Hệ thống tên lửa HIMARS liệu có giúp Ukraine thay đổi tình thế trước Nga?

HIMARS – hệ thống tên lửa cơ động hạng nhẹ do Mỹ sản xuất – được quân đội Ukraine ca ngợi là “hỏa thần” và có thể tấn công các mục tiêu nằm sau chiến tuyến Nga.

HIMARS – vũ khí đang được Ukraine xem như báu vật (ảnh: DW)

HIMARS – vũ khí đang được Ukraine xem như báu vật (ảnh: DW)

Hồi cuối tháng 6, Ukraine tuyên bố phá hủy một căn cứ quân sự Nga ở thành phố Izyum (Donbass). Đây được cho là lần đầu tiên Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS do Mỹ viện trợ trên chiến trường.

Hôm 23.6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thông báo nhận được những hệ thống HIMARS đầu tiên do Mỹ viện trợ. Kể từ đó, HIMARS được cho là vũ khí “báu vật” của quân đội Ukraine. Lực lượng nước này đã thông báo hàng chục cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga ở miền nam và miền đông Ukraine. Hôm 22.7, Mỹ tuyên bố gửi thêm cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS, nâng tổng số hệ thống HIMARS Ukraine sở hữu lên 16.

HIMARS là hệ thống phóng tên lửa lửa gắn trên xe tải do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Nó được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1990 và được quân đội Mỹ triển khai vào giữa năm 2000.

Bệ phóng của HIMARS gồm 6 ống ống pháo bắn đạn tầm trung, dẫn đường bằng định vị GPS. Đạn tiêu chuẩn của HIMARS có tầm xa khoảng 90 – 92km. Tuy nhiên HIMARS cũng có thể bắn tên lửa đất đối đất ATACMS với tầm bắn lên tới 300km. Mỹ được cho là chưa cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS nhằm tránh nguy cơ Kiev dùng HIMARS tấn công vào lãnh thổ Nga.

HIMARS được điều khiển bởi nhóm 3 pháo thủ và mất 5 phút để nạp đạn cho các ống pháo. Sau khi tấn công mục tiêu bằng một loạt đạn đầu, HIMARS có thể nhanh chóng di chuyển với vận tốc đối đa 85km/giờ để nạp lại đạn và tránh né hỏa lực đáp trả của đối phương. Hệ thống nặng hơn 16 tấn này nổi tiếng với khả năng “bắn và chạy”.

Theo Lockheed Martin, mỗi hệ thống HIMARS có giá khoảng 5 triệu USD và Mỹ được cho là sở hữu hơn 540 hệ thống này. Hệ thống HIMARS từng được triển khai ở Afghanistan. Mỹ dùng vũ khí này để tấn công các sào huyệt của phiến quân Taliban. Quân đội Mỹ đánh giá hệ thống HIMARS hoạt động rất hiệu quả trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Quân đội Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS trong đêm (ảnh: DW)

Quân đội Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS trong đêm (ảnh: DW)

Hôm 18.7, Valeriy Zaluzhniy – Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Ukraine – cho rằng, sự xuất hiện kịp thời” của hệ thống tên lửa cơ động HIMARS đang giúp Kiev giữ vững các phòng tuyến.

“Chúng tôi đã ổn định được tình hình. Cuộc chiến vẫn dữ dội, phức tạp nhưng hoàn toàn được kiểm soát. Một yếu tố quan trọng giúp chúng tôi giữ vững được phòng tuyến là sự xuất hiện kịp thời của hệ thống M142 HIMARS. Nhờ vũ khí này, chúng tôi có thể tấn công vào các căn cứ, kho đạn dược, nhiên liệu của đối phương”, ông Zaluzhniy nói.

Oleksiy Danilov – Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine – tuyên bố, hệ thống HIMARS có thể giúp quân đội nước này “thay đổi cục diện chiến trường”.

Theo DW, Ukraine đang sử dụng hệ thống HIMARS với lối đánh du kích để làm gián đoạn hoạt động quân sự và hậu cần Nga. Tuy nhiên, so với khả năng trút khoảng 20.000 đạn pháo/ngày của pháo binh Nga ở chiến trường, số lượng nhỏ hệ thống HIMARS không thể giúp Ukraine cân bằng hỏa lực. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov tuyên bố, quân đội nước này cần ít nhất 100 hệ thống tương tự HIMARS để phản công Nga.

Quân đội Ukraine có thể sử dụng HIMARS để tấn công những mục tiêu quan trọng của Nga (ảnh: CNN)

Quân đội Ukraine có thể sử dụng HIMARS để tấn công những mục tiêu quan trọng của Nga (ảnh: CNN)

Theo tuyên bố từ Mỹ và Ukraine, quân đội Nga chưa phá hủy được bất kỳ hệ thống HIMARS nào. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các hệ thống HIMARS không trở thành “mồi ngon” của không quân và phi đội máy bay không người lái Nga. Quân đội Nga cũng đang tìm cách thích nghi khi chiến đấu với hệ thống HIMARS bằng việc ngụy trang các mục tiêu và sử dụng các thiết bị gây nhiễu vũ khí.

Cũng có những lo ngại rằng, Ukraine sẽ khó bảo trì và sửa chữa các hệ thống HIMARS nếu chúng gặp sự cố. Loại đạn pháo đắt tiền mà hệ thống tên lửa này sử dụng cũng là vấn đề lớn đối với quân đội Ukraine.

“Vấn đề của HIMARS là đạn dược và tốc độ tiêu thụ đạn”, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận xét.

Theo DW, cách sử dụng hệ thống HIMARS khôn ngoan nhất đối với quân đội Ukraine là tấn công những mục tiêu có giá trị cao của Nga và rút chạy.

Nguồn: [Link nguồn]

Thêm 5 nước bị Nga liệt vào danh sách ”không thân thiện”

Cơ quan báo chí chính phủ Nga thông báo, Hy Lạp, Đan Mạch, Slovakia, Slovenia và Croatia đã bị Moscow thêm vào danh sách các nước không thân thiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chính Pháp – DW ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN