Khi “hơi thở của quỷ” kết hợp với ứng dụng hẹn hò thành cái bẫy hoàn hảo

Dùng những ứng dụng hẹn hò như Tinder hay Bumble, các băng nhóm tội phạm Colombia đã dụ nhiều du khách nước ngoài “sập bẫy” và chuốc cho họ loại thuốc mê có tên “hơi thở của quỷ” để cướp tài sản.

Cảnh báo nạn đánh thuốc mê du khách

Khi Carlos, một ông bố đơn thân người Mỹ sống ở Colombia, cuối cùng cũng gặp được người phụ nữ trẻ hấp dẫn mà anh đã nhắn tin trên một ứng dụng hẹn hò, nỗi e ngại của anh bắt đầu tan biến.

“Ban đầu, tôi vẫn có chút nghi ngờ, nhưng rồi bằng cách nào đó chúng tôi quyết định đến căn hộ của tôi để xem nốt trận bóng đá. Colombia đang đấu với Mexico và tranh thủ giữa hai hiệp, chúng tôi bắt xe về để xem hiệp 2”, Carlos nhớ lại.

Medellin, thành phố lớn thứ nhì Colombia, có nhiều cảnh đẹp và đã đón 1,4 triệu khách quốc tế vào năm 2022. Ảnh: RM.

Medellin, thành phố lớn thứ nhì Colombia, có nhiều cảnh đẹp và đã đón 1,4 triệu khách quốc tế vào năm 2022. Ảnh: RM.

Họ uống rượu và trò chuyện tại căn hộ của anh ở Bogota, thủ đô Colombia và rồi trò chơi kết thúc. “Khi uống ly rượu thứ hai thì tôi có cảm giác rất lạ, đầu nặng trĩu. Đó là điều cuối cùng tôi nhớ được”, Carlos cho biết.

Carlos - người yêu cầu hãng tin CNN không sử dụng tên thật của anh vì lý do nghề nghiệp - phải nhập viện vào sáng hôm sau, nơi các bác sĩ thông báo rằng anh đã bị đánh thuốc mê. Sau nhiều ngày điều trị, Carlos trở về nhà và nhận ra rằng một số tài sản của mình đã bị mất - bao gồm cả hộ chiếu của anh.

Carlos rất suy sụp. Nhưng anh không cô đơn. Có nhiều đồng hương của anh cũng rơi vào tình cảnh tương tự tại Colombia.

Steven Valdez, một một blogger du lịch đã đến Medellin - thành phố lớn thứ nhì Colombia, vào năm ngoái. Thế rồi, tại Công viên Medellin, Valdez đã nhận ra một người phụ nữ mà anh từng quen biết trên nền tảng hẹn hò Tinder. Họ trao đổi số điện thoại và lập kế hoạch cho một cuộc hẹn mới.

Khi cả hai gặp lại, người phụ nữ đã đề nghị Valdez thử một món ăn đặc trưng của Colombia - món súp kem có tên ajiaco. Cô mang nó từ quầy hàng đến bàn của họ. Valdez cho biết anh đã ăn hai thìa. “Và đó là điều cuối cùng tôi nhớ được”, chàng trai 31 tuổi kể.

Tỉnh lại ở bệnh viện, Valdez được các bác sĩ thông báo rằng anh đã uống một loại thuốc an thần cực mạnh, trong đó gồm một chất gọi là scopolamine có tác dụng gây mê, gây ảo giác và đưa con người vào trạng thái bị thôi miên, khiến họ cởi mở hơn trước những gợi ý - bao gồm cả việc giao ví hoặc tiết lộ mật khẩu.

Với trường hợp của Valdez, có lẽ liều lượng thuốc mê chưa đủ mạnh để khiến anh bị thao túng hoàn toàn. Blogger người Mỹ cho biết, cảnh sát sau đó nói rằng những kẻ bắt giữ anh đã đánh anh, có thể là do anh chống cự lại chúng. Kiểm lại tài sản, Valdez biết rằng anh đã mất điện thoại, máy tính xách tay, ví và khoảng 7.000 USD.

Nhưng Valdez vẫn cảm thấy mừng vì còn sống. Nhiều trường hợp khác không được may mắn như anh. Cuối năm ngoái, Tou Ger - một nhà hoạt động cộng đồng và diễn viên hài  đến từ Minnesota (Mỹ), đã phải trả giá đắt hơn nhiều khi sập bẫy những kẻ đánh thuốc mê ở Colombia.

Ông Steven Valdez, một blogger du lịch người Mỹ, đã bị đánh thuốc mê ở Medellin và bị cướp đi nhiều tài sản cùng 7.000 USD.  Ảnh: New York Times.

Ông Steven Valdez, một blogger du lịch người Mỹ, đã bị đánh thuốc mê ở Medellin và bị cướp đi nhiều tài sản cùng 7.000 USD.  Ảnh: New York Times.

Trước chuyến đi tới Medellin hồi tháng 10 năm 2023, Tou Ger đã hẹn hò trực tuyến với một phụ nữ. Vài tuần sau chuyến thăm kéo dài hai tháng, vào giữa tháng 12, anh gọi cho em trai và yêu cầu gửi 2.000 USD nhưng không nói số tiền đó dùng để làm gì. Eh Ger, em trai của Tou Ger lập tức chuyển tiền. Kể từ đó, Eh không bao giờ nghe tin gì từ anh trai nữa.

Ít lâu sau, cảnh sát tìm thấy thi thể của Tou Ger tại một khu rừng hẻo lánh gần thành phố Medellin. Một người bạn ở Medellin nói với Eh rằng anh trai anh đã bị kẻ xấu bắt cóc để đòi khoản tiền chuộc 2.000 USD.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ít nhất 8 công dân nước này đã chết theo cách đáng ngờ như vậy chỉ tính riêng tại Medellin từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2023. Điều này khiến Đại sứ quán Mỹ tại Colombia phải đưa ra cảnh báo công dân Mỹ khi tới đây cần thận trọng khi gặp gỡ người lạ một mình trong khung cảnh riêng tư nếu không muốn trở thành mồi ngon cho kẻ xấu.

“Tội phạm sử dụng các ứng dụng hẹn hò để dụ nạn nhân gặp gỡ…. sau đó ra tay và cướp tài sản của họ”, Đại sứ quán Mỹ tại Colombia cho biết trong một cảnh báo an ninh công bố ngày 10/1. “Nhiều công dân Mỹ ở Colombia đã bị đánh thuốc mê, bị cướp và thậm chí bị giết bởi những người địa phương mà họ mới quen”.

Một con phố đông khách du lịch nước ngoài ở quận 13 của Medellin.  Ảnh: New York Times.

Một con phố đông khách du lịch nước ngoài ở quận 13 của Medellin.  Ảnh: New York Times.

“Hơi thở của quỷ” là gì?

Vào một đêm đi chơi bình thường ở Bogota hoặc Medellin, không có gì lạ khi nghe cảnh báo về Burundanga, tên theo tiếng Colombia của scopolamine. Scopolamine là một độc tố tự nhiên có nguồn gốc từ cây Scopolia (một loại thực vật họ cà) với độc tính rất mạnh. Một chút scopolamine ở dạng cô đặc khi hòa vào đồ uống có thể khiến nạn nhân bất tỉnh tới 24 giờ. Còn một lượng lớn scopolamine có thể gây suy hô hấp và tử vong.

Guillermo Castano - nhà điều tra cấp cao của Bộ Khoa học Colombia, cho biết scopolamine từ lâu đã được sử dụng với liều lượng nhỏ như một loại thuốc điều trị chứng say tàu xe và buồn nôn, nhưng khoảng 10 năm trước, bọn tội phạm ở Colombia đã bắt đầu sử dụng nó để nhắm vào khách du lịch nhằm trộm cắp và cướp của. Chúng thường trộn scopolamine với các loại thuốc benzodiazepin, thuốc điều trị chứng mất ngủ và lo lắng, để khiến nạn nhân thêm bất lực.

Loại thuốc mê với thành phần scopolamine được giới hắc đạo gọi là “hơi thở của quỷ”, một cách ẩn dụ rất đúng với hiệu quả sử dụng của chúng. Các nạn nhân không thể phát hiện ra scopolamine do chúng không có mùi, dễ hòa tan trong nước. Với độc tính mạnh và tác dụng kéo dài, “hơi thở của quỷ” khiến hầu hết người bị hại không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra với họ khi tỉnh lại.

Trong thời đại bùng nổ mạng xã hội hiện nay, “hơi thở của quỷ” đang trở thành công cụ đắc lực hơn cho bọn tội phạm. Sử dụng các ứng dụng hẹn hò như Tinder và Bumble để tìm và dụ nạn nhân tới những nơi vắng vẻ, riêng tư, chúng có thể ra tay nhanh gọn và hiệu quả khi dùng thứ thuốc mê này.

Andres Nieto, một chuyên gia về tội phạm và an ninh ở Bogota, cho biết: “Trước đây, các băng nhóm địa phương thường chờ mục tiêu say rượu cố gắng bắt taxi bên ngoài quán bar nhưng giờ đây chúng chủ động hơn, chọn nạn nhân trực tuyến và sau đó mời họ hẹn hò”.

“Các băng đảng thường thuê những phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ để thu hút đàn ông”, Neto nói thêm và cho biết các hoạt động tội phạm nhằm vào du khách Mỹ đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trong cộng đồng người nước ngoài ở Colombia.

Anh Tou Ger, du khách người Mỹ đã bị sát hại ở Colombia hồi cuối năm ngoái. Ảnh: New York Post.

Anh Tou Ger, du khách người Mỹ đã bị sát hại ở Colombia hồi cuối năm ngoái. Ảnh: New York Post.

Đe dọa phá hỏng nỗ lực của ngành du lịch

Các sự cố dẫn đến cái chết của khách du lịch nước ngoài ở Colombia vốn tương đối ít. Trong hai tháng cuối năm 2022, chỉ một công dân Mỹ chết ở Colombia, trong một vụ đuối nước ở thành phố Santa Marta ven biển Caribe. Nhưng khi làn sóng du khách đến đất nước Nam Mỹ này tăng lên sau đại dịch, tội phạm nhắm vào du khách nước ngoài dường như cũng gia tăng.

Theo Đại sứ quán Mỹ, chỉ riêng tại thành phố Medellin, các vụ trộm cắp nhằm vào người nước ngoài trong quý 3 năm ngoái đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2022. Và trong nhiều vụ cướp hoặc bắt cóc, bọn tội phạm sử dụng ma túy và thuốc an thần để khiến nạn nhân bất lực.

Sự gia tăng này là một đòn giáng vào nỗ lực thay đổi hình ảnh của Colombia. Quốc gia này, và đặc biệt là thành phố Medellin, trong nhiều năm qua đã dành rất nhiều công sức để loại bỏ mối liên hệ với ma túy, bạo lực và dấu ấn của những ông trùm cocain kiểu như Pablo Escobar trong mắt du khách quốc tế.

Medellin đã trải qua một sự thay đổi lớn kể từ những năm 1990. Bây giờ, thay vì tiếng xấu về ma túy, thành phố lớn thứ nhì Colombia tự hào với những bảo tàng đẹp, những quán cà phê trên con phố rợp bóng cây và hệ thống tàu điện ngầm duy nhất của đất nước. Dù nhiều băng nhóm tội phạm vẫn còn tồn tại nhưng tỷ lệ giết người tại Medellin đã giảm xuống. Tiếc là, làn sóng đánh thuốc mê để cướp tài sản của khách du lịch có thể làm hoen ố bức tranh màu hồng đó.

Đại sứ quán Mỹ nói với CNN rằng để đáp lại cảnh báo an ninh của họ, chính quyền Colombia đã bắt giữ và truy tố những cá nhân đánh thuốc mê và cướp của người nước ngoài gần đây ở cả Medellin và Bogota. Còn Thị trưởng Medellin, Federico Gutierrez nói với các phóng viên vào tuần trước rằng ông muốn thấy nhiều du khách tập trung vào những thứ mà ông mô tả là “du lịch tích cực” tại thành phố này hơn là đến để tìm kiếm bạn tình qua các ứng dụng hẹn hò.

“Chúng tôi muốn nhiều người nước ngoài đến Medellin, công dân Hoa Kỳ, người châu Âu, bất cứ ai, nhưng chúng tôi muốn có một nền du lịch tích cực. Những người muốn đến đây để du lịch tình dục và ma túy đã nhầm lẫn”, ông Gutierrez nói.

Một trong những biện pháp đầu tiên mà thị trưởng Gutierrez thông qua sau khi nhậm chức ngày 1/1 là ban hành lệnh cấm sử dụng ma túy ở nơi công cộng. Một lệnh tương tự cũng đã được ban hành ở Cartagena, một điểm nóng du lịch khác ở bờ biển Caribe của Colombia, nơi chứng kiến sự gia tăng của mại dâm đường phố và các vụ việc liên quan đến ma túy sau sự gia tăng du lịch kể từ cuối đại dịch.

“Hơn 1,4 triệu du khách nước ngoài đã đến thăm Medellin vào năm 2022, và con số này năm 20023 còn cao hơn. Nhưng không phải ai đến thành phố này cũng gặp phải những vấn đề về tội phạm. Tôi đảm bảo, những người đến Medellin để du lịch tích cực, để tìm hiểu văn hóa của chúng tôi và thăm các bảo tàng, quảng trường của chúng tôi, sẽ không gặp bất kỳ rủi ro nào”, ông Gutierrez nhấn mạnh.

Lời hứa cũng đi kèm với hành động: Cảnh sát Medellin đã bắt đầu kiểm soát mạnh tay tại những điểm du lịch nổi bật nhất của thành phố, bao gồm cả khu ăn chơi về đêm nổi tiếng có tên El Poblado. Đấy là tín hiệu rất tích cực, nhưng hiệu quả tới đâu thì còn phải chờ xem liệu có còn báo cáo nào về “hơi thở của quỷ” và những nạn nhân của thứ thuốc mê ấy trong thời gian tới hay không.

Nguồn: [Link nguồn]

Tờ The Independent của Anh vừa đăng tải đoạn video quay lại khoảnh khắc cảnh sát bắt giữ một trùm băng đảng ma túy quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Nenad Petrak, trùm ma túy người Croatia, tại quận Uskudar ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 18-11 . Petrak nằm trong danh sách truy nã đỏ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) vì bị cáo buộc liên quan đến đường dây buôn bán ma túy từ Nam Mỹ sang châu Âu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN