"Điềm không lành" ở Sông Dương Tử: Luật mới của TQ có cứu nổi?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Khi sông Dương Tử, nguồn sống của hàng trăm triệu người ở Trung Quốc, có những dấu hiệu xấu, một luật mới nhằm bảo tồn và khôi phục con sông này chính thức có hiệu lực từ tháng 3.

Một đoạn sông Dương Tử. Ảnh: Tân Hoa xã

Một đoạn sông Dương Tử. Ảnh: Tân Hoa xã

Giữa tháng 2, Zhou Jianjun, một nhà hoạt động môi trường, lái xe hơn 400 km từ quê nhà ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc tới một khu công nghiệp, để điều tra mức độ ô nhiễm dọc Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc và châu Á. 

Khi gần tới khu công nghiệp, mùi thuốc trừ sâu nồng nặc trong không khí. Zhou ra khỏi xe và đi bộ ra sông để lấy các mẫu nước bị ô nhiễm, đã ngả sang màu vàng. Đây không phải điều lạ lẫm với Zhou. 

Trong 7 năm qua, người đàn ông 54 tuổi này đã dành toàn bộ thời gian và công sức để thông tin về việc khai thác cát trái phép, tình trạng ô nhiễm và đánh bắt cá trái phép trên sông Dương Tử. 

Khi luật Bảo vệ sông Dương Tử (YRPL) có hiệu lực, Zhou tỏ ra hân hoan và đầy hy vọng. "Thời của việc phát triển kinh tế gây hại cho môi trường đã không còn", Zhou nói. 

YRPL có hiệu lực bắt đầu từ 1/3 sau khi được cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc phê duyệt từ tháng 12/2020. 

Đây là luật đầu tiên ở Trung Quốc dành cho một lưu vực sông cụ thể và được đưa ra nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và khôi phục hệ sinh thái của con sông dài nhất châu Á. 

Trải dài 6.300 km, từ cao nguyên Tây Tạng đến biển Hoa Đông gần Thượng Hải, sông Dương Tử là nguồn sống cho hàng trăm triệu người và góp phần lớn vào kinh tế Trung Quốc. 

Nhưng sau nhiều thập kỷ nạo vét cát, xây đập, khai thác, gây ô nhiễm và đánh bắt quá mức, con sông đang "chết từ từ" với các tín hiệu xấu. 

Cơ quan bảo tồn toàn cầu WWF cho biết, trong tháng 9/2020, gần một nửa số điểm nóng về ô nhiễm kim loại nặng của Trung Quốc nằm ở vành đai kinh tế sông Dương Tử, trải dài từ Tứ Xuyên (tây nam) tới Chiết Giang (đông). 

Bên cạnh đó, số lượng loài sống ở thượng nguồn sông Dương Tử giảm đáng kể từ 116 loài trong những năm 1980 xuống còn 46 loài như hiện nay. Sản lượng đánh bắt cá cũng giảm mạnh, từ 430.000 tấn năm 1954 xuống chỉ còn 80.000 tấn năm 2011. 

Nghiên cứu mới nhất của Phòng thí nghiệm Trọng điểm về Khoa học Thông tin Địa lý thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho hay, mực nước trung bình của sông Dương Tử đang giảm nhanh.

Kể từ năm 1980, mỗi năm, mực nước trung bình của sông Dương Tử giảm thêm 2 – 5 cm.

Theo nghiên cứu, sự suy giảm mực nước sông Dương Tử có thể gây ra tác động to lớn đến môi trường, kinh tế, của những thành phố với hàng trăm triệu dân.

Ông Zhou sống gần Hán Thủy, nhánh sông dài nhất của sông Dương Tử, và thường nhớ về những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với nhánh sông. 

"Hán Thủy như là 'sông Mẹ' với chúng tôi. Chúng tôi bơi trên sông và uống nước sông. Lặn dưới sông khi đó, tôi còn nhìn thấy cả cá", ông Zhou chia sẻ.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ những năm 1980 khi Trung Quốc bắt đầu công cuộc hiện đại hóa công nghiệp. Các yếu tố gây ô nhiễm như nhà máy hóa chất, nhà máy phân bón và nhà máy giấy mọc lên như nấm sau mưa ở Tương Dương. Khi ô nhiễm không được kiểm soát, nước sông bị ô nhiễm nặng nề. 

"Mọi người sẽ làm mọi thứ vì tiền mà không quan tâm đến việc họ làm có gây ô nhiễm môi trường hay không. Ô nhiễm nghiêm trọng đến mức tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc sâu bám trên cá. Không ai dám ăn cá bắt được ở sông nữa", ông Zhou nói. 

Xác một con cá tầm khổng lồ chết ở sông Dương Tử năm 2011. Ảnh: Reuters

Xác một con cá tầm khổng lồ chết ở sông Dương Tử năm 2011. Ảnh: Reuters

Một bước ngoặt xảy ra vào tháng 1/2016 khi Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì một hội nghị chuyên đề ở Trùng Khánh, miền tây Trung Quốc, nhấn mạnh, mọi thứ đã quá đủ rồi và phải ngăn chặn ô nhiễm. 

"Chúng ta phải ưu tiên cho lợi ích lâu dài của đất nước và việc khôi phục sông Dương Tử, dồn toàn lực bảo vệ con sông và dừng các kế hoạch xây dựng quy mô lớn trên sông", ông Tập nói.

Hai năm sau, chủ tịch Trung Quốc lặp lại lời kêu gọi và lưu ý về sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. 

Năm 2020, Bắc Kinh đã có lệnh cấm đánh bắt cá trong 10 năm với 332 khu bảo tồn dọc sông Dương Tử để giúp phục hồi hệ sinh thái. Lệnh cấm được gia hạn trong năm nay để áp dụng cho sông chính, phụ lưu chính và hồ chính liên kết với sông Dương Tử. 

Ma Jun, giám đốc Viện các vấn đề Môi trường và Công cộng, có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết, động thái này của chính quyền là cần thiết vì sông Dương Tử đang bị "tấn công" ở nhiều khía cạnh. 

"Sông Dương Tử quan trọng đối với người Trung Quốc nhưng nó đang bị ô nhiễm, suy thoái sinh thái và khai thác quá mức", ông Jun nói. Theo giám đốc Viện các vấn đề Môi trường và Công cộng, luật mới thể hiện sự thay đổi trong cách Trung Quốc quản lý môi trường. 

"Đây là luật đầu tiên được đưa ra dưới khái niệm 'văn minh sinh thái mới' - nhằm thúc đẩy bảo tồn môi trường và tránh khai thác quá mức", ông Jun nói thêm.  

Luật mới không cho phép xây dựng nhà máy hóa chất trong phạm vi 1 km tính từ con sông và các ao chứa chất thải phải cách sông chính ít nhất 3 km. Nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 17 tỷ đồng). 

Luật mới cũng cấm xây dựng các nhà máy gây ô nhiễm nặng đến thượng nguồn và trung lưu của sông Dương Tử. 

Wang Canfa, một giáo sư về luật môi trường ở Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết, luật mới đánh dấu sự thay đổi lớn trong khu vực nơi sông Dương Tử chạy qua. 

"Trong quá khứ, chúng tôi đã đưa ra các luật riêng về môi trường, như rừng, tài nguyên nước hay đồng cỏ. Nhưng chúng không hiệu quả vì thiếu sự quản lý hệ thống với hệ sinh thái.

Với vai trò là luật đầu tiên về một lưu vực sông cụ thể, YRPL bao gồm bảo vệ tài nguyên và hạn chế ô nhiễm, đồng thời có cơ chế bảo vệ hệ thống cho lưu vực sông. Vì vậy, luật này có lợi hơn các luật trước", ông Wang nói. 

Nhưng đối với những nhà hoạt động như ông Zhou, câu hỏi lớn được đặt ra là trong thực tế luật mới sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Zhou và các nhà hoạt động môi trường khác đã nhiều lần đưa thông tin với giới chức về vấn đề ô nhiễm nhưng không nhận được phản hồi thích đáng.

"Một số quan chức môi trường nói với chúng tôi rằng, họ sẽ điều tra và buộc các công ty gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Nhưng sau đó, họ không có phản hồi gì và tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. Thật tốt khi chính quyền đưa ra luật mới này nhưng tôi e việc thực hiện sẽ khó khăn.

Vì nó phụ thuộc vào chính quyền địa phương, những người vì một lí do nào đó chưa muốn hoặc chưa dám bắt tay vào giải quyết vấn đề triệt để", ông Zhou nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Đập Tam Hiệp khiến loài cá tầm to như cá mập trên sông Dương Tử tuyệt diệt?

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử làm thay đổi môi trường tự nhiên, khiến loài cá tầm không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN