Người kế nhiệm Thủ tướng Suga sẽ đưa Nhật Bản phát triển theo hướng nào?

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản hôm 29/9. Với vị trí mới, gần như chắc chắn ông Kishida sẽ kế nhiệm vị trí của Thủ tướng đương nhiệm Suga Yoshihide.

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản hôm 29/9. Ảnh: Bloomberg

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền LDP của Nhật Bản hôm 29/9. Ảnh: Bloomberg

Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Suga Yoshihide trong tháng 9 thông báo sẽ từ chức. Người kế nhiệm ông Suga là người chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) vì đảng này chiếm đa số trong nghị viện.

Xuất thân từ một nhân viên ngân hàng tới từ thành phố Hiroshima, ông Kishida là người dẫn đầu nỗ lực của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa chuyến thăm lịch sử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thành phố Hiroshima, nơi bị tàn phá nặng nề bởi vụ ném bom hạt nhân của Mỹ trong Thế chiến II.

Khi được hỏi về phong cách lãnh đạo của mình hồi tháng 8, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản 64 tuổi cho biết, việc xây dựng đồng thuận từ dưới lên cũng quan trọng như cách tiếp cận từ trên xuống trong chính trị.

Ông Kishida hiện đang lãnh đạo LDP hướng đến cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Hãng Reuters có đăng tải một số quan điểm của ông Kishida trong các chính sách phát triển lớn ở nhiều lĩnh vực của Nhật Bản.

Kinh tế

Ông Kishida cho biết, nếu trở thành lãnh đạo của nước Nhật, ông sẽ chú trọng tới việc củng cố tài khóa. Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản cũng bày tỏ nghi ngờ về chính sách lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Năm 2018, ông Kishida từng nói rằng kích thích kinh tế không thể kéo dài mãi.

Với việc nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ông Kishida đã đảo ngược những gì từng nói, nhấn mạnh BOJ phải duy trì các biện pháp kích thích kinh tế lớn.

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản còn đề xuất gói chi tiêu hơn 30 nghìn tỷ yên (gần 270 tỷ USD), nói thêm rằng, Nhật Bản có thể sẽ không tăng thuế suất bán hàng từ 10% "trong khoảng 1 thập kỷ".

"Cải cách chính sách tài khóa là hướng đi cuối cùng mà chúng tôi cần hướng tới, nhưng chúng tôi sẽ không cố khỏa lấp thâm hụt của Nhật Bản bằng cách tăng thuế ngay lập tức", ông Kishida nói hôm 25/9.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền LDP còn nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối nhiều lợi nhuận cho các hộ gia đình. Điều này trái ngược với trọng tâm các chính sách Abenomics, dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, tập trung thúc đẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp với kỳ vọng lợi ích sẽ "chảy xuống" những người làm công ăn lương.

Ngoại giao và an ninh

Ông Kishida cho rằng, Nhật Bản, với sự hợp tác của Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác, nên đứng vững trước những động thái được cho là bành trướng hơn của Trung Quốc.

"Để bảo vệ các giá trị như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, chúng ta cần kiên quyết trước sự bành trướng của Bắc Kinh, đồng thời hợp tác với các nước có chung chí hướng", cựu Ngoại trưởng Nhật bản nói trong tháng này.

Ông Kishida lên kế hoạch tăng cường khả năng của lực lượng bảo vệ bờ biển, vì Tokyo vẫn có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở một số hòn đảo ở biển Hoa Đông.

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản coi việc sở hữu khả năng tấn công các căn cứ đối phương là một lựa chọn khả thi, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thúc đẩy các chương trình hạt nhân và tên lửa.  

Ông Kishida còn hoan nghênh nỗ lực của Đài Loan khi hòn đảo này muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nơi có sự góp mặt của Úc, Canada, Nhật Bản và New Zealand.

Năng lượng, biến đổi khí hậu

Thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của công chúng với năng lượng hạt nhân, nhưng ông Kishida tin rằng, điện hạt nhân vẫn là một lựa chọn năng lượng để đảm bảo nguồn điện ổn định và giá cả phải chăng.

Nhật Bản đang phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa khí carbon vào năm 2050. Vì vậy, việc giảm mạnh sản điện từ các nhà máy nhiệt điện là điều khó tránh khỏi.

"Tôi nghĩ rằng, năng lượng tái tạo là quan trọng. Nhưng khi trả lời cho câu hỏi chỉ dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo có đủ dùng hay không. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn các lựa chọn khác như thủy điện, các cơ sở hạt nhân nhỏ và phản ứng tổng hợp hạt nhân", cựu Ngoại trưởng Nhật Bản nói.

Đối phó Covid-19

Giữa những chỉ trích cho rằng, có quá nhiều bộ trong nội các chính phủ chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng dịch Covid-19, ông Kishida dự kiến giao cho một cơ quan chính phủ mới giữ vai trò chỉ huy ứng phó dịch bệnh.

Tân lãnh đạo của LDP coi sự phát triển của thuốc đặc trị và vắc xin Covid-19 là chìa khóa để trở lại cuộc sống bình thường.

"Các nỗ lực đang được thực hiện để phát triển các loại thuốc dạng uống và phổ biến chúng vào cuối năm nay. Chính phủ Nhật Bản cần phải chú trọng vào các nỗ lực này", ông Kishida nói với phóng viên trong tháng 9. "Tôi muốn chúng ta tiến tới và đạt được mục tiêu đưa hoạt động kinh tế - xã hội của Nhật Bản trở lại gần như bình thường vào đầu năm sau".

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chuẩn bị từ chức

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến từ chức vào đầu tháng này, theo thông tin do đài Nikkei đăng tải ngày 3-9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN