Chiến lược "zero Covid" của Đài Loan: Giá đắt phải trả

Từng được thế giới khen ngợi về cách phản ứng nhanh nhạy trong đại dịch, Đài Loan giờ phải hứng “đòn đau” vì chiến lược “zero Covid”.

Người dân Đài Loan ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang (ảnh: Guardian)

Người dân Đài Loan ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang (ảnh: Guardian)

Tại một quán bar bên bờ biển phía nam Đài Loan, phóng viên của Guardian bắt gặp một vài du khách mặc đồ bơi, đi chân trần và uống bia. Chủ quán cho hay, chỉ vào dịp cuối tuần mới có một vài khách Đài Loan lui tới, khách nước ngoài hoàn toàn không có.

Tình trạng vắng khách kéo dài khiến quán bar này cũng như hàng trăm cơ sở kinh doanh khác ở Đài Loan – nơi mệnh danh là thiên đường du lịch của châu Á – đứng trước nguy cơ phá sản.

“Hàng hóa trở nên khan hiếm nghiêm trọng khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tôi thậm chí còn không thể tìm mua những thứ cơ bản như xốt mayonnaise hay một cái bánh mì ngô. Thật là điên rồ. Tôi sắp đóng cửa quán”, chủ quán bar chia sẻ.

Trong khi hầu hết các nước trên thế giới mở cửa và chấp nhận sống chung với Covid, Đài Loan quyết tâm duy trì chiến lược “zero Covid” (không Covid) đã áp dụng suốt 18 tháng kể từ khi hòn đảo phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên.

Các biện pháp kiểm dịch ở Đài Loan được áp dụng nghiêm ngặt, bao gồm cấm nhập cảnh, bắt buộc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa và tích cực truy vết. Trong số đó, cách ly được Đài Loan duy trì nghiêm nhất. Theo quy định, tất cả những người thuộc diện cách ly do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19 phải ở trong cơ sở được chỉ định. Hết 14 ngày, họ phải về nhà và tự cách ly thêm 1 tuần nữa.

Nhờ “zero Covid”, đến nay, hòn đảo chỉ ghi nhận tổng cộng hơn 16.430 ca nhiễm và hơn 847 trường hợp tử vong do virus.

“Zero Covid” ở Đài Loan khiến nhiều người dân chán nản (ảnh: Guardian)

“Zero Covid” ở Đài Loan khiến nhiều người dân chán nản (ảnh: Guardian)

Tuy nhiên, khi nhiều nước trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại bằng tỷ lệ tiêm vắc xin cao, có rất ít dấu hiệu cho thấy Đài Loan sẽ chấm dứt “zero Covid”. Điều này khiến cả nền kinh tế và người dân Đài Loan cảm thấy áp lực.

Năm 2019, Đài Loan đón 29 triệu lượt khách du lịch tới thăm hòn đảo. Một năm sau, trước khi nhiều loại vắc xin Covid được sản xuất, Đài Loan ghi nhận 3,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Trong năm 2021, bất chấp tỷ lệ tiêm vắc xin ngày càng tăng ở cả Đài Loan và thế giới, chỉ có 335.000 lượt khách quốc tế tới hòn đảo.

“Liệu chiến lược này còn duy trì đến bao giờ. Đài Loan đang phải trả giá. Hòn đảo đang hy sinh lợi ích hợp tác quốc tế và sự trao đổi thương mại để ngăn chặn Covid-19. Với điều kiện đặc thù của Đài Loan, giữ gìn các mối quan hệ quốc tế là rất quan trọng”, giáo sư Chunhuei Chi – Giám đốc Trung tâm y tế toàn cầu thuộc Đại học bang Oregon (Mỹ) – nói về chiến lược “zero Covid” của Đài Loan.

“Nếu toàn thế giới đều thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, “zero Covid” có thể hiệu quả. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy, chiến lược này không khả thi trước yêu cầu tái mở cửa của nền kinh tế toàn cầu”, công ty tư vấn kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh) nhận định.

Ngành hàng không thương mại ở Đài Loan gần như không hoạt động. Việc di chuyển giữa Đài Loan với nhiều quốc gia có dịch bị đình chỉ khiến nhiều gia đình ly tán. Hàng hóa ở hòn đảo cũng trở nên khan hiếm khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Một số doanh nghiệp quốc tế ở Đài Loan cho hay, họ đang xem xét khả năng rời khỏi hòn đảo vì không biết khi nào các biện pháp hạn chế mới được nới lỏng.

Khoảng 73% dân số Đài Loan được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, chỉ 30% dân số hòn đảo được tiêm liều vắc xin thứ 2. Theo chính quyền Đài Loan, đến cuối năm nay, 60% dân số trên đảo mới được tiêm đầy đủ vắc xin.

“Chính trị cũng là yếu tố khiến Đài Loan chưa dỡ bỏ “zero Covid”. Trong cuộc bầu cử ở các địa phương tới gần, đảng Dân tiến đang cầm quyền không muốn dịch bệnh bùng phát để tránh bị Quốc dân đảng chỉ trích”, giáo sư Chunhuei nói.

“Tôi hiểu lý do khiến Đài Loan phản ứng chậm với việc mở cửa, nhưng họ phải chấp nhận sự thật rằng thế giới đang sống chung với dịch bệnh và chiến lược “zero Covid” không hề bền vững. Cùng với nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm vắc xin, chính quyền hòn đảo cũng cần xác định rõ lộ trình mở cửa trở lại trước khi người dân hết kiên nhẫn”, Steve Tsang – giám đốc Viện nghiên cứu châu Á, châu Phi (SOAS) có trụ sở tại Anh – nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ thực hiện ”Zero Covid” nghiêm ngặt, virus ”tấn công” đường nào?

Áp dụng chiến lược "Zero Covid" với nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhưng Trung Quốc vẫn để “hở sườn”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Đài Loan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN