Chạy đua nghiên cứu 'siêu vaccine' dứt điểm dịch COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Siêu vaccine” có khả năng đa trị được kỳ vọng là giải pháp để chấm dứt dịch COVID-19 và ngăn ngừa bùng phát một đại dịch tương tự trong tương lai.

Theo tờ The Guardian, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 (lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ) đã có mặt ở ít nhất 92 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang được xem là biến thể nguy hiểm nhất trong các biến thể của virus SARS-CoV-2 với khả năng chủ động nhắm vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Một nghiên cứu mới đây của giới chức y tế Úc cho thấy biến thể Delta có thể lây ngay cả khi đi cạnh người nhiễm chưa đầy 5-10 giây.

“Siêu vaccine” trị mọi biến thể

Trong bối cảnh nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng các nước phải đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng ngừa nếu không muốn tốc độ lây nhiễm của virus vượt mặt tốc độ tiêm chủng, làm thất bại mục tiêu xây dựng miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, theo Giám đốc nghiên cứu vaccine tại Liên minh Đổi mới đối phó dịch bệnh Anh (CEPI) Melanie Saville, có lẽ đã đến lúc cần một cách tiếp cận khác về các biến thể nguy hiểm như Delta.

Một chuyên gia nghiên cứu vaccine tại phòng thí nghiệm của hãng dược VBI Vaccines (Mỹ), ngày 20-6. Ảnh: REUTERS

Một chuyên gia nghiên cứu vaccine tại phòng thí nghiệm của hãng dược VBI Vaccines (Mỹ), ngày 20-6. Ảnh: REUTERS

Bà đề xuất giới nghiên cứu nên tập trung bào chế các vaccine đa trị có thể bảo vệ người tiêm khỏi mọi loại biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây lan hiện nay, thậm chí mọi chủng virus họ Corona, kể cả những chủng có thể lây từ động vật sang người trong tương lai. Bản thân bà Saville hiện cũng đang là một trong những người đứng đầu phụ trách dự án chế tạo loại vaccine như vậy, tờ Financial Times cho hay.

“Tất cả chúng ta đang có hai câu hỏi chính cần giải quyết. Chúng ta cần làm gì để chấm dứt đại dịch COVID-19 lúc này và sau đó chúng ta phải làm thế nào để ngăn đại dịch tiếp theo không bùng phát? Tôi cho rằng vaccine đa trị là câu trả lời” - bà Saville khẳng định.

Khoa học không phải lúc nào cũng đi đúng theo hướng chúng ta muốn và lúc nào nó cũng liên tục tiến hóa theo cách ta không ngờ đến. Tuy nhiên, thú thật là tôi cảm thấy khá phấn khích khi nghĩ tới việc trong hai năm tới, mọi người dân trên thế giới đều có thể được tiêm vaccine đa trị.

Ông JEFF BAXTER, Giám đốc hãng dược VBI Vaccines 

Bà Saville giải thích: Hầu hết các vaccine ngừa COVID-19 đang lưu hành hiện nay chỉ tập trung vào việc tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa protein đột biến mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào cơ thể người. Ưu điểm của công nghệ này là nó đã được nghiên cứu và kiểm định chất lượng, có độ an toàn rất kỹ lưỡng và hầu như hãng dược nào cũng có đủ khả năng sản xuất số lượng lớn. Song nhược điểm là con người cũng phải mất thời gian và công sức liên tục cập nhật, cải tiến vaccine mỗi khi virus SARS-CoV-2 đột biến ra biến thể mới có khả năng vô hiệu hóa phản ứng miễn dịch của vaccine cũ.

Trong khi đó, các loại vaccine đa trị đang được nghiên cứu tập trung tấn công và tiêu diệt các tế bào lõi sâu bên trong virus, giúp chặn đứng khả năng tránh né phản ứng miễn dịch của cơ thể. “Dù SARS-CoV-2 có đột biến thêm nhiều biến thể khác đi nữa thì những phần tế bào lõi đó cơ bản vẫn giống nhau. Do đó, chúng ta không cần phải cập nhật liên tục vaccine mà chỉ tiêm một lần là đã có được mức bảo vệ tối ưu” - bà Saville giải thích.

Một bên khác cũng đang tập trung bào chế vaccine đa trị là hãng dược Valo Therapeutics (Phần Lan). Giám đốc của hãng - ông Paul Higham chia sẻ: Vaccine của Valo Therapeutics có khả năng chống lại cả SARS-CoV-1, SARS-CoV-2, Mers-CoV và “hàng loạt chủng virus họ Corona khác trong tương lai”. Ông Higham kỳ vọng Valo Therapeutics sẽ sớm chế tạo thành công nguyên mẫu siêu vaccine để tiến hành thử nghiệm và có thể phân phối vào khoảng năm 2022.

Không dễ nhưng không phải không thể

Theo TS Dennis Burton thuộc Viện nghiên cứu sinh học Scripps (Mỹ), việc tạo ra vaccine đa trị nếu thành công sẽ là một điều thật sự phi thường, bởi “các virus càng khác nhau về thành phần thì càng khó để tìm thấy kháng thể chung có thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại tất cả”. Bên cạnh đó, việc giới khoa học đã loay hoay trong việc bào chế vaccine ngừa HIV/AIDS suốt hàng chục năm qua mà không thành công là minh chứng rõ nét cho những khó khăn mà các nhà nghiên cứu vaccine phải đối mặt.

Dù vậy, để góp phần giảm thiểu những thách thức nói trên, giám đốc hãng dược Entos Pharmaceuticals (Canada) cho biết công ty của ông đã ứng dụng công nghệ máy học (machine learning) để bào chế vaccine đa trị.

Cụ thể, Entos Pharmaceuticals hợp tác với một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo với chương trình phần mềm dùng để thiết lập “34 biểu mô khác nhau từ các protein của những chủng virus họ Corona khác nhau”. Từ đây, các nhà khoa học sẽ cô lập các protein nào có trong nhiều chủng virus nhất rồi tập trung xây dựng phản ứng miễn dịch chống lại protein đó.

OSE Immunotherapeutics, một công ty công nghệ sinh học của Pháp, cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để bào chế vaccine đa trị đối với COVID-19. Loại công nghệ này cũng từng được OSE Immunotherapeutics triển khai trước đó để chế tạo vaccine ngừa một số loại ung thư. Vaccine đa trị của OSE Immunotherapeutics đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn đầu. Kết quả thử nghiệm lâm sàng nhiều khả năng được công bố vào tháng 9 tới.

VBI Vaccines, một hãng dược có trụ sở tại Mỹ, lại chọn một chiến lược khác. Tương tự các vaccine ngừa COVID-19 hiện tại, vaccine của VBI vẫn tập trung vô hiệu hóa các protein gai của virus SARS-CoV-2, bên cạnh đó tìm cách củng cố khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch của cơ thể.

“Hệ thống miễn dịch của cơ thể người rất linh hoạt. Chúng ta có thể dạy hệ miễn dịch cách để ngăn chặn các loại protein gai khác nhau của virus và biến thể của nó. Càng biết được nhiều loại thì phản ứng miễn dịch càng rộng và hiệu suất bảo vệ càng cao” - chuyên gia nghiên cứu David Anderson của VBI giải thích. Dự kiến vaccine đa trị của công ty này nhiều khả năng sẽ được các cơ quan y tế Mỹ xem xét, thẩm định trong vòng 12 đến 14 tháng tới.

Ca nhiễm biến thể Delta tăng gấp đôi sau một tuần ở Pháp, Đức

Đài France Info ngày 29-6 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran rằng các ca bệnh do biến thể Delta đang chiếm khoảng 20% tổng số ca bệnh COVID-19, tăng gấp đôi so với tỉ lệ 9%-10% vào tuần trước.

Theo ông Veran, tuy tỉ lệ phần trăm số ca bệnh do biến thể Delta gây ra ngày càng tăng nhưng tổng số ca bệnh cả nước đang giảm. Nước Pháp ngày 28-6 chỉ ghi nhận 509 ca bệnh mới, số ca bệnh hằng ngày trung bình bảy ngày qua cũng giảm còn 1.819, mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây.

Cùng lúc đó, đài Deutsche Welle dẫn lời Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) - ông Lothar Wieber cho hay biến thể Delta cũng đang lan rộng ở nước này, chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh COVID-19 đang điều trị. Cụ thể, trong tuần từ ngày 15 đến 20-6, biến thể Delta chiếm 36% số ca bệnh, tăng 15% so với một tuần trước đó. Hiện nay, con số này đã cao hơn 50%. “Lơ là trước biến thể Delta sẽ là một sai lầm nghiêm trọng phải trả giá rất lớn” - ông Koch nhấn mạnh. 

Nguồn: [Link nguồn]

Tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh: Chuyên gia khuyên gì?

Các chuyên gia cho biết, một người đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19 có thể xuất hiện các triệu chứng nhẹ hoặc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN