Cảnh báo về hội chứng COVID-19 kéo dài

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hàng ngàn trường hợp được điều trị âm tính COVID-19 nhưng vẫn tiếp tục có triệu chứng bệnh hàng tháng sau đó đang được phát hiện khắp thế giới. Giới khoa học chưa có câu trả lời về hiện tượng này.

Hãng tin Sky News cho biết một nghiên cứu mới đây của ĐH Hoàng gia London (Anh) vừa cảnh báo một lượng lớn người dân Anh có thể đang mắc phải một hội chứng tên là COVID-19 kéo dài. Hội chứng này khiến các triệu chứng của COVID-19 vẫn tiếp tục biểu hiện trên cơ thể người nhiều tuần hoặc thậm chí là nhiều tháng dù đã được xét nghiệm âm tính sau khi điều trị thành công. Điều này gây khó khăn cho các bệnh nhân (BN) được chữa khỏi tái hòa nhập cộng đồng và sinh hoạt bình thường trở lại.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô London (Anh) hồi tháng 3. Ảnh: BBC

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô London (Anh) hồi tháng 3. Ảnh: BBC

Người mắc COVID-19 kéo dài bị hơn 200 triệu chứng

Cụ thể, nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London tiến hành khảo sát ngẫu nhiên hơn nửa triệu BN COVID-19 và các trường hợp nghi nhiễm từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021. Kết quả cho thấy khoảng 27.000 người trong số này cho biết vẫn còn triệu chứng của COVID-19 sau 12 tuần, tức nhiều hơn sáu lần quy định cách ly 14 ngày ở hầu hết các nước hiện nay.

Theo nhóm nghiên cứu, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị hội chứng COVID-19 kéo dài là phụ nữ; người hút thuốc lá; người thừa cân, béo phì; người sống ở các khu vực độc hại, không vệ sinh; người từng có tiền sử nhập viện. Điều đáng nói là nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài hiển thị rõ hơn ở người châu Âu nhưng người châu Á cũng không “miễn nhiễm”. Bên cạnh đó, cứ tăng thêm 10 tuổi thì nguy cơ cũng tăng 3,5%. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là người trẻ có thể thoát khỏi hội chứng COVID-19 kéo dài. ĐH Hoàng gia London có dẫn lại một nghiên cứu khác ở Nga từng đăng trên chuyên san khoa học Nature phát hiện khoảng 25% bệnh nhi COVID-19 xuất viện tại nước này vẫn có các triệu chứng bệnh năm tháng sau đó.

Về các triệu chứng thường gặp ở những người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, nhóm nghiên cứu chỉ ra có hai nhóm triệu chứng phổ biến mà nếu bị một triệu chứng sẽ bị tất cả triệu chứng còn lại trong nhóm đó. Nhóm 1, gồm các triệu chứng liên quan tới vấn đề hô hấp như khó thở, đau hoặc tức ngực, thường những người bị các triệu chứng này đều từng là những ca COVID-19 nặng. Nhóm 2, gồm các triệu chứng như đau cơ và khó ngủ.

Một nghiên cứu khác với hơn 3.700 trường hợp mắc hội chứng COVID-19 kéo dài ở 56 quốc gia đăng trên chuyên san khoa học The Lancet hồi tháng 6 lại phát hiện đến hơn 200 triệu chứng ảnh hưởng lên 10 hệ thống cơ quan của BN. Một số triệu chứng đáng lo ngại mà nghiên cứu này liệt kê bao gồm ảo giác; suy giảm thính giác và thị lực; các vấn đề về dạ dày, ruột, bàng quang; kinh nguyệt bất thường và tổn thương da. Phần lớn triệu chứng này kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, song vẫn có tới 66 triệu chứng cá biệt kéo dài tới bảy tháng trên cơ thể BN.

Do sự tồn tại dai dẳng của các triệu chứng như trên, sức khỏe và khả năng sinh hoạt, làm việc của BN mắc hội chứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoảng 22% người tham gia khảo sát của ĐH Hoàng gia London cho biết họ không thể làm việc (do bị sa thải, nghỉ ốm hoặc bỏ việc) vì hội chứng COVID-19 kéo dài.

45% người được khảo sát cũng cho biết phải giảm bớt lịch trình làm việc so với trước khi bị bệnh vì không đủ sức. Ngoài ra, một số người thậm chí không thể làm các việc thường ngày như vệ sinh cá nhân hay mua sắm. Khả năng lao động và sinh hoạt bị ảnh hưởng có thể để lại hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho cả BN, gia đình và xã hội, chưa kể chất lượng cuộc sống của họ cũng không được đảm bảo.

Một hội thảo do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tổ chức vào tháng 12 năm ngoái từng đưa ra con số 10%-30% BN COVID-19 tại nước này có thể đang phải vật lộn với tình trạng tương tự với hội chứng COVID-19 kéo dài mà ĐH Hoàng gia London cảnh báo, theo tờ The Washington Post.

Giới chuyên gia nỗ lực tìm giải pháp

Đài BBC cho biết hiện các chuyên gia vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể đằng sau hội chứng COVID-19 kéo dài. Một số giả thuyết được đưa ra như virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể đã gây quá tải hệ thống miễn dịch, khiến hệ thống này hoạt động quá mức và quay ngược lại tấn công tế bào của chính mình. Điều này đã xảy ra ở những người có phản ứng miễn dịch mạnh ở các bệnh khác. Một giả thuyết khác là virus SARS-CoV-2 không được loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể dù đã được điều trị thành công, dẫn đến phản ứng viêm mãn tính.

Giới khoa học cũng chưa tìm ra cách chữa trị tình trạng này. Tuy nhiên, một số BN trong nghiên cứu của ĐH Hoàng gia London cho biết tình trạng của họ được cải thiện đôi chút sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Điều này có thể mở ra hướng nghiên cứu mới về tác dụng của vaccine đối với hội chứng COVID-19 kéo dài. Dù vậy, rõ ràng việc tiêm ngừa để tránh nhiễm COVID-19 ngay từ đầu vẫn là giải pháp tốt nhất.

Ngoài ra, nhận thấy tác động nghiêm trọng của hội chứng COVID-19 kéo dài, hãng tin Reuters cho biết chính quyền Anh hiện đang có kế hoạch chi khoảng 27,5 triệu USD để hỗ trợ 15 nghiên cứu mới về điều trị và chẩn đoán hội chứng COVID-19 kéo dài. Chính quyền Mỹ vào đầu năm nay cũng công bố sáng kiến nghiên cứu hội chứng COVID-19 kéo dài tương tự với nguồn tài trợ lên tới gần 1,2 tỉ USD.

“Hội chứng COVID-19 kéo dài đến nay vẫn chưa được giới khoa học hiểu rõ cơ chế bệnh nhưng các số liệu của ĐH Hoàng gia London sẽ là bước đầu tiên để chúng ta khoanh vùng nghiên cứu và kiểm soát tình trạng này. Nếu số liệu này phản ánh đúng thực tế thì chúng ta có thể đang phải đối mặt với một bài toán mới cho giai đoạn tái thiết hậu COVID-19 với hàng triệu người có nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài” - GS Helen Ward thuộc ĐH Harvard (Mỹ) chia sẻ.

Hơn 50% dân Ấn Độ đã hình thành kháng thể chống COVID-19

Theo Reuters, chính quyền Ấn Độ vừa tiến hành cuộc khảo sát huyết thanh quốc gia lần thứ tư nhằm kiểm tra kháng thể. Cuộc khảo sát cho thấy 67,6% người trưởng thành ở Ấn Độ có kháng thể dương tính, mặc dù hơn 62% chưa được tiêm chủng. Tính đến tháng 7, chỉ hơn 8% người Ấn Độ trưởng thành đủ điều kiện đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Nghiên cứu cũng khảo sát 7.252 nhân viên y tế và phát hiện 85% trong số đó có kháng thể. Trong nhóm này, cứ 10 người thì có một người chưa được tiêm chủng.

Hiện các ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tại Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo chính phủ không nên nhanh chóng mở cửa trở lại các TP và bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải tại các điểm du lịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Vừa “thả cửa” Covid-19, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất sau 4 tháng

Anh ngày 20.7 ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất kể từ ngày 24.3, một ngày sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn các biện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN