Lần đầu Thành Cát Tư Hãn tấn công Trung Hoa: 9 vạn quân đối địch 30 vạn

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Năm 1209, 3 năm sau khi thống nhất các bộ lạc, thành lập đế quốc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn không ngừng củng cố binh lực với mục tiêu là tấn công nhà Kim, thế lực khi đó đang kiểm soát vùng Trung Nguyên của Trung Hoa, theo trang mạng Trung Quốc Sohu.

Quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy chinh phục Tây Hạ.

Quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy chinh phục Tây Hạ.

Thành Cát Tư Hãn là người sáng lập đế quốc Mông Cổ sau khi thống nhất các bộ lạc ở Đông Bắc Á vào năm 1206. Đội quân Mông Cổ thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn từ đó khuynh đảo châu lục mà đáng chú nhất phải kể tới chiến dịch chinh phạt Trung Hoa.

Loạt bài này sẽ kể lại câu chuyện về toàn bộ quá trình Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tiến vào Trung Hoa, từng bước chinh phạt nhà Kim.

Trước đây, Mông Cổ phải thần phục nhà Kim, từng nhiều lần thất bại trước quân Kim ở thời kỳ tiền đế quốc. Nhưng đến năm 1209, cục diện đã hoàn toàn khác. Thành Cát Tư Hãn cho rằng Mông Cổ hiện tại hoàn toàn có thể đánh một trận xứng tầm với bất kỳ thế lực nào. Thành Cát Tư Hãn vẫn luôn nhớ mối thù năm xưa, khi triều đình nhà Kim hành quyết tổ tiên là thủ lĩnh Mông Cổ Yêm Ba Hài Hãn (Ambaghai Khan).

Giai đoạn này, triều đình nhà Kim vẫn còn nhiều bất ổn sau khi Kim Chương Tông băng hà. Hoàn Nhan Vĩnh Tế kế thừa ngôi vị hoàng đế. Thành Cát Tư Hãn trước đây từng gặp Hoàn Nhan Vĩnh Tế, người kém ông 6 tuổi và tỏ ra khinh thường vì trông người này giống như thư sinh yếu đuối.

Sau khi lên ngôi, Hoàn Nhan Vĩnh Tế phái sứ giả đến Mông Cổ, yêu cầu Thành Cát Tư Hãn dựa theo lễ tiết quỳ lạy để tiếp nhận chiếu thư. Thành Cát Tư Hãn hỏi sứ giả nhà Kim: "Thiên tử mới là ai?" Sứ giả trả lời là Vệ Thiệu Vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế. 

Thành Cát Tư Hãn cho rằng Hoàn Nhan Vĩnh Tế là người bất tài, liền nói: "Ta cho rằng hoàng đế là người trên trời mới có thể làm, Hoàn Nhan Vĩnh Tế nhu nhược như vậy, cần gì phải quỳ lạy". Thành Cát Tư Hãn nói xong liền bỏ đi để mặc sứ thần nhà Kim vẫn chưa hết ngỡ ngàng.

Phác họa chân dung Thành Cát Tư Hãn.

Phác họa chân dung Thành Cát Tư Hãn.

Hoàn Nhan Vĩnh Tế nghe lời thuật lại của sứ giả liền cực kỳ tức giận. Ông ra lệnh cho quân đội tăng cường phòng bị ở vùng biên cương, xây dựng pháo đài Ô Sa đề phòng quân Mông Cổ tấn công.

Thành Cát Tư Hãn nhận được tin liền cắt đứt quan hệ với nhà Kim, chuẩn bị chiến dịch tấn công. Năm 1210, Thành Cát Tư Hãn thôn tính Tây Hạ (phía tây bắc Trung Quốc ngày nay), buộc vua Tây Hạ là Lý An Toàn phải dâng con gái. Lực lượng Tây Hạ cũng được bổ sung cho đội quân đội Mông Cổ.

Bên cạnh sự chuẩn bị về mặt quân sự, Thành Cát Tư Hãn thông qua các thương nhân giao thương với nhà Kim, hiểu được tình hình chính trị, kinh tế, nắm rõ bản đồ địa lý của đối phương.

Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn Thành Cát Tư Hãn tới sông Kherlen, cầu nguyện với thần bầu trời Tengri với hi vọng quân Mông Cổ sẽ giành chiến thắng.

Thực lực giữa Mông Cổ và nhà Kim khi đó vẫn tương đối chênh lệch. Nhà Kim trải qua hơn 100 năm phát triển từ khi thôn tính Bắc Tống, quân số có hơn 100 vạn, tổng số dân vào khoảng 40 triệu. Mông Cổ khi đó chỉ có 1 triệu dân, quân số hơn 10 vạn.

Hướng tiến công của quân Mông Cổ ở Trung Hoa giai đoạn năm 1211 - 1215.

Hướng tiến công của quân Mông Cổ ở Trung Hoa giai đoạn năm 1211 - 1215.

Mùa xuân năm 1211, Thành Cát Tư Hãn dẫn bốn con trai Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài, Đà Lôi chỉ huy khoảng 12 vạn quân xuất binh chinh phạt Kim.

Theo Warfare History Network, chiến tranh bắt đầu khi 3 vạn quân Mông Cổ do tướng Tốc Bất Đài chỉ huy tiến công Vạn Lý Trường Thành nhằm đánh lạc hướng quân Kim.

Cách đó khoảng 320km, 9 vạn quân do Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh đi vòng qua phía tây Vạn Lý Trường Thành ở sa mạc Gobi, tiến sâu vào lãnh thổ nhà Kim.

Chiến thuật nghi binh này của Thành Cát Tư Hãn khiến quân Kim không kịp trở tay. Thành Cát Tư Hãn đánh thẳng vào pháo đài Ô Sa ở khu tự trị Nội Mông ngày nay. Pháo đài được nhà Kim xây vào năm 1210 để đối phó khả năng quân Mông Cổ vượt qua Trường Thành.

Thành Cát Tư Hãn phái tướng Triết Biệt vòng ra phía sau pháo đài Ô Sa, thẳng đến doanh trại Ô Nguyệt, một lần nữa khiến quân Kim bất ngờ. Độc Cát Tư Trung, tướng thống lĩnh quân Kim đối phó Mông Cổ phải ra lệnh rút lui và bị bãi chức, thay bằng Hoàn Nhan Thừa Dụ.

Trong các trận chiến với quân nhà Kim ở Trung Hoa, Thành Cát Tư Hãn đều rơi vào thế lấy ít địch nhiều.

Trong các trận chiến với quân nhà Kim ở Trung Hoa, Thành Cát Tư Hãn đều rơi vào thế lấy ít địch nhiều.

Từ Ô Sa, Thành Cát Tư Hãn dẫn quân tiến sâu về phía đông với mục tiêu là Trung Đô - kinh đô của nhà Kim (Bắc Kinh ngày nay). 

Khoảng 9 vạn quân của Thành Cát Tư Hãn đối mặt với khoảng 30 vạn quân do Hoàn Nhan Thừa Dụ trấn giữ ở Dã Hồ Lĩnh (nay là huyện Vạn Toàn, tỉnh Hà Bắc).

Để đảm bảo khả năng giành chiến thắng, Hoàn Nhan Thừa Dụ tập kết quân ở khu vực sông Hội Hà, lấy địa thế hiểm trở dễ thủ khó công để đối phó Thành Cát Tư Hãn. Trước cuộc giao tranh quyết định, nhà Kim cử Thạch Mạt Minh An đi đàm phán nhưng ông ta là người Khiết Đan có mối thù lâu đời với nhà Kim, được Thành Cát Tư Hãn khuyên bảo nên đã quay sang đầu hàng Mông Cổ. Nhờ vậy mà Thành Cát Tư Hãn nắm được thông tin về cách quân Kim bố trí canh phòng.

Sau khi đánh giá tình hình, Thành Cát Tư Hãn quyết định áp dụng chiến thuật đột phá. Ông đích thân dẫn quân tấn công quân chủ lực của nhà Kim, lệnh cho tướng Mộc Hoa Lê dẫn quân cảm tử mở đường.

Trước khi xuất binh, Mộc Hoa Lê xin thề trước Thành Cát Tư Hãn, rằng sẽ quyết tử vượt qua đội hình của quân địch. "Quân Kim đông, chúng ta lại ít hơn. Nếu không quyết tử, không thể thắng được", Mộc Hoa Lê nói.

Theo Warfare History Network, quân Kim bố trí đội hình chiến đấu với lính cầm giáo và lính bắn tên ở giữa và kỵ binh bọc giáp hỗ trợ ở hai bên sườn. Trong giao tranh bất phân thắng bại suốt nhiều ngày, kỵ binh Mông Cổ bị kỵ binh quân Kim ngăn chặn còn các cung thủ cưỡi ngựa của Mông Cổ bị đội hình ở giữa của quân Kim kìm chân.

Đúng vào lúc tình thế cam go, 27.000 quân Mông Cổ còn lại trong cánh quân do Tốc Bất Đài chỉ huy đã kịp tới chi viện (3.000 quân tử trận ở Trường Thành), đánh vào phía sau của quân Kim, loại bỏ hoàn toàn kỵ binh đối phương.

Trong các cuộc chiến với Thành Cát Tư Hãn, hoàng đế Đại Kim Hoàn Nhan Vĩnh Tế luôn tỏ ra lép vế.

Trong các cuộc chiến với Thành Cát Tư Hãn, hoàng đế Đại Kim Hoàn Nhan Vĩnh Tế luôn tỏ ra lép vế.

Đội hình chiến đấu của quân Kim lúc này tan rã, lính cầm giáo với một nửa là lính động viên, bỏ chạy khỏi hàng ngũ và bị kỵ binh Mông Cổ đuổi giết. Theo các số liệu thống kê, trong trận Dã Hồ Lĩnh, quân Kim tổn thất khoảng 20 vạn còn quân Mông Cổ chỉ tổn thất 2 vạn.

Trận đánh lấy ít địch nhiều này của Thành Cát Tư Hãn đã gây chấn động nhà Kim. Tướng Hoàn Nhan Thừa Dụ chạy thoát về Trung Đô và bị miễn nhiệm.

Sau thắng lợi trên, quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy chỉ còn cách Trung Đô một cửa ải nữa là Cư Dung Quan. Tháng 9/1211, quân Mông Cổ đến Cư Dung Quan. Thành Cát Tư Hãn giao nhiệm vụ công thành cho tướng Triết Biệt nhưng chưa đánh thì quân Kim đã chạy mất.

Thành Cát Tư Hãn không gặp mấy khó khăn để cuối cùng đứng trước thành Trung Đô, quyết một trận sống mái để hủy diệt nhà Kim.

Hoàn Nhan Vĩnh Tế tuyên bố Trung Đô giới nghiêm, điều động quân đội từ khắp các vùng khác tới bảo vệ kinh đô. Thành trì Trung Đô cao lớn kiên cố, quân Mông Cổ giai đoạn này chưa có vũ khí công thành hiệu quả nên dù có xâm nhập được vào thành cũng bị tiêu diệt, khiến Thành Cát Tư Hãn không còn cách nào khác là phải bao vây.

Quân Mông Cổ bắt đầu từ thời Thành Cát Tư Hãn đã thôn tính Tây Hạ, Đại Kim, Nam Tống và Đại Lý trong chiến dịch chinh phạt ở Trung Hoa.

Quân Mông Cổ bắt đầu từ thời Thành Cát Tư Hãn đã thôn tính Tây Hạ, Đại Kim, Nam Tống và Đại Lý trong chiến dịch chinh phạt ở Trung Hoa.

Trong cơn giận dữ, Thành Cát Tư Hãn đã chia binh lực cho ba người con trai là Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài. Ba người này đưa quân đi vòng qua Trung Đô, đến đâu tàn sát và cướp bóc đến đó.

Theo Sohu, Thành Cát Tư Hãn nắm vững bản chất của chiến tranh là sự hủy diệt. Dù không chiếm được Trung Đô và phải rút lui, quân Mông Cổ vẫn khiến cho nhà Kim trở nên suy yếu, không dễ gì khôi phục lại như trước.

Bên cạnh sự hủy diệt mà 3 con trai tạo ra, dưới thành Trung Đô, Thành Cát Tư Hãn không ngừng gây áp lực. Hoàn Nhan Vĩnh Tế bất đắc dĩ phải cầu hòa. Thành Cát Tư Hãn đòi 35.000 lạc đà, 50.000 gia súc và cừu coi như bồi thường chiến phí. Hoàn Nhan Vĩnh Tế khi đó cự tuyệt, chỉ đem ra kim ngân, tơ lụa bồi thường quân Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn nổi giận, đem những túi lụa trắng mà nhà Kim đem tới ra đốt cháy. Ở ngoại thành Trung Đô, binh lính Mông Cổ không ngừng trút cơn giận dữ. Nhưng nội thành khi đó vẫn do quân Kim phòng thủ vững chắc. Đầu năm 1212, quân Mông Cổ cạn kiệt lương thực, Thành Cát Tư Hãn đành ra lệnh rút lui.

Theo Sohu, trong chiến dịch tấn công nhà Kim lần đầu tiên, có thể nói là Thành Cát Tư Hãn đã gặt hái được rất nhiều thành công.

Tuy rằng không thể đánh nhanh thắng nhanh, hạ Trung Đô, bắt sống Hoàn Nhan Vĩnh Tế, cuộc chiến giúp Thành Cát Tư Hãn hiểu rằng nhà Kim không còn mạnh mẽ như trước.

Nhà Kim xuất phát từ tộc người Nữ Chân dũng mãnh thiện chiến, từng gây ra Sự kiện Tĩnh Khang chấn động (1125 - 1127), thôn tính một nửa giang sơn Trung Hoa từ tay nhà Tống.

Nhưng đối mặt với đội quân Mông Cổ hùng mạnh, người Nữ Chân gần như cứ lâm trận là toan bỏ chạy. Nước Kim dù vẫn kiểm soát một lượng lớn lãnh thổ, bao gồm vùng Trung Nguyên nhưng giờ đây cũng chỉ như cái vỏ rỗng, theo Sohu.

Đây là cơ sở để Thành Cát Tư Hãn rút về Mông Cổ, tái tổ chức lực lượng để một lần nữa xuất quân tấn công nhà Kim vào mùa thu năm 1212.

Bên cạnh đó, Thành Cát Tư Hãn trở về đem theo một lượng lớn tù binh. Những người thợ thủ công, am hiểu về kỹ thuật đặc biệt được trọng dụng. Những người này giúp tạo ra các công cụ trong cuộc sống và trong chiến đấu, tăng cường thêm sức chiến đấu cho đội quân Mông Cổ.

________________________

Thất bại trong lần đầu tiên bao vây Trung Đô chỉ là sự khởi đầu, chưa đầy một năm sau, Thành Cát Tư Hãn lại xuất quân chinh phạt Trung Hoa và cuối cùng kiểm soát kinh đô một thời của nhà Kim. Thành Cát Tư Hãn làm cách nào kiểm soát Trung Đô? Chuyện gì đã xảy ra khi đó? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản 19h ngày 21/5.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao quân Thành Cát Tư Hãn đi đánh trận khắp nơi mà không phải lo về hậu cần?

"Nghệ thuật" hậu cần làm nên nhiều trận thắng của Thành Cát Tư Hãn chính là "không hậu cần".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thành Cát Tư Hãn và cuộc chiến ở Trung Hoa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN