Bức ảnh 30 người nằm sấp cho đại sứ TQ bước trên lưng ở Kiribati gây tranh cãi

Một hình ảnh xuất hiện mới đây cho thấy đại sứ Trung Quốc ở Kiribati đang bước trên lưng của hàng chục người dân địa phương đã gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, Kiribati nói rằng đây chỉ là một phong tục tỏ lòng hiếu khách.

Hình ảnh chụp đại sứ Trung Quốc bước đi trên lưng nhiều người ở Kiribati (ảnh: The Guardian)

Hình ảnh chụp đại sứ Trung Quốc bước đi trên lưng nhiều người ở Kiribati (ảnh: The Guardian)

Hình ảnh được cho là chụp trong một buổi lễ đón tiếp đại sứ Trung Quốc ở Kiribati – đảo quốc Thái Bình Dương từng có mối quan hệ khăng khít với Đài Loan – đang gây nhiều tranh cãi.

Trong ảnh, người đàn ông mặc áo trắng là đại sứ Trung Quốc Tang Songgen đang nắm tay 2 người phụ nữ và bước đi trên lưng của hàng chục người dân Kiribati.

Một số chuyên gia cho rằng, bức ảnh thể hiện cho sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Kiribati. Không dùng thảm đỏ như thường lệ, ông Tang giẫm chân lên lưng của khoảng 30 người đàn ông nằm sấp trên mặt đất, với sự giúp đỡ của 2 người phụ nữ trong trang phục truyền thống của Kiribati.

Tháng 9 năm ngoái, Kiribati đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Bắc Kinh.

Chính quyền Kiribati sau đó lên tiếng giải thích về bức ảnh và nói rằng đây chỉ là nghi lễ đón khách quý truyền thống của đảo quốc này.

 “Đây chỉ là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng và lòng hiếu khách của chúng tôi. Ví dụ trong đám cưới ở Kiribati, nhà trai sẽ nằm thành một hàng trên sàn nhà để nhà gái bước lên. Hành động này nhằm thể hiện rằng họ rất vui khi được chào đón thành viên mới trong gia đình. Đây là phong tục chúng tôi dành cho tất cả mọi người. Đừng thêu dệt câu chuyện theo chiều hướng chính trị”, Adlih Ztuhcs – một quan chức Kiribati – nói trên mạng xã hội.

Kiribati khẳng định việc bước qua lưng người khác chỉ là phong tục đón khách đặc biệt của đảo quốc và không nên để chuyện chính trị ảnh hưởng.

Katerina Teaiwa – phó giáo sư Đại học Quốc gia Úc châu Á và Thái Bình Dương – cho rằng, việc nằm rạp xuống đất để đón khách là nghi thức có thật ở Kiribati và chỉ nhằm thể hiện sự hiếu khách chứ không mang bất kỳ hàm ý khuất phục nào.

“Người dân Kiribati có thể chào đón chức sắc nước ngoài theo bất kỳ cách nào mà họ thích. Chúng ta không nên tranh cãi thêm về vấn đề này và nên tôn trọng sự đa dạng văn hóa của mỗi dân tộc”, phó giáo sư Katerina Teaiwa nhận xét.

Ruateki Tekaiara – Bộ trưởng Môi trường Kiribati – cũng có mặt trong buổi tiếp đón đại sứ Trung Quốc.

“Đây là nét văn hóa rất đặc biệt và độc đáo của chúng tôi. Không ai có thể phản đối quyết định đón khách của các bô lão ở Kiribati”, ông Ruateki Tekaiara nói.

Kiribati đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc (ảnh: CNN)

Kiribati đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc (ảnh: CNN)

Ông Tekaiara cho rằng, các vị bô lão đã quyết định sử dụng phương thức đặc biệt này để thể hiện sự hiếu khách với đại sứ Tang.

Tuy nhiên, lời giải thích của Kiribati có lẽ chưa đủ thuyết phục một số quan chức ngoại giao nước ngoài khác.

“Tôi không thể tưởng tượng được việc đi trên lưng người khác lại là hành động có thể chấp nhận của bất kỳ đại sứ quốc gia nào”, Constantine Panayiotou – phái viên Bộ Quốc phòng Mỹ tại 5 đảo quốc Thái Bình Dương, bao gồm cả Kiribati – nhận xét.

Ông Constantine Panayiotou nói rằng, trong số những người nằm sấp có cả người chưa thành niên.

Nghị sĩ Dave Sharma, cựu Đại sứ của Australia tại Israel và từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao tại các cơ sở ngoại giao của Australia ở nhiều nước khác như Papua New Guinea, cho biết, ông cảm thấy ngạc nhiên về bức hình.

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một đại diện của Australia tham gia vào một buổi tiếp đón có nghi lễ tương tự”, ông Sharma nói.

Lãnh đạo Văn phòng Quan hệ Thái Bình Dương của Úc – ông Bruce Cowled – cho biết, mình sẽ không bao giờ tham gia vào buổi lễ đón tiếp nào tương tự, dù có là được mời.

Ông Tang Songgen được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc ở Kiribati từ tháng 3 năm nay. Trong một chia sẻ của mình ông Tang cho biết mình và các quan chức khác đã được nhiều bô lão ở Kiribati chào đón nồng nhiệt theo phong tục truyền thống.

“Tôi bị choáng ngợp bởi sự thân thiện, văn hóa độc đáo và lòng hiếu khách của người dân Kiribati”, ông Tang chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bức ảnh đại sứ TQ bước trên lưng 30 người gây tranh cãi: Báo TQ nói gì?

Theo truyền thông Trung Quốc, việc xuyên tạc ý nghĩa bức ảnh đại sứ Trung Quốc tại Kiribati bước đi trên lưng của hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – The Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN