Hàng trăm ngàn chó ngao Tây Tạng hết thời đang gây họa ở Trung Quốc

Từng là giống chó quý giá mà người nuôi phải trả tới hàng triệu nhân dân tệ mới có thể sở hữu, chó ngao Tây Tạng nay không còn là thú cưng thời thượng ở Trung Quốc.

Những con chó ngao Tây Tạng chờ đến lượt cho ăn ở trung tâm cứu hộ tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Những con chó ngao Tây Tạng chờ đến lượt cho ăn ở trung tâm cứu hộ tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Hàng nghìn con sống lang thang ở cao nguyên Tây Tạng, không ngừng lây lan dịch bệnh, tấn công bất cứ thứ gì chúng thấy trên đường đi.

Năm 2014, Yin Hang, một chuyên gia bảo tồn ở tỉnh Thanh Hải, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Gangri Neichog (vùng đất tuyết thiêng), chăm sóc những con chó ngao bị bỏ rơi, cũng như các loài sinh vật khác ở vùng cao nguyên.

Cô quyết định hành động sau khi xem một đoạn video quay cảnh một con báo tuyết bị bầy chó ngao tranh giành thức ăn và cuối cùng đành phải nhường con mồi.

Cơn sốt chó ngao Tây Tạng đạt đến đỉnh điểm ở Trung Quốc vào giữa những năm 2010.

Cơn sốt chó ngao Tây Tạng đạt đến đỉnh điểm ở Trung Quốc vào giữa những năm 2010.

“Những chuyện như vậy xảy ra thường xuyên. Chó ngao sống hoang dã tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn và các động vật nằm trong danh sách bị đe dọa”, Yin nói.

Là hậu duệ của giống chó lớn được lai giống bởi các bộ tộc du mục Trung Á và Tây Tạng, phục vụ mục đích chăn cừu và săn bắt, chó ngao rất to lớn, cực kỳ trung thành và rất hiếu chiến.

Liu Mingyu, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, nói cao nguyên Tây Tạng đang có khoảng 160.000 con chó hoang. Trong đó, khoảng 97% thuộc giống chó ngao Tây Tạng. Trong khi đó, báo tuyết trong vùng chỉ còn khoảng 2.000 con, nằm trong danh sách những động vật bị đe dọa.

"Chó ngao Tây Tạng đã trở thành loài động vật đông nhất và sinh sôi nhanh nhất trong tất cả thú ăn thịt trên cao nguyên Tây Tạng. Chúng sống thành bầy và đe dọa đời sống hoang dã khi tranh giành thức ăn, không gian sinh tồn", Liu nói.

Dân làng ở Tây Tạng đã nhiều lần nhìn thấy chó ngao đuổi theo gấu, cáo hay cắn trộm gia cầm, cừu và tấn công người. Năm 2016, một bé gái ở Thanh Hải bị chó ngao cắn xé đến chết. Chính quyền khu tự trị Tây Tạng ghi nhận khoảng 180 vụ con người bị chó ngao tấn công mỗi tháng.

Người dân ở khu tự trị Tây Tạng hưởng ứng lời kêu gọi nhận nuôi chó ngao.

Người dân ở khu tự trị Tây Tạng hưởng ứng lời kêu gọi nhận nuôi chó ngao.

Bên cạnh bệnh dại, chó ngao Tây Tạng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây sang người bệnh hydatid - bệnh nhiễm trùng ở chó do ấu trùng của một loại sán dây lây lan khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống hoặc đất.

Cơn sốt nhân giống chó ngao Tây Tạng bắt đầu vào những năm 1990 và lên đến đỉnh điểm vào khoảng giữa những năm 2010, khi giá chó ngao được đẩy lên tới chóng mặt.

Năm 2014, tờ Qianjiang Evening News đưa tin, một con chó ngao Tây Tạng con được bán với giá gần 2 triệu USD. Ở thời điểm đó, đây là con chó đắt giá nhất.

Làn sóng đua nhau nhân giống chó ngao để đem bán kiếm lời, cung vượt cầu dẫn đến thị trường sụp đổ nhanh chóng. “Người Tây Tạng không giết vật nuôi vì tín ngưỡng. Hàng ngàn con chó ngao được thả rông”, Yin Hang nói.

Theo thống kê của CGTN, 70% trung tâm nhân giống chó ngao ở Tây Tạng đã đóng cửa vào năm 2015. Giá của giống chó này cũng giảm từ 2 triệu USD xuống còn 1.500 USD.

Một con chó ngao được đem cân trước khi trao cho người nhận nuôi.

Một con chó ngao được đem cân trước khi trao cho người nhận nuôi.

Yin nói trung tâm bảo tồn do cô sáng lập đã giúp đưa 500 con chó ngao tới được 400 hộ gia đình nhận nuôi tại hai ngôi làng ở Tây Tạng.

“Trở ngại lớn nhất… là chúng tôi chỉ có thể có vài chuyến đi như vậy trong năm. Môi lần chỉ tới được vài ngôi làng. Điều tốt là người dân tỏ ra hưởng ứng với chuyện nhận nuôi vì họ nghĩ như vậy là tốt cho những con chó và hệ sinh thái địa phương”, Yin nói.

Bowie Leung, phát ngôn viên một câu lạc bộ chó ngao Tây Tạng ở Hong Kong, đề nghị mọi người nên suy nghĩ trước khi nuôi một con chó ngao.

“Chúng rất dễ thương khi còn nhỏ. Nhưng khi trưởng thành sẽ rất to lớn, nặng tới 91kg. Cần phải cân nhắc kỹ xem có nuôi được hay không, dắt chúng đi dạo cũng tốn rất nhiều sức lực”, Leung nói.

“Con chó ngao gần nhất mà tôi nuôi rất hung hãn, không thích người lạ. Tôi đã cố huấn luyện nhưng không thể làm thay đổi tính cách của nó. Tôi còn phải dắt nó đi dạo vào lúc 2 giờ sáng. Nuôi giống chó ngao khiến bạn phải đánh đổi nhiều thứ”, Leung nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Chó ngao Tây Tạng đơn độc tranh mồi giữa bầy sói vây quanh

Chó sói sống theo đàn tạo nên tập thể vững chắc, cùng nhau đi săn và đối đầu với bất cứ kẻ thù nào. Nhưng đàn sói...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN