Diễn biến đáng ngại với hòa bình bán đảo Triều Tiên

Những thay đổi gần đây của Triều Tiên trong cách tiếp cận Hàn Quốc khiến triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thêm khó khăn.

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục rơi xuống một mức thấp mới sau khi lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh xóa bỏ tất cả biểu tượng hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên, theo tờ The Korea Herald. Trong khi đó, phía Hàn Quốc có những phản ứng cứng rắn nhằm đáp trả những hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Những động thái trên đang đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên thay đổi cách tiếp cận với Hàn Quốc

Triều Tiên đang có những điều chỉnh trong mối quan hệ với Hàn Quốc. Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) Triều Tiên khóa 14 vào hôm 15-1, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi sửa đổi hiến pháp của nước này nhằm xác định lại Hàn Quốc là “quốc gia thù địch chính”, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Ông Kim cũng nói rõ rằng Triều Tiên sẽ không theo đuổi chính sách kéo dài hàng thập niên nhằm tìm kiếm sự hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc nữa. Bên cạnh đó ông cũng đề xuất nên nêu rõ trong hiến pháp về “vấn đề chinh phục Hàn Quốc” trong trường hợp có xung đột. Ông cũng khẳng định Triều Tiên “không mong muốn có chiến tranh” nhưng “không có ý định tránh nó”.

Diễn biến đáng ngại với hòa bình bán đảo Triều Tiên - 1

Kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên khóa 14 vào hôm 15-1. Ảnh: KCNA

Cũng tại cuộc họp trên, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên đã quyết định bãi bỏ ba cơ quan có nhiệm vụ thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên Triều, gồm Ủy ban Thống nhất hòa bình đất nước, Cục Hợp tác kinh tế quốc gia và Cục Du lịch quốc tế Kumgangsan, theo KCNA.

Trước đó, trong bài phát biểu cuối năm 2023, lãnh đạo Kim cũng xác định mối quan hệ với Hàn Quốc là mối quan hệ giữa “hai quốc gia thù địch với nhau”. Chuyên gia Hong Min thuộc Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc nhận định các biện pháp nói trên của Triều Tiên thể hiện ý định theo đuổi một “sự chuyển đổi cơ bản” trong quan hệ liên Triều, theo The Korea Herald.

Đáp lại bài phát biểu của ông Kim hôm 15-1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 16-1 tuyên bố sẽ trừng phạt Triều Tiên mạnh gấp nhiều lần trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện hành động khiêu khích chống lại Seoul, theo hãng thông tấn Yonhap. “Quân đội của chúng ta có khả năng đáp trả vượt trội... Nếu Triều Tiên khiêu khích chúng ta, chúng ta sẽ trừng phạt họ mạnh gấp nhiều lần” - ông Yoon nói trong một cuộc họp nội các.

Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc chỉ trích bài phát biểu của ông Kim, nói Triều Tiên đang cố gắng chia rẽ xã hội Hàn Quốc bằng một hành động mà Seoul cho là “khiêu khích chính trị”. Bộ này nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ đáp trả những hành động đó một cách mạnh mẽ và kiên quyết.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng ngay trong đầu năm 2024. Hồi đầu tháng này, Triều Tiên đã bắn hàng trăm quả đạn pháo ra vùng biển phía tây nước này khiến quân đội Hàn Quốc phải tiến hành tập trận bắn đạn thật để đáp trả. Hôm 14-1, Triều Tiên cũng thông báo phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh.

Lời kêu gọi thay đổi hiến pháp của ông Kim được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, sau một loạt vụ thử tên lửa và nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm thay đổi cách tiếp cận với Hàn Quốc.

(Theo hãng tin Reuters)

Hợp tác liên Triều quan trọng cho hòa bình

Hôm 15-1, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự thất vọng trước bài phát biểu mới đây của ông Kim về quan hệ với Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng hợp tác liên Triều là rất quan trọng để thúc đẩy hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các đồng minh và đối tác khác về cách giao tiếp tốt nhất với Triều Tiên, ngăn chặn hành vi gây hấn và phối hợp các phản ứng quốc tế đối với việc Triều Tiên liên tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” - theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Lời kêu gọi của ông Kim về việc sửa đổi hiến pháp được đưa ra trong bối cảnh một số chuyên gia Mỹ cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang “nguy hiểm hơn bao giờ hết” kể từ chiến tranh Triều Tiên, theo tờ South China Morning Post. Một số nhà phân tích nhận định bài phát biểu mới nhất của ông Kim phản ánh nỗ lực nâng cao vị thế của Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên song song với việc hướng tới người dân của mình nhằm tìm kiếm sự đoàn kết nội bộ để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng động thái mới trên của Triều Tiên cũng có thể tác động đến chính trị ở Hàn Quốc, nơi cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4, theo tờ Financial Times. Tờ Daily NK nhận định trong bối cảnh hiện tại, “rất cần một cách nghĩ mới” về bán đảo Triều Tiên cũng như về triển vọng hòa bình và thống nhất hai miền Triều Tiên.•

Mỹ - Hàn - Nhật tập trận hàng hải, có tàu sân bay tham gia

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 17-1 thông báo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận hàng hải chung kéo dài ba ngày ở vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap.

Cuộc tập trận có sự tham gia của chín tàu chiến của ba quốc gia, bao gồm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson của Mỹ, các tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của hải quân Hàn Quốc và các tàu khu trục lớp Kongo của lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản.

“Cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của ba quốc gia trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như các mối đe dọa hàng hải” - theo thông báo của JCS.

Nguồn: [Link nguồn]

Đài truyền hình trung ương Triều Tiên KCTV đã công bố hình ảnh 2 mẫu máy bay không người lái (UAV) hiện đại bậc nhất của nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN