Loại thuốc từng bị coi là "phế phẩm" giờ trở thành thuốc đặc trị Covid-19
Với mục đích sản xuất ban đầu là điều trị bệnh việm gan và bệnh do virus Ebola, loại thuốc này đã gây thất vọng lớn trong quá trình thử nghiệm vì không đạt hiệu quả như mong đợi để rồi bị “bỏ xó”. Tuy nhiên, thứ thuốc từng bị coi là “phế phẩm” giờ lại được Mỹ phê duyệt khẩn cấp trở thành thuốc đặc trị cho bệnh nhân Covid-19 với hiệu quả cao.
Remdesivir – loại thuốc ban đầu được nghiên cứu để điều trị viêm gan, Ebola và một số bệnh khác do virus gây ra, đã thất bại trong hàng ngàn thử nghiệm. Remdesivir sau đó bị coi là vô dụng và nằm lẫn trong đống dược liệu phế phẩm, bị lãng quên bởi chính các nhà khoa học tại công ty dược phẩm Gilead Science từng nghiên cứu ra nó.
Nhưng đến hôm 1.5, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt Remdesivir trở thành thuốc đặc trị Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp. Trường hợp khẩn cấp ở đây được phân loại là các bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.
Thử nghiệm được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAD) trên hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 cho thấy, người sử dụng thuốc Remdesivir đã hồi phục sau 11 ngày thay vì 15 ngày khi điều trị bằng phương pháp thông thường.
Tiến sĩ Anthony S. Fauci – Giám đốc NIAD, cho biết, kết quả trên là một bằng chứng rất quan trọng về hiệu quả của thuốc Remdesivir. Tổng thống Donald Trump cũng dành lời ca ngợi về hiệu quả của loại thuốc này.
Thuốc Remdesivir từng bị coi là vô dụng khi không đạt mục đích sản xuất ban đầu (ảnh: NY Times)
Dữ liệu được công bố từ thử nghiệm của Viện Y tế quốc gia (NIH) Mỹ cho thấy, Remdesivir giúp giảm tỷ lệ phải nhập viện ở bệnh nhân Covid-19 xuống còn 31%, so với điều trị bằng giả dược.
Remdesivir hiện chỉ được chấp nhận sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng. Việc phê duyệt chính thức để sử dụng rộng rãi còn phải đợi một thời gian nữa khi các thử nghiệm được tiến hành thêm. Tuy nhiên, một số bác sĩ làm việc trong những phòng điều trị đặc biệt cho rằng, Remdesivir là vũ khí quan trọng để điều trị Covid-19.
“Đây là bước khởi đầu tuyệt vời”, bác sĩ Robert Finberg tại Đại học Y Massachusetts cho biết khi đề cập đến việc Remdesivir được phê duyệt khẩn cấp.
Tiến sĩ Mark Denison tại Đại học Vanderbilt là một trong số ít các nhà nghiên cứu đã khám phá ra tiềm năng của Remdesivir.
“Có hàng tá loại thuốc ở công ty Gilead Science có thể có hiệu quả đối với Covid-19. Tuy nhiên vì nhiều lý do, những loại thuốc đó đều bị bỏ qua một bên và rồi chúng tôi tìm thấy GS-5734, hiện được gọi là Remdesivir”, ông Denison cho biết.
“Chúng tôi đã làm việc trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị Covid-19. Nhưng loại tốt nhất vẫn là Remdesivir. Tôi thì thích gọi nó là kẻ hủy diệt hơn”, Tiến sĩ Denison hào hứng.
Ông Denison kể lại, Remdesivir đã tiêu diệt mọi chủng virus Corona được đưa vào thử nghiệm.
Remdesivir đã phát huy hiệu quả trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)
Tuy nhiên trước đó, Remdesivir cũng thất bại trong vô số thử nghiệm trong việc chống lại virus Ebola và viêm gan. Loại thuốc này do đó bị đánh giá là có hiệu quả kém, không được chấp nhận cho bất cứ mục đích sử dụng nào, nó rơi vào quên lãng cho đến khi Covid-19 xuất hiện.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lancet đến từ các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, Remdesivir không có nhiều hiệu quả khi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, hiệu quả của thuốc Remdesivir là rất đáng ghi nhận.
“Ngay cả khi Remdesivir chỉ có tác dụng khiêm tốn ở những bệnh nhân Covid-19 được đưa nhập viện thì đó cũng là sự bất ngờ. Tôi từng cho rằng thuốc này sẽ không có hiệu quả đối với những bệnh nhân thử nghiệm.
Họ gặp các triệu chứng nặng và thường tử vong do phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch chứ không phải vì virus. Đó là lý do không nhiều loại thuốc có thể hoạt động hiệu quả khi điều trị Covid-19. Ơn chúa, cuối cùng thì chúng ta cũng tìm được được thứ gì đó hữu ích”, Arnold Monto – chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), nhận xét.
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, Remdesivir là giải pháp tốt nhất hiện tại để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Thuốc đã trải qua nhiều thử nghiệm trên người, động vật và được chứng minh là an toàn từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Remdesivir đang được công ty Gilead đẩy mạnh sản xuất (ảnh: NY Times)
Công ty Gilead đang tăng cường sản xuất và hiện đã có khoảng 1,5 triệu lọ Remdesivir thành phẩm, đủ dùng điều trị cho 150.000 bệnh nhân Covid-19.
“Số thuốc này sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân”, Daniel O'Day – Giám đốc điều hành công ty Gilead cho biết.
Ông Daniel O'Day không đề cập đến giá tiền của Remdesivir sau khi được phê duyệt chính thức. Tuy nhiên, nhiều khả loại thuốc này sẽ có giá không rẻ, mặc dù đã nhận được sự tài trợ đến từ chính phủ Mỹ.
Viện nghiên cứu lâm sàng và kinh tế Mỹ ước tính, chi phí sản xuất cho liệu trình điều trị 10 ngày của thuốc Remdesivir hiện trị giá 10 USD. Nhưng giá thuốc có thể tăng lên tới 4.500 USD căn cứ vào hiệu quả khi điều trị cho bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ Mỹ đã chậm chạp trong việc nhận ra mối nguy Covid-19 đến từ châu Âu, điều này khiến dịch bệnh có cơ hội...