Đạo luật an ninh châu Á mới của Mỹ dồn sức ép lên Trung Quốc

Đạo luật an ninh châu Á mới nhằm chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và được cho là nhằm giữ cho Quốc hội Mỹ và chính quyền của ông Trump thống nhất trong việc duy trì áp lực lên Bắc Kinh giữa lúc đàm phán thương mại diễn ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký đạo luật có tính bao phủ rộng rãi nói trên hôm 31-12-2018 với tên gọi đẩy đủ là Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA). 

Lo ngại

Theo nhận định của trang Nikkei (Nhật Bản), đây là đạo luật nhằm tìm kiếm sự tăng cường hợp tác toàn diện của Mỹ với các nước châu Á, trong đó có các biện pháp dường như nhắm trực diện vào Trung Quốc.

Đạo luật an ninh châu Á mới của Mỹ dồn sức ép lên Trung Quốc - 1

Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tiến hành các chiến dịch thường xuyên nhằm duy trì tự do hàng hải như các khu vực biển Đông. Ảnh: Reuters

Sự trỗi dậy của Bắc Kinh đã là mối lo ngại về an ninh quốc gia và làm lung lay vị thế lãnh đạo kinh tế của Mỹ, vượt ra ngoài những nhân vật có quan điểm diều hâu với Trung Quốc trong Nhà Trắng và tiếp cận nhiều thành viên của Quốc hội.

Đạo luật ARIA nói trên dường như cũng nhằm giữ cho Quốc hội và chính quyền trên cùng một con thuyền trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh, khi hạn chót để đi đến kết luận là vào ngày 1-3 tới.

Đạo luật này vạch ra sự tiến bộ của chiến lược ngoại giao Ấn Độ - Thái Bình Dương hướng tới duy trì trật tự kinh tế dựa trên luật lệ cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền và pháp lý quốc tế.

Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tiến hành các chiến dịch thường xuyên nhằm duy trì tự do hàng hải như các khu vực biển Đông – nơi Bắc Kinh đang ngang nhiên mở rộng hiện diện quân sự.

ARIA cũng cho phép cung cấp 1,5 tỉ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế cho châu Á trong hơn nửa thập kỷ, đặc biệt là để cải thiện an ninh hàng hải và huấn luyện quân sự giữa các nước Đông Nam Á.

Đạo luật thể hiện sự ủng hộ với các nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để tránh xung đột ở biển Đông và duy trì các lợi ích hàng hải của ASEAN. Giới phân tích cho rằng Quốc hội Mỹ dường như muốn cẩn trọng, không để Trung Quốc thao túng đàm phán COC ở biển Đông.

Đạo luật được Tổng thống Trump ký ngay vào ngày cuối năm 2018 này cũng đề cập đến các cáo buộc gián điệp công nghiệp và tội phạm mạng, trong đó khẳng định tổng thống nên "tăng cường thực thi luật sở hữu trí tuệ của Mỹ làm ưu tiên hàng đầu, bao gồm thực hiện mọi hành động thích hợp để ngăn chặn và trừng phạt" các vi phạm.

Ngoài ra, đạo luật cũng đề cao việc nâng hợp tác công nghệ và thương mại quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ lên một mức tương xứng với các đồng minh và đối tác thân cận nhất của Mỹ.

Đạo luật mới nói rằng tổng thống nên thực hiện "chuyển giao thường xuyên các dữ liệu quốc phòng sang Đài Loan - được thiết kế để đáp ứng các mối đe dọa hiện có và tiềm tàng trong tương lai từ Trung Quốc". Điều này có vẻ sẽ tiến tới các chuyến thăm Đài Loan của các quan chức cấp cao của Mỹ, phù hợp với luật khuyến khích tương tự đã được ban hành vào tháng 3-2018. Điểm này bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt.

Cảnh báo

Về phần Quốc hội Mỹ, đạo luật ARIA dường như cũng là một cảnh báo gởi tới Tổng thống Trump, dựa trên những lo ngại rằng ông có thể tìm kiếm thỏa hiệp với Bắc Kinh ở một số vấn đề, theo một nguồn tin từ quốc hội Mỹ. Quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria khiến cả thế giới sửng sốt của ông Trump gần đây là lời nhắc nhở mới nhất đối với chính quyền đất nước cờ hoa về sự khó lường của ông.

Trước đó, Quốc hội Mỹ cũng từng thông qua một dự luật để kiềm chế các hành động ngoại giao của ông Trump. Vào mùa hè năm 2017, các nhà lập pháp nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn lên Nga liên quan tới nghi án Moscow can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng đặt ra yêu cầu phải có sự thông qua của cơ quan này trong việc giảm nhẹ hoặc gỡ bỏ trừng phạt. Biện pháp tương tự được cho là cũng sẽ được áp dụng đối với vụ nhà báo Ả Rập Saudi bị sát hại Jamal Khashoggi.  

Đạo luật ARIA được giới thiệu vào tháng 4-2018 dưới sự bảo trợ của một nghị sĩ không ủng hộ Trung Quốc trong đảng Cộng hòa của ông Trump. Nó được được Hạ viện thông qua với đa số áp đảo và Thượng viện ủng hộ tuyệt đối 100%.

Trong một bản báo cáo hồi tháng 11-2018, Ủy ban Rà soát An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung đã nói rằng nhiều khía cạnh trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm lĩnh vị trí lãnh đạo đang đe dọa tới an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ.

Ủy ban này còn cảnh báo quân đội Trung Quốc sẽ cạnh tranh các hoạt động của Mỹ trên toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2035 hoặc sớm hơn và Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp nếu giành chiến thắng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo.

Anh - Mỹ ”song kiếm hợp bích” để thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Việc Anh có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự mới ở khu vực Đông Nam Á được xem là động thái hợp sức cùng Mỹ "dằn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Quyên - Nikkei ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN