Đòn giáng mới lên kinh tế Trung Quốc, Việt Nam cũng dè chừng
Dịch viêm phổi do chủng virus corona gây ra trước thềm Tết nguyên đán có thể tác động tiêu cực lên sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
“Đợt di cư lớn nhất thế giới” dịp Tết nguyên đán ở Trung Quốc có nguy cơ khiến dịch viêm phổi lạ lan rộng Ảnh: Reuters
Sự nguy hiểm của virus lạ được cho là bắt nguồn từ ổ dịch ở TP Vũ Hán ngày càng đáng lo ngại khi chính quyền Trung Quốc hôm 20-1 khẳng định có gần 140 ca nhiễm mới trong hai ngày cuối tuần qua và đã có 3 trường hợp tử vong được ghi nhận đến nay.
Chuyên gia Alexandra Phelan, giảng viên nghiên cứu khoa vi sinh và miễn dịch học tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), cảnh báo với đài CNBC hôm 20-1: "Có khả năng rất cao chúng ta sẽ chứng kiến chủng virus mới lan rộng bởi đã xuất hiện khả năng lây nhiễm từ người sang người và trong bối cảnh người dân di chuyển nhiều trước Tết nguyên đán. Tôi nghĩ sẽ có nhiều trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận trên khắp Trung Quốc và các nước khác khi mọi người đi du lịch".
Chuyên gia này cho rằng các triệu chứng của bệnh viêm phổi do chủng virus corona gây ra tương tự những vấn đề hô hấp khác nên sẽ có rất nhiều du khách bị cách ly nhầm trong bối cảnh các nước tăng cường kiểm tra tại sân bay.
Chủng virus mới gây dịch bệnh viêm phổi - có cùng họ với chủng virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) - xuất hiện lần đầu ở TP Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm ngoái. 139 ca nhiễm mới được ghi nhận cuối tuần qua, trong đó có một số ca mới ở thủ đô Bắc Kinh và TP Thâm Quyến, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus lạ lên hơn 200 ca đến nay.
Ngoài Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm 20-1 xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên. Bệnh nhân là một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi đi chuyến bay từ TP Vũ Hán đến sân bay quốc tế Incheon - Hàn Quốc hôm 19-1. Người phụ nữ này bị cách ly ngay khi nhập cảnh vào Hàn Quốc vì sốt cao. KCDC cho hay những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, gồm các hành khách và phi hành đoàn, đang được kiểm tra.
Người phụ nữ trên nói với các nhà chức trách Hàn Quốc rằng bà bị sốt, ớn lạnh và nhức mỏi hôm 18-1 và đã được kê toa thuốc cảm tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán. Theo hãng tin Reuters, chính quyền Hàn Quốc sẽ bắt đầu vận hành hệ thống kiểm dịch khẩn cấp 24/24, kéo dài qua kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Trước đó, hai trường hợp nhiễm bệnh khác được ghi nhận ở Thái Lan và một ca được phát hiện ở Nhật Bản.
Các chuyên gia nhận định mặc dù bản chất và mức độ nghiêm trọng của chủng virus mới vẫn đang được kiểm tra, nghiên cứu nhưng có thể gây rủi ro lớn cho các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Điển hình là đại dịch SARS từng bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2002 và 2003 khiến gần 800 người trên thế giới thiệt mạng, đồng thời gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hàng chục tỉ USD.
Ông Vishnu Varathan, Giám đốc bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho rằng yếu tố lo sợ về chủng virus mới có thể khiến hoạt động kinh tế giảm xuống nhanh chóng. Cuộc khủng hoảng SARS từng gây ra tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc và cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của một số quốc gia Đông Nam Á. Hôm 20-1, cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc và khẩu trang Trung Quốc tăng vọt trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự bùng phát của dịch viêm phổi lạ.
Nhà nghiên cứu Yusuke Miura thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho ở Tokyo nói với tờ Japan Times (Nhật Bản) rằng chủng virus mới là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong thời điểm này khi GDP của Trung Quốc tăng 6,1% trong năm 2019, mức thấp nhất trong vòng 29 năm qua do ảnh hưởng thương chiến Mỹ - Trung Quốc.
Công văn khẩn của Bộ Y tế Việt Nam Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố... về việc phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona mới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona mới. Tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh từng sống hoặc từ Trung Quốc đến trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ về trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân thì cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho cơ quan y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và giọt bắn cho nhân viên y tế từng tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường quy… Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền; rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. N.Dung |
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc những ngày qua bước vào thời điểm cao trào của đợt “di cư lớn nhất lịch sử loài người” - dịp Tết Nguyên...