Mỹ thử tên lửa siêu thanh giữa tháng 3 nhưng giữ bí mật

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên khẳng định, vụ thử tên lửa siêu thanh của Washington hồi giữa tháng 3 đã thành công. Vị này cũng tiết lộ lý do vì sao Mỹ giấu kín vụ thử tên lửa ở thời điểm đó. 

Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, Washington đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh HAWC từ "pháo đài bay" B-52. Ảnh: USAF

Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, Washington đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh HAWC từ "pháo đài bay" B-52. Ảnh: USAF

Hãng CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay, Washington đã thử thành công tên lửa siêu thanh HAWC từ giữa tháng 3 nhưng giữ im lặng suốt 2 tuần sau đó để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Thời điểm đó, Moscow đang trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tại châu Âu. 

Theo quan chức này, tên lửa siêu thanh HAWC được phóng từ máy bay ném bom B-52 ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây. Đây được xem là vụ thử nghiệm thành công đầu tiên của loại tên lửa này với phiên bản của nhà sản xuất Lockheed Martin. 

Một động cơ đẩy giúp tên lửa tăng tốc độ phóng. Tại thời điểm đó, động cơ phản lực phun khí sẽ kích hoạt và đẩy tên lửa đi với tốc độ siêu thanh (lớn hơn hoặc bằng Mach 5). 

Vị quan chức giấu tên chỉ đưa ra chút thông tin về vụ thử tên lửa siêu thanh của Mỹ, lưu ý rằng tên lửa đã bay ở độ cao 19 km và quãng đường hơn 480 km trong chưa đầy 5 phút. 

Vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh diễn ra vài ngày sau khi Nga tuyên bố sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mục tiêu bị tên lửa siêu thanh Nga phá hủy là một kho đạn dược ở miền tây Ukraine. 

Các quan chức Mỹ không đánh giá cao việc Nga sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông không coi loại tên lửa này có thể "thay đổi cục diện" sau tuyên bố sử dụng Kinzhal của Moscow. Vài ngày sau, Thư ký báo chí Nhà Trắng John Kirby cho biết, "rất khó để xác định mục đích" vụ phóng tên lửa siêu thanh của Nga, vì nó nhằm vào một cơ sở cố định.  

Theo CNN, tên lửa siêu thanh Kinzhal chỉ là một phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander (Nga). Nói cách khác, nó là một biến thể của một công nghệ cũ chứ không phải sản phẩm của một cuộc cách mạng về vũ khí siêu thanh. 

Vụ thử tên lửa siêu thanh HAWC của Mỹ phức tạp hơn, theo CNN. HAWC cũng không có đầu đạn mà dựa vào động năng của nó để tiêu diệt mục tiêu. 

Vào thời điểm Mỹ phóng thử tên lửa siêu thanh HAWC, ông Biden đang chuẩn bị có chuyến thăm các đồng minh NATO ở châu Âu, bao gồm điểm dừng chân ở Ba Lan - nơi ông Biden gặp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Ukraine. 

Theo CNN, Mỹ tỏ ra thận trọng, không thực hiện các động thái hoặc tuyên bố có thể gây leo thang căng thẳng giữa Washington và Moscow. 

Trước đó, Mỹ đã hủy một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III để tránh Nga hiểu lầm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố hoãn vụ thử nghiệm vào đầu tháng 3 để tránh hiểu nhầm không đáng có từ phía Moscow.  

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ chế tạo vũ khí laser năng lượng chống tên lửa siêu thanh

Quân đội Mỹ đã ký hợp đồng hợp tác với hai tập đoàn Boeing và General Atomics để phát triển loại vũ khí laser quân sự mạnh nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN