Khủng hoảng Ukraine: Ông Putin đứng trước lựa chọn cực kỳ khó khăn

Trong khi tỏ ra cứng rắn, yêu cầu phương Tây phải đồng ý với các đề xuất an ninh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng trước hai lựa chọn khó khăn. Một là dùng vũ lực để khiến Ukraine phải quay về với ảnh hưởng của Nga, hai là thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Âu. Nhưng sẽ rất khó để ông Putin đạt được cả hai mục đích, theo báo Mỹ New York Times.

Ông Putin đứng trước các lựa chọn khó khăn trong căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine.

Ông Putin đứng trước các lựa chọn khó khăn trong căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine.

Châu Âu rất cần tới nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ từ Nga và Moscow thu về khoản tiền lớn. Nga là nhà cung cấp đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Mặt khác, Nga phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ năng lượng, chiếm hơn 30% nền kinh tế và hơn 60% tỉ trọng xuất khẩu.

Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, châu Âu vẫn cần mua khí đốt và dầu mỏ từ Nga, bất kể là đường ống Nord Stream 2 có được hoạt động hay không. Tuy vậy, châu Âu có thể từng bước hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga, hướng tới các nhà cung cấp khác.

Trung Quốc có thể thay thế châu Âu trong việc mua thêm khí đốt từ Nga, nhưng mọi chuyện không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Ông Putin dĩ nhiên rất cần tới Trung Quốc, Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói. “Nếu xung đột với Ukraine nổ ra, Nga rất cần một người bạn như Trung Quốc làm hậu phương”, ông Gabuev nói.

Nhưng không rõ Nga và Trung Quốc có thể hợp tác gần gũi đến mức nào, dù cùng có chung mục đích đối phó Mỹ. “Quan hệ Nga-Trung không phải kiểu đồng minh có thể giúp đỡ nhau trên mọi lĩnh vực một cách vô điều kiện”, ông Gabuev nói.

Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang đánh giá những quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu lệnh trừng phạt Nga có hiệu lực, hoặc là các nguy cơ Nga đáp trả đòn trừng phạt.

Năm 2014, Nga đã tung đòn trừng phạt Croatia nhằm đáp trả việc bị châu Âu cấm vận vì sáp nhập bán đảo Crimea. Các quốc gia châu Âu sau đó đã phải giúp đỡ để hàng hóa của Croatia, chủ yếu là thực phẩm, có nơi tiêu thụ.

Mặt khác, nếu Nga ổn định quan hệ kinh tế với châu Âu, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để ông Putin ngăn Ukraine ngày càng xích lại gần hơn với phương Tây.

Nigel Gould-Davies, cựu quan chức ngoại giao Anh hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho rằng việc Nga đang cố gắng buộc phương Tây đồng ý với các đề xuất an ninh, “không phải là giải pháp thay thế cho hành động quân sự, mà là màn dạo đầu”.

Theo ông Gould-Davies, việc Mỹ phản ứng cứng rắn khiến ông Putin không còn nhiều lựa chọn, bởi chủ động hạ nhiệt căng thẳng cũng có nghĩa là sẽ không thể chiếm ưu thế trước phương Tây trên bàn đàm phán.

Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nói giải pháp có thể làm hài lòng các bên là ông Putin tuyên bố chiến thắng về mặt ngoại giao, còn phương Tây đồng ý về việc khôi phục thỏa thuận Minsk.

Thỏa thuận có điều khoản buộc Ukranie công nhận quyền tự trị của hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk, điều mà Tổng thống Volodymyr Zelensky từng tuyên bố không chấp nhận.

Hoặc là ông Putin có thể tự mình giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự, nhưng hậu quả sau đó là vô cùng lớn, ông Trenin nói.

Nga cũng có thể sáp nhập miền đông Ukranie, nơi có số đông cộng đồng người Ukraine nói tiếng Nga sinh sống. Nhưng nếu làm điều này, Moscow sẽ chấm dứt hy vọng ngăn phần lãnh thổ còn lại của Ukraine ngả về phương Tây.

Ông Trenin cho rằng, cũng có khả năng một nền chính trị mới đang xuất hiện ở Nga, phá vỡ những nỗ lực nhằm hội nhập và hợp tác với phương Tây dưới thời hai nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin.

“Chuyện gì xảy ra nếu ông Putin quyết định cắt đứt với phương Tây để định hình chính sách đối nội và đối ngoại hoàn toàn mới?”, ông Trenin nêu giả thuyết.

“Chỉ ông Putin mới trả lời được câu hỏi đó. Ông Putin có đủ quyền lực và ảnh hưởng để quyết định bước đi tiếp theo”, ông Trenin nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Căng thẳng Ukraine bao giờ chấm dứt, chỉ một người biết rõ nhất

Căng thẳng giữa Nga với phương Tây về vấn đề Ukraine có thể sẽ còn kéo dài, chưa biết bao giờ mới kết thúc, tùy thuộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN