Hiểm họa nào chờ Israel ở những “mê cung” dưới lòng đất Dải Gaza?

Dải Gaza có tất cả những cạm bẫy của chiến tranh đô thị: lính bắn tỉa nấp trên các mái nhà và ô cửa, tầm nhìn bị cản trở, phục binh ở khắp mọi nơi. Nhưng khi binh sĩ Israel tiến vào Dải Gaza, còn một mối nguy hiểm lớn hơn đang rình rập họ. Nó ở dưới lòng đất.

Những mê cung đầy cạm bẫy

Các chiến binh Hamas - những người đã phát động cuộc tấn công dữ dội vào Israel hôm 7/10 - đã xây dựng một mê cung gồm các đường hầm mà một số người tin rằng trải dài trên hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ, Dải Gaza, lãnh thổ mà họ kiểm soát. Và, chúng không chỉ là những đường hầm.

Dưới những khu dân cư đông đúc tại Dải Gaza là hệ thống địa đạo chằng chịt dài hơn 500 km của Hamas. Minh họa: New York Times

Dưới những khu dân cư đông đúc tại Dải Gaza là hệ thống địa đạo chằng chịt dài hơn 500 km của Hamas. Minh họa: New York Times

Chạy chằng chịt bên dưới các khu dân cư đông đúc của Dải Gaza là các lối đi cho phép các chiến binh Hamas di chuyển ngang dọc thành phố mà không bị kẻ địch chú ý. Không người ngoài nào có bản đồ chính xác của mạng lưới đường hầm này và rất ít người Israel tận mắt nhìn thấy nó. Tuy nhiên, những bức ảnh, video và báo cáo từ những người đã từng ở trong đường hầm cho thấy những nét phác thảo cơ bản của hệ thống và cách nó được sử dụng.

Nguồn tài liệu bao gồm các bức ảnh do các nhà báo chụp bên trong lối đi, lời kể của các nhà nghiên cứu về đường hầm và thông tin chi tiết về mạng lưới mà lực lượng Israel phát hiện khi họ đưa quân vào Dải Gaza năm 2014.

Các thông tin có được cho thấy, trong hệ thống đường hầm chằng chịt như mê cung với tổng chiều dài ước tính khoảng 500 km, có các kho chứa vũ khí, thực phẩm, nước uống, các trung tâm chỉ huy. Thậm chí, có cả những tuyến đường đủ cao và rộng cho các phương tiện cơ giới nhẹ lưu thông được. Cửa hầm thường là những lối vào được ngụy trang, cho phép các chiến binh Hamas lao ra thực hiện nhiệm vụ và sau đó lẩn trốn khỏi tầm mắt đối phương.

Nhưng ngoài các đường hầm dùng để cất giấu lực lượng, trang thiết bị cũng như đảm bảo những sinh hoạt cơ bản cho các chiến binh dưới những con phố của Dải Gaza, còn một hệ thống địa đạo khác. Sau khi Hamas lên nắm quyền vào năm 2007 và Israel thắt chặt phong tỏa lãnh thổ, một mạng lưới đường hầm buôn lậu rộng khắp đã phát triển dưới biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập.

Những đường hầm này ở khu vực Rafah, phía nam Dải Gaza, nơi giáp giới với Ai Cập. Chúng được sử dụng để giúp Hamas vượt qua sự phong tỏa (Israel kiểm soát 6/7 cửa khẩu trên bộ và toàn bộ vùng biển của Dải Gaza), cho phép họ nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, từ vũ khí, thiết bị điện tử đến vật liệu xây dựng cũng như nhiên liệu vào Dải Gaza.

Những đường hầm không chỉ đảm bảo giao thông, mà còn có nơi trú ẩn, đặt các phòng tác chiến, kho đạn và nơi giữ con tin. Minh họa: New York Times

Những đường hầm không chỉ đảm bảo giao thông, mà còn có nơi trú ẩn, đặt các phòng tác chiến, kho đạn và nơi giữ con tin. Minh họa: New York Times

Theo lời kể của một số công nhân tham gia xây dựng hệ thống địa đạo này, có rất nhiều đường hầm chằng chịt ở các độ sâu khác nhau. Và chúng đang được mở rộng, khi Hamas âm thầm đào thêm các tuyến đường hầm bằng những dụng cụ nhỏ, rất khó bị phát hiện.

Chính quyền Ai Cập đã có nhiều nỗ lực nhằm phá hủy hệ thống địa đạo này, bao gồm cả việc bơm nước biển làm ngập mạng lưới và đánh sập nhiều đường hầm, cửa hầm. Nhưng như thế chưa đủ. Cho đến nay, một số đường hầm buôn lậu vẫn được cho là đang hoạt động nhộn nhịp.

Phát hiện và xâm nhập bằng cách nào?

Việc chiếm, giữ và phá hủy các mê cung dưới lòng đất Gaza, vì thế, là một phần quan trọng trong mục tiêu của Israel nhằm tiêu diệt giới lãnh đạo Hamas sau vụ tấn công ngày 7/10. Nhưng họ sẽ làm thế nào?

Để vào được đường hầm, lực lượng Israel sẽ phải sử dụng các phương pháp quân sự đã có từ hàng chục năm nay, những “chiêu thức” tưởng như bị lãng quên từ lâu để vượt qua những thách thức khi chiến đấu dưới lòng đất.

Đầu tiên là xác định lối vào. Quân đội Israel phải xác định được càng nhiều lối vào càng tốt. Đối với một hệ thống đường hầm dài tới 500km, số lối vào có lẽ lên tới hàng chục nghìn. Hầu hết đều được giấu kín bên trong các tòa nhà dân cư, gara ô tô, cơ sở công nghiệp, nhà kho, thậm chí dưới bãi rác và sau hơn một tháng bị ném bom, là dưới những đống đổ nát.

Những đường hầm ở khu vực Rafah được Hamas dùng để đưa hàng hóa và vũ khí từ nước ngoài vào Dải Gaza và chúng vẫn đang được âm thầm mở rộng. Minh họa: New York Times

Những đường hầm ở khu vực Rafah được Hamas dùng để đưa hàng hóa và vũ khí từ nước ngoài vào Dải Gaza và chúng vẫn đang được âm thầm mở rộng. Minh họa: New York Times

Trên thực tế, Israel đã chuẩn bị giải quyết các đường hầm kể từ cuộc tấn công vào Dải Gaza năm 2014. Việc giám sát liên tục bằng máy bay không người lái, sử dụng những phần mềm tinh vi để phân tích các kiểu chuyển động và có thể nhận dạng từng khuôn mặt rồi đối chiếu chúng với cơ sở dữ liệu về các thành viên Hamas đã biết, giúp Israel phát hiện hàng trăm hoặc hàng nghìn lối vào.

Sẽ không ngạc nhiên nếu đơn vị tác chiến đường hầm chuyên biệt Weasels của Israel tiếp cận một nửa số lối vào. Nhưng ngay cả khi tất cả những lối vào đã biết đều bị tấn công, điều đó vẫn không thể phá vỡ được mạng lưới đường hầm. Hầu hết các đường hầm đều có nhiều lối vào ở mỗi đầu giúp các chiến binh Hamas dễ dàng đào thoát.

Phần mềm của Israel có thể đưa ra gợi ý kết nối các mô hình chuyển động để tiết lộ rằng hai điểm có thể được kết nối với nhau, nhưng nó không tiết lộ các tuyến đường, chỉ đường hoặc giao lộ ngầm. Để lập bản đồ các đường hầm với độ chính xác bất kỳ, biệt kích Weasels phải vào bên trong, đối mặt với những nguy hiểm và khó khăn to lớn.

Đầu tiên là về mặt kỹ thuật: Ở dưới đó, thiết bị định vị GPS trở nên vô dụng vì tín hiệu vệ tinh không thể xuyên qua lòng đất. Giải pháp rất có thể sẽ sử dụng các thiết bị kết hợp cảm biến từ tính, không bị ảnh hưởng khi đi dưới lòng đất và cảm biến chuyển động giống như cảm biến được sử dụng trong máy đếm bước chân. Một hệ thống thô sơ và thiếu chính xác, nhưng có còn hơn không.

Khó lường cuộc chiến dưới lòng đất

Khi vào bên trong, biệt kích Weasels rất có thể sẽ hoạt động bằng kính nhìn ban đêm thay vì tiết lộ vị trí của họ bằng đèn. Họ sẽ không thể sử dụng sóng vô tuyến để liên lạc với các đơn vị trên mặt đất mà phải sử dụng điện thoại dã chiến, thứ công nghệ đã có từ… hơn 100 năm trước.

Những người lính sẽ cuộn dây, kết nối chúng khi đang di chuyển, nhưng điều này lại làm chậm bước tiến của họ. Ngay cả khi không gặp phải sự phản kháng của Hamas, biệt kích Israel vẫn phải dừng lại ở mọi ngã ba và đánh giá xem các nhánh sẽ dẫn đến đâu.

Một lực lượng nhỏ sẽ phải được bố trí ở mỗi bên đường hầm để phòng thủ trước các đợt phản công. Mỗi khi họ tìm thấy một trục thẳng đứng, hầu như luôn được sử dụng làm lối vào, họ sẽ phải tạm dừng, lập bản đồ vị trí và chuyển nó trở lại các đơn vị trên bề mặt.

Các đơn vị bề mặt sẽ phải tìm ra sơ hở và định vị nó; nếu nó nằm trong lãnh thổ không do quân đội Israel kiểm soát, họ sẽ phải chiếm lấy nó hoặc yêu cầu những người lính dưới hầm dừng lại hoặc đi vòng qua. Điều này sẽ lặp lại hàng trăm lần.

Trước đây, biệt kích Weasels đã phát hành các video về các robot có khả năng đào hầm, có thể hữu ích như những đội xung kích, dò tìm các lối đi và gửi lại các video nhìn đêm. Nhưng robot cũng có những hạn chế: chẳng hạn chúng không thể leo lên thang hoặc chướng ngại vật.

Mặc dù quân đội Israel vượt xa cả về quy mô và trang bị nhưng việc chiến đấu với Hamas trong mạng lưới đường hầm của đối thủ là một công việc có độ rủi ro cao. John Spencer, chuyên gia nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại của Học viện Quân sự Hoa Kỳ, mô tả nó giống “chiến đấu dưới đáy biển hơn là bên trong một tòa nhà”.

Một trong những mối nguy hiểm chính khi đi vào đường hầm là Hamas đã gài bẫy các lối vào bằng chất nổ. Hầu hết các đường hầm có thể đã bị gài các thiết bị nổ tự chế (IED) được định vị sẵn. Chúng có thể được nối với ngòi nổ từ xa, nhưng cũng có thể được kích hoạt bởi các ngòi nổ chuyên dụng phản ứng với ánh sáng, độ rung, tiếng ồn, chuyển động và thậm chí sự tăng nồng độ carbon dioxide khi có mặt con người.

Tiến sĩ Ahron Bregman, giảng viên cao cấp tại Trường King's College London, người chuyên về xung đột Ảrập-Israel, cho biết: “Nếu nhận ra đối thủ đã đi vào đường hầm, Hamas sẽ chỉ cần nhấn nút và toàn bộ mọi thứ có thể sụp đổ trước mặt các binh sĩ Israel”.

Các đường hầm cũng được nối bằng dây và cáp mang điện, internet, điện thoại và đường dây quân sự. Hamas có thể có các thiết bị quan sát và phát hiện cho phép họ biết người Israel đang ở đâu để họ có thể cho nổ bom từ xa tại đúng vị trí đó.

Người Israel không thể đơn giản cắt tất cả các dây điện vì giống như trong phim, một số ngòi nổ có thể được kích hoạt khi nguồn điện của họ bị cắt. Như tất cả những người có liên quan đến khai thác mỏ đều biết, các vụ nổ trong đường hầm chật chội dưới lòng đất nguy hiểm hơn nhiều so với trên bề mặt. Chúng lan rộng hơn và hút hết oxy nên những người sống sót sau vụ nổ ban đầu thường bị ngạt thở.

Hamas cũng có thể đốt các hợp chất gây cháy làm mất oxy của người trong hầm và lan rộng dưới dạng đám cháy chớp nhoáng tốc độ cao hoặc tạo ra khói dày và độc hại. Điều này sẽ giữ cho các đường hầm hầu như không bị hư hại, cho phép các chiến binh Palestine sử dụng chúng sau khi buộc kẻ thù phải rút lui.

Cũng theo tiến sĩ Bregman, việc đi vào đường hầm sẽ tước đi lợi thế của lực lượng Israel. Hiện tại, người Israel đang áp đảo với số lượng lớn binh sĩ, xe tăng và trực thăng. “Nhưng vào thời điểm người lính Israel bước xuống đường hầm, đó chỉ còn là cuộc chiến một đấu một,” ông Bregman nói.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia nhận định rằng Israel không thể tiến hành cuộc chiến đường hầm ở Dải Gaza - trừ khi họ tin rằng mình không còn lựa chọn nào khác. Israel phải dẫn dụ được các chiến binh Hamas lên mặt đất. Bằng không, những đơn vị thiện chiến nhất của họ cũng khó lòng tránh khỏi thương vong nặng nề trong các mê cung dưới lòng đất mà Hamas đã tạo ra.

Nguồn: [Link nguồn]

2 cựu binh sĩ Israel kể chuyện phá đường hầm của Hamas

Việc tìm kiếm và phá hủy các đường hầm là một phần quan trọng trong mục tiêu loại bỏ Hamas khỏi Dải Gaza của Israel, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Hai cựu binh sĩ Israel...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN