Liệu ‘bất ngờ tháng 10’ có tác động tới cục diện bầu cử Mỹ?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang nóng dần lên, thuật ngữ "bất ngờ tháng 10” một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý vì những sự kiện xảy ra trong tháng này có thể thay đổi cục diện bầu cử Mỹ.

Chỉ còn một tháng nữa là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ diễn ra và đây có thể xem là một trong những cuộc bầu cử kịch tính nhất lịch sử xứ cờ hoa.

Cuộc đua tổng thống năm nay đã chứng kiến ​​đủ các sự kiện gây sốc xảy ra chỉ trong vài tháng ngắn trở lại đây, bao gồm việc đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi đường đua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không có một “bất ngờ tháng 10” xảy ra trước thềm cuộc bầu cử và có thể xoay chuyển cục diện bầu cử Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: GETTY IMAGES

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: GETTY IMAGES

“Bất ngờ tháng 10” là gì?

“Bất ngờ tháng 10” (October surprise) là một thuật ngữ chính trị phổ biến trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1980. Đó là một sự kiện xảy một cách cố ý hoặc ngẫu nhiên vào tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và có thể tác động lớn tới kết quả bầu cử.

Ông Oscar Winberg - chuyên gia về chính trị Mỹ tại Viện nghiên cứu cao cấp Turku (Phần Lan) cho biết có ba dạng sự kiện "bất ngờ tháng 10”: (1) một diễn biến ngoại giao chấn động của Mỹ trên trường quốc tế; (2) một vụ bê bối chính trị trong quá khứ bị khui ra; (3) một sự kiện trong nước gây ảnh hưởng to lớn như một thảm họa thiên nhiên, một đại dịch hoặc việc mở một cuộc điều tra hình sự, theo tờ France 24.

Theo chuyên gia Winberg, mặc dù sự kiện “bất ngờ tháng 10” có thể đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, đặc biệt do sự can thiệp bầu cử của nước ngoài và nhiều chiến dịch thông tin sai lệch khác nhau, song những bất ngờ này dường như không còn đủ sức mạnh để thay đổi hoàn toàn cục diện bầu cử Mỹ.

Ông Winberg lưu ý rằng hiện nay số lượng cử tri vẫn còn lung lay chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho bên nào ít hơn, để các ứng viên tranh thủ tác động, vì hầu hết cử tri hiện vẫn trung thành với đảng mà họ luôn bỏ phiếu. “Trong hệ thống hai đảng phân cực hiện đang tồn tại ở Mỹ ngày nay, mỗi bên đều có sự ủng hộ từ 45-47%, vì vậy các ứng viên không có nhiều cử tri chưa quyết định để thuyết phục sự ủng hộ của họ. Nhưng đồng thời, điều đó có nghĩa là những thay đổi nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt”.

Một nguyên nhân nữa mà chuyên gia Winberg đưa ra là do xu hướng ngày càng có nhiều người Mỹ bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, nên những diễn biến tin tức vào phút chót vốn có thể được coi là những yếu tố thay đổi cuộc chơi trước đây không còn quan trọng như trước nữa.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ năm 2016 - khuyên Phó Tổng thống Harris nên chuẩn bị cho một "bất ngờ tháng 10”. “Như thường lệ, tôi dự đoán điều gì đó sẽ xảy ra vào tháng 10. Sẽ có những nỗ lực phối hợp để bóp méo và làm sai lệch bà Kamala Harris, con người bà ấy, những gì bà ấy đại diện, những gì bà ấy đã làm” - bà Clinton nói với đài PBS.

Dự đoán các "bất ngờ tháng 10” trong cuộc bầu cử năm nay

Tờ The Hill đưa ra 5 bất ngờ có thể xảy ra trong tháng 10 của cuộc bầu cử năm nay. Thứ nhất là sự rò rỉ của những video hoặc bản ghi âm. Hai cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất đều được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các đoạn video hoặc bản ghi âm trên các bản tin.

Năm 2016, đoạn video của ông Donald Trump (ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà khi đó) trên chương trình “Access Hollywood”, trong đó ông khoe về những hành động khiếm nhã đối với phụ nữ, bị rò rỉ gây chấn động chính trường Mỹ lúc bấy giờ. Năm 2020, chiếc laptop của ông Hunter Biden - con trai ông Joe Biden (ứng viên tổng thống đảng Dân chủ khi đó) bị khui ra đã trở thành nội dung công kích của đảng Cộng hòa.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: BLOOMBERG

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: BLOOMBERG

Đối với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, rủi ro về bản ghi âm hoặc video bị rò rỉ có thể sẽ xoay quanh các lập trường chính sách trước đây của bà. Trong khi đó, phía ông Trump có nguy cơ cao bị tung ra các video hoặc bản ghi âm về những phát biểu kín của cựu tổng thống với các nhà tài trợ như cắt giảm thuế cho người giàu có thể gây ra làn sóng phản đối hoặc cung cấp thông tin cho chiến dịch tranh cử của bà Harris.

Thứ hai là xảy ra một thiên tai có ảnh hưởng lớn tới người dân Mỹ. Sự tàn phá của cơn bão Helene trong những ngày gần đây là một ví dụ điển hình về cách một sự kiện thời tiết quan trọng có thể đảo lộn chiến dịch trong những tuần tới. Cơn bão không chỉ gây ra thiệt hại to lớn về người và của mà còn thay đổi lịch trình vận động tranh cử của các ứng viên tổng thống cũng như cản trở việc bỏ phiếu sớm.

Thứ ba là bạo lực chính trị gia tăng. Một trong những bất ngờ nghiêm trọng nhất có thể xảy ra vào tháng 10 sẽ là bạo lực nhắm vào các ứng cử viên, nhân viên bầu cử, nhân viên hoặc các quan chức khác.

Thứ tư là một cuộc tranh luận có thể xảy ra giữa bà Harris và ông Trump. Nếu xảy ra thì cuộc tranh luận thứ hai giữa ông Trump và bà Harris có lẽ một trong những sự kiện có thể làm thay đổi cuộc đua giành chức tổng thống.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Bà Harris đã nhiều lần thúc đẩy một cuộc tranh luận khác với ông Trump vào tháng 10 và cũng đã chấp nhận lời mời tham dự cuộc tranh luận do đài CNN tổ chức vào ngày 23-10. Cho đến nay, cựu Tổng thống Trump vẫn từ chối tham gia tranh luận lần thứ hai, tuyên bố rằng ông đã thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên và sau đó cho rằng đã quá muộn cho một cuộc tranh luận vì cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu. Tuy nhiên, một số đồng minh của Trump đã thúc giục ông xem xét lại, và tin rằng cựu tổng thống vẫn có thể thay đổi quyết định nếu ông cảm thấy cần thiết thúc đẩy sự ủng hộ của cử tri.

“Bất ngờ tháng 10” thứ năm có thể sẽ là nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở nước ngoài. Có những lo ngại đáng kể về căng thẳng ở Trung Đông, nơi mà Israel đang đối đầu với các lực lượng uỷ nhiệm của Iran, gồm Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon và Houthis ở Yemen, và nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel sau cuộc tấn công tên lửa của Tehran. Một cuộc chiến như vậy có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa trong nội bộ đảng Dân chủ nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra một cơ hội tiềm tàng để ông Trump tấn công vào chính sách đối ngoại.

Chia sẻ với đài CNN hôm 6-10, nhà sử học Allan Lichtman tiếp tục bảo vệ dự đoán của ông rằng Phó Tổng thống Harris sẽ đánh bại cựu Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, bất chấp xảy ra một "bất ngờ tháng 10". “Một trong những kỳ bí nhất của nền chính trị Mỹ là bất ngờ tháng 10. Tôi chưa bao giờ thay đổi dự đoán của mình trước một bất ngờ tháng 10 … vì các chìa khóa đo lường bức tranh tổng thể sức mạnh của chính quyền đương nhiệm và không bị lay chuyển bởi các sự kiện trong chiến dịch tranh cử” - ông Lichtman nói.

Ông Trump có phát ngôn gây tranh cãi về người nhập cư

Cựu Tổng thống Donald Trump đã sử dụng lời lẽ ngày càng gay gắt để tấn công những người nhập cư. Trong chương trình phát thanh The Hugh Hewitt Show hồi đầu tuần, ông Trump cho rằng những người nhập cư phạm phải những tội ác khủng khiếp vì "điều đó nằm trong gen của họ", theo tờ Politico.

“Bây giờ bạn biết đấy, một kẻ giết người, tôi tin điều này nằm trong gen của họ. Và chúng ta có rất nhiều gen xấu ở đất nước mình vào lúc này” - ông Trump nói.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump - bà Karoline Leavitt nói rằng cựu tổng thống "đang nhắc đến những kẻ giết người, không phải người nhập cư" trong cuộc phỏng vấn.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre lên án phát ngôn trên của ông Trump, nói rằng kiểu ngôn ngữ đó “mang tính thù ghét, ghê tởm, không phù hợp và không có chỗ đứng ở đất nước chúng ta".

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc đua Trump-Harris được đánh giá là kỳ bầu cử tổng thống sít sao nhất thế kỷ ở Mỹ, khi tỉ lệ ủng hộ giữa hai ứng viên ngang ngửa và rất khó đoán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN