Bức ảnh đại sứ TQ bước trên lưng 30 người nằm sấp: Báo TQ nói gì?

Theo truyền thông Trung Quốc, việc xuyên tạc ý nghĩa bức ảnh đại sứ Trung Quốc tại Kiribati bước đi trên lưng của hàng chục người địa phương đã bị các quan chức địa phương bác bỏ. Các chuyên gia chỉ trích rằng đây là hành động nhằm phá hoại hình ảnh của Trung Quốc tại hòn đảo này.

Bức ảnh đại sứ Trung Quốc tại Kiribati bước đi trên lưng của 30 người đàn ông địa phương đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Hoàn cầu

Bức ảnh đại sứ Trung Quốc tại Kiribati bước đi trên lưng của 30 người đàn ông địa phương đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Hoàn cầu

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) hôm 20/8 đưa tin, bức ảnh đã nhận nhiều chỉ trích từ một số chính trị gia phương Tây và người dùng Twitter khi cho rằng hành động này thể hiện sự "chèn ép" của Bắc Kinh với các nước ở khu vực Thái Bình Dương. Thậm chí, một số người nói rằng bức ảnh cho thấy Trung Quốc là "một quốc gia có ý định thuộc địa hóa thế giới".

Tờ báo Trung Quốc còn đưa tin, tùy viên quốc phòng Mỹ tại các đảo thuộc Thái Bình Dương Constantine Panayiotou và nghị sĩ Úc Dave Sharma nằm trong số những người tỏ ra bất ngờ khi thấy bức ảnh ông Tang Songgen, đại sứ Trung Quốc tại Kiribati, giẫm và bước đi trên lưng của hơn 30 người đàn ông địa phương đang nằm dưới đất.

Tuy nhiên, người dân địa phương và ông Ruateki Tekaiara, Bộ trưởng Môi trường Kiribati - người có mặt trong buổi tiếp đón đại sứ Trung Quốc Tang Songgen, đã phản bác lại những lời chỉ trích.

Tekaiara, nghị sĩ tại đảo Marakei (Kiribati), cho biết những gì được thấy trong ảnh là một nghi thức địa phương, thể hiện sự tôn trọng cao nhất với du khách. "Đây là một nét đẹp văn hóa của hòn đảo. Không ai phản đối hay từ chối điều này vì đây là quyết định của những người cao tuổi trên đảo", hãng ABC dẫn lời ông Tekaiara cho hay. Theo ông Tekaiara, những người cao tuổi trên hòn đảo đã tập trung để tổ chức nghi thức này trong buổi chào đón đại sứ Trung Quốc.

Theo tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati đăng tải trên Facebook chính thức hôm 17/8, đại sứ Tang sẽ đến thăm các hòn đảo Tabiteuea North, Tabiteuea South và Marakei của Kiribati theo lời mời từ đầu tháng 8 của hội đồng các đảo và các nghị sĩ địa phương.

"Đoàn của đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati đã được chào đón nồng nhiệt bởi những người cao tuổi, giới chức và người dân địa phương. Cả đoàn được chào đón bằng nghi thức truyền thống và bị choáng ngợp trước sự hiếu khách và văn hóa độc đáo của người dân ở đây", đại sứ quán Trung Quốc ở Kiribati tuyên bố.

Việc giẫm lên lưng người dân địa phương và bước đi thể hiện sự tôn trọng cao nhất với du khách hoặc nhà ngoại giao, Hoàn cầu hôm 19/8 dẫn lời cô gái địa phương có tên là Jordan cho hay.

"Chúng tôi thường chào đón các khách VIP từ nước ngoài bằng nghi thức này và điều đó đã diễn ra từ rất lâu. Ngoài ra, bạn có thể thấy nghi thức này trong một số đám cưới ở địa phương khi gia đình chú rể nằm xuống đất, cô dâu sẽ đi trên lưng họ. Đây là hành động thể hiện lòng hiếu khách của nhà chú rể để chào đón một thành viên mới của gia đình", nữ công dân Kiribati chia sẻ với Hoàn cầu.

Jordan cho rằng những người bên ngoài không nên quy chụp hoặc áp đặt văn hóa của họ lên nền văn hóa của hòn đảo. Cô cảm thấy buồn về "sự xuyên tạc" khi mô tả "người dân địa phương là nạn nhân", theo Hoàn cầu.

"Đó là một phong tục địa phương. Nếu bị từ chối, đó sẽ là một sự xúc phạm lớn với người dân địa phương. Còn nếu chấp nhận thì lại vướng phải những chỉ trích như thế này", El Zorro, người dùng Twitter, bình luận về vụ việc.

Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati không phải là người duy nhất chấp nhận nghi thức chào đón truyền thống của người dân trên hòn đảo. Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy công chúa Tonga cũng được chào đón theo cách này trong chuyến thăm trước đó.

Hoàn cầu dẫn lời các nhà quan sát cho hay, việc mô tả hành động của đại sứ Trung Quốc là biểu tượng của sự "áp chế" cho thấy sự lo ngại của một số chính trị gia phương Tây với tình hữu nghị ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Kiribati, nhất là sau khi Kiribati nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày 28/9/2019.

Trước đó, sự rạn nứt trong quan hệ song phương giữa 2 nước là kết quả của việc Mỹ, Úc và các nước phương Tây can thiệp vào Kiribati, theo Yu Lei, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu các đảo quốc Thái Bình Dương, thuộc Đại học Liaocheng (Trung Quốc).

Theo Hoàn cầu, Úc từ lâu đã coi các đảo ở Nam Thái Bình Dương là "sân sau" và sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương với đại sứ Trung Quốc không phải là điều "dễ chịu" với Canberra, Yu nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Thực hư đoàn xe quân sự Nga ùn ùn kéo đến nước láng giềng bất ổn

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dập tắt mọi đồn đoán cho rằng Moscow đang hoặc sắp thực hiện một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN