạch, phát hiện một khu vực có nền đất khá rắn chắc. Nhiều lời đồn thổi cho rằng dưới khu vực này có mộ cổ, nhưng người dân vẫn tiếp tục lấy đất nung gạch.

Tới năm 2005, hố đào lấy đất đã sâu tới 5 mét, có người phát hiện bên dưới có kiến trúc cổ. Dân làng Tây Cao Huyệt đã lấp hố lấy đất đi. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện kẻ trộm đã đào đường hầm vào mộ.

Theo Tân Hoa Xã, từ năm 2005 – 2008, lăng mộ Tào Tháo ở khu vực thôn Tây Cao Huyệt đã liên tục bị trộm.

Một thanh kiếm rỉ sét trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)

Một thanh kiếm rỉ sét trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)

Đồ trang sức bằng vàng và bạc trong lăng mộ (ảnh: Xinhua)

Đồ trang sức bằng vàng và bạc trong lăng mộ (ảnh: Xinhua)

Năm 2008, Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc phê duyệt kế hoạch khai quật lăng mộ ở thôn Tây Cao Huyệt. Ông Phan Vĩ Bân – chuyên gia thuộc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Nam – là người có vai trò lớn trong việc khai quật mộ Tào Tháo.

Sau khi mở lối đi vào mộ, nhóm khảo cổ phát hiện lăng mộ đã nhiều lần bị trộm đột nhập.

“Ngôi mộ bấy giờ rất lộn xộn”, ông Phan nói.

Các nhà khảo cổ phát hiện nhiều mảnh gốm, đá bị đập vỡ trong lăng mộ. Những gói mì ăn liền, vỏ chai nước khoáng, thuốc lá, đèn pin… cũng bị kẻ trộm mộ bỏ lại. Nhóm khảo cổ xác định lăng mộ đã bị trộm ít nhất 7 lần.

Bước ngoặt đến vào ngày 11/11/2009, khi nhóm khảo cổ phát hiện một mảnh đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Đế thường dùng”. Khi ghép các mảnh đá vỡ, họ thu được tấm thẻ đá khắc chữ “cách hổ đại kích Ngụy Vũ Đế thường dùng”.

“Cách hổ đại kích” được cho là tên một cây kích của Tào Tháo. Tuy nhiên, nhóm khảo cổ không thu được cây “cách hổ đại kích” trong lăng mộ. Ngụy Vũ Đế là tên hiệu của Tào Tháo do con trai là Tào Phi truy tôn.

Theo News.cn, trong lăng mộ Tào Tháo có 3 bộ hài cốt, được xác định là một người đàn ông khoảng 60 tuổi và 2 người phụ nữ.

Các nhà khảo cổ cho rằng hài cốt của người đàn ông là Tào Tháo. Điểm đáng chú ý là xương mặt của bộ hài cốt này bị vỡ nát.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 250 di vật trong lăng mộ Tào Tháo, trong đó có nhiều đồ gốm sứ, bia đá, con dấu, mảnh áo giáp, vũ khí và một số đồ trang sức bằng vàng, bạc và ngọc. Đây chủ yếu là vật dụng hàng ngày của Tào Tháo, không hề được chế tác tinh xảo.

Theo các chuyên gia khảo cổ, mệnh lệnh mai táng đơn giản của Tào Tháo đã được con cháu tuân thủ.

“Nhiều di vật đã bị trộm mất, nhưng liệu trong đó có châu báu quý giá không? Tôi nghĩ là không”, chuyên gia Phan Vĩ Bân nói.

Kết quả cuộc khai quật kéo dài từ năm 2009 – 2017 cũng chỉ ra rằng, nhiều tấm bia, thẻ đá có khắc chữ “Ngụy vương” hay “Ngụy Vũ Đế” trong mộ Tào Tháo đều bị đập vỡ. Những tấm bia không khắc dòng chữ này thì còn nguyên vẹn.

Bảo tàng lăng mộ Tào Tháo mở cửa đón khách (ảnh: Sohu)

Bảo tàng lăng mộ Tào Tháo mở cửa đón khách (ảnh: Sohu)

Theo các nhà khảo cổ, lăng mộ của Tào Tháo từng bị phá hoại do trả thù chính trị. Đối với những kẻ trộm mộ, họ chỉ chú ý tìm kiếm di vật quý giá, thay vì phá hoại. Việc phá phách trong lăng mộ cũng thể hiện sự bất kính, là điều cấm kỵ trong giới trộm mộ.

Các nhà khảo cổ suy đoán, rất có thể gia tộc Tư Mã thời Tây Tấn đã phát hiện lăng mộ của Tào Tháo và cho người vào phá phách. Xương mặt bộ hài cốt của Tào Tháo bị hư hỏng có thể cũng do nguyên nhân này.

Ngày 27/4/2023, Bảo tàng lăng mộ Tào Tháo được mở cửa ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Các di vật khai quật trong lăng mộ Tào Tháo được trưng bày ở đây.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 16 17 18 1920

Nguồn: [Link nguồn]

3 nhân vật kiệt xuất bậc nhất thời Tam quốc khiến Tào Tháo phải đau lòng rơi lệ

Lưu Bị khóc để thu phục nhân tài, Tào Tháo khóc vì thương tiếc những nhân vật kiệt xuất đã rời bỏ ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – tổng hợp ([Tên nguồn])
Tào Tháo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN