Sự nguy hiểm của dịch bệnh mới khiến nhiều người đã khỏi Covid-19 ở Ấn Độ tử vong

Hàng ngàn ca nhiễm nấm đen trên khắp Ấn Độ trong vài tuần qua khiến ít nhất 4 bang ở quốc gia Nam Á coi đây là bệnh dịch. Các bệnh nhân chủ yếu là người hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, tỉ lệ tử vong cao.

Bác sĩ Ấn Độ điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 nhiễm bệnh nấm đen.

Bác sĩ Ấn Độ điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 nhiễm bệnh nấm đen.

Kể từ đầu tháng 4, các bác sĩ ở Ấn Độ bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các ca bệnh nấm đen hay còn gọi là bệnh Mucormycosis. Đây là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp có khả năng gây tử vong, theo CNN.

Hầu hết các bệnh nhân nhiễm nấm đen là người đang nhiễm hoặc mới hồi phục sau khi nhiễm Covid-19. Ở các bệnh nhân này, hệ miễn dịch suy giảm là nguyên nhân dễ bị tổn thương vì bệnh nấm đen.

Chỉ trong vài tuần qua, hàng ngàn ca nhiễm nấm đen được ghi nhận trên khắp Ấn Độ. Hơn 3.200 ca nhiễm được ghi nhận ở 5 bang Ấn Độ, gồm Maharashtra, Madhya Pradesh, Haryana, Telangana và Gujarat.

Bang Maharashtra có tới hơn 2.000 ca nhiễm và 800 trường hợp nhập viện. Ít nhất 90 người đã tử vong vì căn bệnh nấm đen ở bang này. Tại một bệnh viện ở bang Gujarat, người ta đếm được 369 ca bệnh nấm đen. Ít nhất 4 bang ở Ấn Độ đã tuyên bố bệnh nấm đen là dịch bệnh.

Chính phủ Ấn Độ coi đây là căn bệnh rất đáng lưu tâm. Các bang có nghĩa vụ báo cáo các trường hợp nhiễm nấm đen với chính quyền liên bang.

“Chúng ta đang phải đối mặt thách thức mới từ dịch bệnh nấm đen. Chúng ta phải cẩn trọng và sẵn sàng đối phó”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói ngày 21.5.

Dịch bệnh nấm đen lây nhiễm như thế nào?

Bệnh dịch bắt nguồn từ bào tử nấm sinh sôi trong môi trường ẩm ướt và có thể tấn công hệ hô hấp. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm và không lây từ người sang người.

Có nhiều loại nấm gây bệnh. Những loại nấm này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Hơn 3.200 người ở Ấn Độ đã nhiễm bệnh nấm đen.

Hơn 3.200 người ở Ấn Độ đã nhiễm bệnh nấm đen.

Nấm đen tác động đến xoang hoặc phổi sau khi một người hít phải bào tử nấm trong không khí và cũng có thể gây ảnh hưởng đến vết cắt dưới da hoặc vết bỏng.

Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí mà nấm phát triển trên cơ thể, gồm sưng tấy, sốt, loét da, vết tổn thương màu đen trong miệng.

“Dịch bệnh bắt đầu dưới dạng nhiễm trùng, lây lan sang vùng mắt, phổi và thậm chí là não, khiến bệnh nhân khó thở, đau ngực, mờ mắt và ho ra máu”, tuyên bố của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 14.5 cho biết.

“Nấm có thể xâm nhập qua các mạch máu, làm ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây hoại tử ở các mô, biến chúng thành màu đen, nên được gọi là bệnh nấm đen”, Hemant Thacker, bác sĩ tại bệnh viện Breach Candy ở Mumbai, nói.

Theo CDC, tỷ lệ tử vong của căn bệnh trên là khoảng 54%, tùy thuộc vào loại nấm và phần cơ thể bị nhiễm trùng. Bệnh nấm đen đặc biệt nguy hiểm với những người từng bị tổn thương phổi.

Dịch bệnh mới liên quan gì đến Covid-19?

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, những người bị suy giảm hệ miễn dịch rất dễ bị nấm đen, gồm bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân tiểu đường, người dùng steroid và những người mắc các bệnh đi kèm khác như ung thư hoặc cấy ghép nội tạng.

Bệnh nhân Covid-19 đặc biệt dễ bị tổn thương vì virus SARS-CoV-2 không chỉ tác động đến hệ miễn dịch, mà thuốc điều trị cũng có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của cơ thể.

“Với các yếu tố trên, bệnh nhân Covid-19 rất dễ bị tổn thương nếu bị các loại nấm gây bệnh Mucormycosis tấn công”, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết. “Nấm đen là một dạng bệnh cơ hội, xâm nhập vào cơ thể người nhiễm Covid-19”.

Ấn Độ đang thiếu hụt thuốc Amphotericin B.

Ấn Độ đang thiếu hụt thuốc Amphotericin B.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng nhấn mạnh, “điều này không có nghĩa là tất cả các bệnh nhân Covid-19 đều có thể bị nhiễm nấm đen”.

Cách chữa như thế nào?

Người nhiễm bệnh nấm đen được chữa bằng thuốc chống nấm, thường là qua đường tiêm tĩnh mạch. Loại thuốc phổ biến nhất bao gồm Amphotericin B. Đây là loại thuốc đang được các bang Ấn Độ sử dụng.

Bệnh nhân có thể cần đến 6 tuần dùng thuốc chống nấm để hồi phục. Khả năng hồi phục phụ thuộc vào việc bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm như thế nào.

Ngoài ra, các bệnh nhân cũng có thể cần phải trải qua phẫu thuật để cắt bỏ phần tế bào chết. “Một số người có thể bị mất bộ hàm trên hoặc thậm chí là phải cắt bỏ mắt”, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết.

Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc chống nấm Amphotericin B. Do các bệnh viện không ngờ rằng số ca nhiễm tăng cao đến vậy.

Bhavya Reddy, một cư dân ở bang Telangana, miền nam Ấn Độ, nói cha cô được chẩn đoán mắc bệnh nấm đen vào ngày 26.4, sau khi ông từng nhiễm Covid-19.

“Khi cha tôi bắt đầu hồi phục, khuôn mặt của ông ấy bị sưng lên. Sau nhiều ngày bệnh tình không thuyên giảm, bác sĩ nói rằng cha tôi phải được điều trị bằng thuốc Amphotericin B. Nhưng bệnh viện đang hết loại thuốc này”, Reddy nói. “Tôi phải gửi đơn cầu cứu đến quan chức bang mới may mắn lấy được vài liều thuốc. Cha tôi cũng được phẫu thuật nội soi mũi xoang để giảm tình trạng sưng”.

Mansukh Mandaviya, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, có thêm 5 công ty được cấp phép sản xuất thuốc Amphotericin B để bù đắp nguồn cung thiếu hụt như hiện nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN