Đằng sau sự mất tích của chủ tịch Interpol

Bắc Kinh đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng danh tiếng quốc tế không phải là lá chắn cho công dân Trung Quốc.

Vụ biến mất đột ngột và bí ẩn của ông Mạnh Hoành Vĩ, Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), đang thu hút sự chú ý của dư luận giữa lúc có thông tin ông bị nhà chức trách đưa đi thẩm vấn ngay khi đáp máy bay xuống Trung Quốc vào tuần rồi.

Biến mất đột ngột

Trong lúc Bắc Kinh chưa chính thức lên tiếng, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 6-10 dẫn một số nguồn tin cho biết ông Mạnh bị tạm giữ để điều tra. Hiện chưa rõ lý do ông bị điều tra hoặc bị giữ ở đâu nhưng đây có thể là diễn biến đã được dự báo trước. Ông Mạnh dù vẫn còn là Thứ trưởng Bộ Công an nhưng không còn nằm trong đảng ủy của bộ này từ hồi tháng 4, làm dấy lên phỏng đoán sớm muộn gì ông cũng gặp chuyện.

Quan chức 64 tuổi này là người Trung Quốc đầu tiên nắm giữ vị trí Chủ tịch Interpol, cơ quan thúc đẩy sự hợp tác của cảnh sát tại 192 nước thành viên và có trụ sở ở TP Lyon - Pháp. Nhà chức trách Pháp hôm 5-10 bắt đầu mở cuộc điều tra sau khi vợ ông Mạnh trình báo không nghe tin gì từ chồng kể từ lúc ông về Trung Quốc. Người phụ nữ hiện sống ở Pháp này đang được cảnh sát địa phương bảo vệ do nhận được lời đe dọa qua điện thoại và trên mạng xã hội. Reuters dẫn lời một quan chức Pháp giấu tên nói ông Mạnh trở về Trung Quốc cuối tháng 9 và biệt vô âm tín đến giờ.

Nếu ông Mạnh quả thật đã bị bắt, đây có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của nhân vật lên làm chủ tịch Interpol hồi tháng 11-2016 và dự kiến hết nhiệm kỳ vào năm 2020. Trước ông Mạnh, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã chứng kiến hàng ngàn quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp đột ngột biến mất vài tháng trước khi nhà chức trách cung cấp thông tin về số phận của họ.

Đằng sau sự mất tích của chủ tịch Interpol - 1

Ông Mạnh Hoành Vĩ Ảnh: TÂN HOA XÃ

Điều bình thường mới

Tờ The New York Times nhận định Bắc Kinh từng vui mừng trước sự kiện ông Mạnh được bầu làm Chủ tịch Interpol vì cho rằng điều này giúp nâng cao hình ảnh hệ thống tư pháp hình sự đất nước. Đó cũng là thời điểm Trung Quốc tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế trong việc truy bắt những quan chức bị cáo buộc tham nhũng chạy ra nước ngoài.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã trình lên Interpol danh sách dài "nghi phạm tham nhũng đào tẩu" để tổ chức này ra "thông báo đỏ" yêu cầu các nước thành viên xác định vị trí và tạm giữ người bị truy nã để chờ dẫn độ về quốc gia yêu cầu truy nã. Không có gì lạ khi xuất hiện nỗi lo ông Mạnh có thể lạm dụng quyền lực của Interpol để đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc. Giờ đây, sự biến mất của ông đe dọa phủ bóng mờ lên hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế và cho thấy ngay cả quan chức nổi bật nhất của một tổ chức cảnh sát quốc tế cũng có thể bị tạm giữ bí mật tại quốc gia này.

"Nếu biến mất ở Trung Quốc, nguyên nhân khả tín nhất là ông Mạnh đang bị điều tra về tham nhũng. Dù là Chủ tịch Interpol nhưng trong mắt nhà chức trách Trung Quốc, ông Mạnh trước hết là công dân nước này và họ sẽ không suy nghĩ quá nhiều về vai trò của ông ta ở nước ngoài. Đây là điều bình thường" - ông Deng Yuwen, nhà bình luận về chính trường Trung Quốc, nói với tờ The New York Times.

Ngay trong tuần này, Bắc Kinh đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng danh tiếng quốc tế không phải là lá chắn cho công dân Trung Quốc. Hai ngày trước khi vụ ông Mạnh được biết đến, truyền thông Trung Quốc đưa tin ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng, người biến mất trong 4 tháng, phải nộp phạt 70 triệu USD do trốn thuế.

Vụ việc của ông Mạnh, nếu được xác nhận, cho thấy chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động 6 năm trước vẫn chưa giảm nhiệt. Vào tháng rồi, Bắc Kinh thông báo đang điều tra ông Nur Berki, Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia và từng là lãnh đạo khu tự trị Tân Cương.

Ông Andrew Wedeman, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH bang Georgia (Mỹ), nhận định chiến dịch chống tham nhũng dường như đã qua giai đoạn cao trào vào năm 2015 nhưng vẫn săn được "hổ" - từ được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ những quan chức cấp cao nhúng chàm. "Thống kê của tôi cho thấy đã có 17 con hổ bị hạ trong năm nay và ông Mạnh có thể là con hổ thứ 18. Chiến dịch săn hổ chắc chắn vẫn tiếp diễn" - ông Wedeman nói.

Chủ tịch Interpol ”bị bắt ngay khi xuống sân bay Trung Quốc”

Nhà chức trách Pháp đang điều tra vụ Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), ông Meng Hongwei, biến mất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương (Người lao động) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN