Mỹ - Nhật - Philippines tiến tới liên kết an ninh 3 bên

Mỹ - Nhật - Philippines đang nỗ lực thiết lập liên kết an ninh ba bên nhằm đối phó với căng thẳng trên các vùng Biển Đông, biển Hoa Đông.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tới Philippines đầu tháng 11 không chỉ tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương Nhật - Philippines mà còn góp phần thúc đẩy liên kết ba bên Mỹ - Nhật - Philippines.

Phát biểu trước Quốc hội Philippines hôm 4-11, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật cùng Philippines và Mỹ đang hợp tác để bảo vệ quyền tự do trên Biển Đông. Ông Kishida cũng cam kết hỗ trợ Manila tăng cường khả năng an ninh, theo hãng tin Reuters.

Tăng liên kết an ninh ba bên

Trên thực tế, Mỹ, Nhật và Philippines thời gian qua đã có những tương tác nhằm thắt chặt mối liên kết ba bên, đặc biệt trong vấn đề an ninh. Hồi tháng 9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Philippines tổ chức cuộc họp ba bên lần thứ hai, theo hãng thông tấn Philippines (PNA). Tại cuộc họp, ba quan chức ngoại giao cấp cao nhất trí xây dựng “kế hoạch làm việc” thúc đẩy hợp tác ba bên, bao gồm nhận thức về lĩnh vực hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

“Tôi nghĩ cả ba nước đều tin tưởng mạnh mẽ rằng sự hợp tác của chúng ta, không chỉ trên cơ sở song phương mà trên cơ sở ba bên, có thể mang lại những lợi ích rất tích cực không chỉ cho nước chúng ta mà còn cho các nước và đối tác khác trong khu vực và hơn thế nữa” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại thủ đô Manila (Philippines) hôm 3-11. Ảnh: VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG NHẬT

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại thủ đô Manila (Philippines) hôm 3-11. Ảnh: VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG NHẬT

Tháng 6, các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Nhật và Philippines đã tổ chức đối thoại ba bên lần đầu tiên tại thủ đô Tokyo (Nhật) và nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, theo đài ABC News. Tuyên bố chung sau cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác ba bên và khả năng ứng phó dựa trên liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Philippines nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tháng 5, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng nhất trí thiết lập “các phương thức hợp tác ba bên” với Nhật.

Trên thực địa, hợp tác giữa Mỹ, Nhật và Philippines cũng đang được mở rộng. Tháng 3, Nhật trở thành quan sát viên trong các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Philippines. Đến tháng 6, lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, Nhật và Philippines lần đầu tập trận hàng hải chung ngoài khơi tỉnh Bataan của Philippines.

Bên cạnh đó, Philippines đang tăng cường mở rộng hợp tác an ninh song phương với cả Mỹ và Nhật. Đầu năm nay, Philippines công bố thêm bốn căn cứ quân sự bổ sung mà nước này cho phép quân đội Mỹ tiếp cận theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014, nâng tổng số căn cứ mà Mỹ hiện được phép tiếp cận lên chín. Vào tháng 9, quan chức quốc phòng Washington và Manila thảo luận về việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ quân sự của Philippines.

Trong chuyến thăm Manila tuần qua, Thủ tướng Nhật cam kết cung cấp hệ thống radar giám sát bờ biển cho Philippines theo hỗ trợ an ninh chính thức mới (OSA), theo hãng thông tấn Kyodo News. Ông Kishida và ông Marcos cũng nhất trí bắt đầu đàm phán thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) để tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện cho các cuộc tập trận phòng thủ chung.

Gia tăng căng thẳng các vùng biển

Mỹ - Nhật - Philippines có động thái liên kết an ninh ba bên trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang gia tăng, đặc biệt ở các vùng Biển Đông, biển Hoa Đông, theo giới quan sát.

Tại Biển Đông, những tháng gần đây căng thẳng liên tục leo thang giữa Philippines và Trung Quốc (TQ). Tháng 10, xảy ra vụ va chạm giữa tàu TQ và tàu Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho xác tàu chiến BRP Sierra Madre bị mắc kẹt ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), theo trang DW. Phía Philippines cáo buộc lực lượng Hải cảnh TQ có “hành động khiêu khích, vô trách nhiệm và bất hợp pháp”, “gây nguy hiểm cho sự an toàn của thủy thủ đoàn”. Bắc Kinh xác nhận có “va chạm nhẹ” giữa tàu TQ và tàu Philippines sau khi tàu Philippines “phớt lờ nhiều cảnh báo và cố tình vượt qua cơ quan thực thi pháp luật một cách thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro kỳ vọng một cuộc tập trận chung giữa quân đội Philippines và Nhật theo thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) “có thể” được tổ chức sớm nhất là vào năm tới, theo Kyodo News.

Cuối tháng rồi, TQ cáo buộc một tàu của Philippines “xâm nhập trái phép” vùng biển gần bãi cạn Scarborough mà “không có sự cho phép” của Bắc Kinh. Phía Manila nói rằng tàu Philippines “tuần tra thường lệ” xung quanh bãi cạn Scarborough và “không xâm phạm bất hợp pháp bất kỳ không gian nào thuộc chủ quyền của TQ”. Philippines cũng kêu gọi Bắc Kinh hành động có trách nhiệm và chấm dứt “các hành động hung hăng và bất hợp pháp ở vùng biển Philippines”.

Tại biển Hoa Đông, căng thẳng giữa Nhật và TQ quanh quần đảo tranh chấp hai bên (Senkaku theo cách gọi của Nhật, Điếu Ngư theo cách gọi của TQ, hiện do Nhật kiểm soát) cũng nóng lên thời gian gần đây. Đầu tháng 11 hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc điều tàu tới khu vực tranh chấp này và đều khẳng định xua đuổi tàu đối phương ra khỏi khu vực, theo tờ South China Morning Post.

Một báo cáo hồi tháng 2 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ, nghiên cứu về các vấn đề quốc tế) nhận định Philippines, Nhật, Mỹ không có chiến lược khả thi nào để đối phó với hành động của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông nếu không có sự hợp tác mạnh mẽ ba bên. Trong một bài viết trên tạp chí War on the Rocks, ông Ryan Ashley - quan chức tình báo Không quân Mỹ - cũng cho rằng mối quan hệ an ninh ba bên cân bằng giữa Mỹ - Nhật - Philippines có thể giải quyết các mối lo ngại về an ninh chung nói trên ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ba yếu tố thúc đẩy liên kết an ninh Mỹ - Nhật - Philippines

Chuyên gia Richard Javad Heydarian, giảng viên cao cấp tại ĐH Philippines, cho rằng có ba yếu tố thúc đẩy liên kết ba bên Mỹ - Nhật - Philippines, theo tờ Japan Times.

Thứ nhất là hạn chế của chủ nghĩa đa phương ở khu vực châu Á. Thứ hai là học thuyết “răn đe tổng hợp” của Mỹ nhằm tìm cách thúc đẩy sự hợp tác “nhỏ” theo từng vấn đề cụ thể, đặc biệt giữa mạng lưới liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ ba là vị trí địa lý của Philippines.

Nguồn: [Link nguồn]

Cá koi trở thành vấn đề mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản

1/5 lượng cá koi xuất khẩu của Nhật Bản được đưa sang Trung Quốc. Song gần đây Trung Quốc không gia hạn các hợp đồng kiểm dịch cá koi, đồng nghĩa với việc ngưng nhập khẩu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN