Nhật Bản chuyển mình vĩ đại: Phát triển thần kỳ ngay cả khi thế giới khủng hoảng

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Sau thời kỳ chiếm đóng, nước Nhật có bước đột phá trong phát triển kinh tế, tới mức nhiều người sử dụng từ “thần kỳ” để ví von giai đoạn này. Thậm chí, ngay trong suy thoái kinh tế do giá dầu tăng cao vào thập niên 70 của thế kỷ 20, GDP của Nhật vẫn tăng.

Một góc thủ đô Tokyo năm 1964

Một góc thủ đô Tokyo năm 1964

“Sự phát triển kinh tế thần kỳ”

Nhiệm vụ đầu tiên của Nhật Bản hậu Thế chiến II là ổn định hệ thống chính trị. Sau thời kỳ Chiếm đóng, những người theo phe cấp tiến lên án gay gắt hành động của phe bảo thủ nhằm đẩy lùi nhiều cải cách được thông qua trong thời kỳ Nhật Bản bị chiếm đóng (1945 - 1952). Căng thẳng gia tăng đến mức, trong một số phiên họp quốc hội, cảnh sát được điều động đến để giữ trật tự.

Các cuộc tranh luận vô cùng phức tạp bởi thực tế chính trị gia của các đảng cấp tiến và bảo thủ "như nước với lửa". Tháng 10/1955, đảng Xã hội Nhật Bản (JSP) hợp nhất nhiều phe phái tiến bộ, trong khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) lại hợp nhất các phe phái bảo thủ.

Đảng LDP giành mọi chiến thắng trong các cuộc bầu cử thời kỳ này nhưng mọi chuyện trở nên rắc rối khi Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke (đứng đầu LDP, nắm quyền giai đoạn 1957-1960) tuyên bố nối lại Hiệp ước An ninh chung Mỹ- Nhật 1952 và dĩ nhiên đảng JSP phản đối kịch liệt.

Thủ tướng Nobusuke không được lòng những người cấp tiến vì ông từng phục vụ trong nội các thời chiến của tướng Tojo Hideki (nhiệm kỳ 1941-1944) và thực tế bị cáo buộc nhưng không bị xét xử vì gây ra tội ác trong chiến tranh.

Những đối thủ của ông Nobusuke không chỉ phản đối ý tưởng Nhật Bản nên trở thành đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Lạnh mà còn bởi cách Thủ tướng Nhật lệnh cho cảnh sát kéo thành viên đảng đối lập ra khỏi phòng họp quốc hội để Hiệp ước An ninh chung Mỹ - Nhật được quốc hội thông qua.

Các cuộc biểu tình lớn trên phố nhanh chóng nổ ra và càng dữ dội hơn sau khi một sinh viên biểu tình vô tình bị giết. Những cuộc biểu tình không ngăn cản việc Hiệp ước được ký kết nhưng chúng lại khiến ông Nobusuke phải từ chức.

Những người kế nhiệm ông Nobusuke đã khéo léo chuyển các tranh luận về chính trị sang một kế hoạch để nền kinh tế Nhật Bản phát triển gấp đôi chỉ trong một thập kỷ. Đảng LDP kể từ đó liên quan tới sự phát triển tốc độ cao và liên minh với Mỹ, trong khi đảng JSP, một số đảng và nhóm hoạt động chính trị khác lại gắn bó với các công đoàn cấp tiến và nhiều vị trí không được số đông cử tri chấp thuận.

Được hưởng lợi nhờ khả năng cung cấp các khoản tài trợ hào phóng cho các nhóm ủng hộ cộng với luật bầu cử - cho phép cử tri bảo thủ ở nông thôn nhiều quyền lợi hơn so với cử tri ở thành thị, đảng LDP giành được gấp đôi số ghế trong Quốc hội so với các đảng cấp tiến.

Các Thủ tướng của LDP có xu hướng ít năng động và duy trì quyền lực lâu dài. Đấu đá phe phái và nhiều vụ bê bối ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của lãnh đạo LDP nhưng nhìn chung, phe bảo thủ giữ cho Nhật Bản một nền chính trị tương đối ổn định.

Sự ổn định chính trị này đã thúc đẩy mạnh mẽ cho cái gọi là "sự phát triển kinh tế thần kỳ" của Nhật Bản. Dễ thấy nhất là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản tăng đáng kể (mức trung bình 9,2%) trong giai đoạn 1956-1972. Thậm chí, ngay trong suy thoái kinh tế do giá dầu tăng cao vào thập niên 70 của thế kỷ 20, GDP của Nhật vẫn tăng trung bình 4,1% đến năm 1989.

Được hưởng lợi lớn bởi sản lượng kỷ lục của các mặt hàng sản xuất như tàu, thiết bị điện tử, ô tô, "sự phát triển kinh tế thần kỳ" nhanh chóng biến một quốc gia nhỏ bé, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh trở thành một trong những "gã khổng lồ" của kinh tế thế giới. Năm 1987, Nhật Bản có GDP bình quân đầu người vượt cả Mỹ.

"Sự phát triển kinh tế thần kỳ" còn phản ánh một thực tế rằng, những thay đổi xã hội diễn ra tại Nhật ít bị gián đoạn. Trong thời kỳ này, dân số Nhật tăng từ 85,8 triệu người lên 123 triệu người. Tỷ lệ người sống ở nông thôn giảm từ 50% xuống chỉ còn 15%. Số lượng các gia đình truyền thống, đa chủng tộc hoặc gia trưởng vẫn còn, nhưng tỷ lệ của các gia đình này giảm đáng kể so với tổng số gia đình ở Nhật.

Ngoài ra, phép màu về kinh tế còn giúp người Nhật tăng thu nhập thực tế, giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ tội phạm, tăng tỷ lệ biết chữ và giảm tỷ lệ ly hôn. Tất cả điều này khiến giai đoạn 1951-1973 được gọi là giai đoạn phát triển thần kỳ.

Sự thần kỳ đến từ đâu?

Lễ cắt băng khánh thành đoạn đường sắt cao tốc đầu tiên ở Nhật Bản - Tokaido Shinkansen

Lễ cắt băng khánh thành đoạn đường sắt cao tốc đầu tiên ở Nhật Bản - Tokaido Shinkansen

Một câu hỏi được đặt ra là liệu sự tăng trưởng đó của Nhật Bản có thực sự là thần kỳ? Trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải ghi nhận một điều rằng sự gia tăng dân số đã nêu ở trên giúp đất nước mặt trời mọc có thêm lực lượng lao động. Theo ghi nhận, thời điểm đó, nước Nhật có rất ít người già và tỷ lệ sinh thấp, nên tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động khá cao. Nhiều người trong số các lao động này đã chuyển từ công việc nông thôn năng suất thấp tới các công việc năng suất và công nghệ cao ở thành thị.

Nhật Bản còn có được nhiều thuận lợi như vị trí địa lý đắc địa khi ở giữa thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu dùng của các quốc gia vành đai lửa Thái Bình Dương; không tốn kém khi mua công nghệ; chi phí quốc phòng thấp; nguyên liệu thô rẻ mạt; tỷ giá hối đoái thuận lợi; thị trường xuất khẩu không bó hẹp. Với chừng ấy yếu tố thuận lợi, Nhật Bản "nhảy vọt" để vượt qua hai thập kỷ loạn lạc và bị tàn phá bởi chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh.

Yếu tố con người không thể không được nhắc đến khi nói tới sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Một hệ thống giáo dục hướng đến việc tạo ra những lao động có tay nghề cao và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng tăng (chiếm 25% thu nhập gia đình hoặc gấp 4 lần so với nước Mỹ thời điểm này) giúp Nhật Bản tìm được vốn để đầu tư vào các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.

Cái giá của phát triển kinh tế thần kỳ

Nhật Bản cũng gặp một số ảnh hưởng tiêu cực về xã hội

Nhật Bản cũng gặp một số ảnh hưởng tiêu cực về xã hội

Mọi thứ đều có hai mặt và phát triển kinh tế thần kỳ ở Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Cái giá phải trả là ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội. Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, nhiều người dân Nhật Bản mắc bệnh tật do các công ty lớn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước và không khí tại các khu dân cư. Các nạn nhân thường ít khi khởi kiện vì cả chính phủ và tòa án đều hành động chậm trễ hoặc ngó lơ.

Tới cuối thập niên này, ô nhiễm môi trường tồi tệ tới mức nhiều phong trào của người dân đã nổ ra để phản đối việc gây ô nhiễm môi trường. Tòa án và chính phủ lúc đó mới có những biện pháp xử lý. Tòa án trước đây đứng về phía các công ty xả thải gây ô nhiễm, nay quyết định xử phạt họ. Đảng LDP dù vẫn ủng hộ phát triển kinh tế nhưng đã thúc đẩy Quốc hội thông qua luật chống ô nhiễm mới năm 1967.

Giáo dục cũng là một vấn đề được quan tâm. Những cải cách trong thời kỳ chiếm đóng giúp Nhật Bản có một chương trình giảng dạy tiêu chuẩn trên cả nước. Tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp trung học tăng lên tới 95% so với nhóm tuổi (tỷ lệ cao nhất thế giới thời điểm đó). Tỷ lệ người học đại học cũng tăng.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại gặp vấn đề trong khâu tuyển sinh đại học. Vào một trường đại học tốt sẽ tạo ra tương lai rộng mở sau này vì vậy tính cạnh tranh rất khốc liệt. Các trường đưa ra nhiều khóa luyện thi. Nhưng nhiều người cho rằng việc học quá nhiều các bài luyện thi khi còn học trung học khiến học sinh thiếu kiến thức thực tế, kỹ năng xã hội kém và lãng phí thời gian.

Sự bất bình đẳng giới tính là một vấn đề nổi cộm sau giai đoạn phát triển kinh tế thần kỳ. Trong giáo dục, việc vào các trường đại học nổi tiếng được coi là điều chỉ con trai nên làm. Hầu hết phụ nữ lựa chọn các trường cao đẳng hoặc đại học không yêu cầu cao.

Ngoài ra, phụ nữ còn gặp nhiều bất lợi khác. Luật thuế là một ví dụ tiêu biểu. Các cặp đôi sẽ bị phạt nếu họ kiếm được nhiều hơn một khoản tiền nhất định. Vì vậy, một trong hai sẽ phải ở nhà và người đó thường là phụ nữ. Thiếu dịch vụ chăm sóc hàng ngày cho trẻ em và người già cũng là nguyên nhân khiến người phụ nữ phải ở nhà, không thể phát triển sự nghiệp, tài năng. 

-------------------

Ngoài yếu tố con người, các chính sách của chính phủ Nhật Bản cũng đóng góp quan trọng cho sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế hậu chiến tranh. Bài dài kỳ cuối sẽ nói về 2 chính sách cốt lõi giúp vực dậy kinh tế Nhật thời hậu chiến.

Trước cú chuyển mình vĩ đại, Nhật Bản thất bại ê chề, phải đầu hàng trong Thế chiến II ra sao?

Sau một vài thắng lợi lớn trong Chiến tranh Trung-Nhật và Chiến tranh Thái Bình Dương, đế quốc Nhật Bản đã phải đón...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN