Biên giới nhiều nước châu Phi thẳng tắp như kẻ và câu chuyện buồn phía sau

Không giống như biên giới ở các nước thuộc châu lục khác, biên giới nhiều quốc gia châu Phi là những đường thẳng gấp khúc như được kẻ ra, thậm chí biên giới giữa Ai Cập với 2 nước Sudan và Libya còn tạo ra cạnh góc vuông.

Bản đồ châu Phi ngày nay với biên giới nhiều nước được vẽ thẳng (ảnh: CNN)

Bản đồ châu Phi ngày nay với biên giới nhiều nước được vẽ thẳng (ảnh: CNN)

Trước khi nói về biên giới các nước châu Phi, ta cần hiểu rằng biên giới giữa các quốc gia thường được hình thành bởi 2 cách: Theo các hiệp ước dựa trên sự thỏa thuận hoặc theo tập quán cư trú, sinh sống của người dân. Việc xác định biên giới cũng có 2 cách khác nhau, bao gồm theo biên giới tự nhiên (lấy núi, sông, hồ làm mốc giới) hoặc theo biên giới nhân tạo, do con người vẽ ra.

Biên giới các nước châu phi được hình thành theo cách khá đặc biệt. Theo DW (báo Đức), trước năm 1885, châu Phi gần như không tồn tại biên giới hành chính. Châu lục rộng lớn này khi đó có khá ít dân cư, chủ yếu là các bộ lạc sống du mục nay đây mai đó nên việc vạch ra đường biên giới gần như là điều vô nghĩa.

Ngoài ra, xét đến điều kiện tự nhiên của châu Phi, sa mạc Sahara chiếm khoảng 1/4 diện tích châu lục này, dẫn đến thiếu các cảnh quan như núi, sông hồ nên việc phân định biên giới giữa các nước là điều khó khăn.

Theo Economist, vào đầu những năm 1800, tình hình châu Phi bắt đầu có nhiều biến động khi những thương nhân châu Âu đặt chân đến vùng đất này để thu mua lâm sản. Thời bấy giờ, ngà voi và sừng tê giác ở châu Phi là các mặt hàng rất được ưa chuộng ở châu Âu. Để thoải mái mua lâm sản châu Phi với giá rẻ, các thương nhân châu Âu đã thành lập nhiều cảng biển, được bảo vệ bởi các tàu pháo ngoài khơi. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của họ đối với châu Phi vẫn rất nhỏ.

Đại diện các nước tham dự Hội nghị Berlin (ảnh: DW)

Đại diện các nước tham dự Hội nghị Berlin (ảnh: DW)

Năm 1876, vua Leopold II của Bỉ thành lập Hiệp hội châu Phi quốc tế và nhờ Henry Morton Stanley (nhà thám hiểm xứ Wales) giúp Bỉ “khai thác” lục địa này. Trong cuộc cách mạng công nghiệp, các tài nguyên như vàng, gỗ, cao su và lâm sản ở châu Phi là “kho báu” mà nhiều nước châu Âu khao khát. Năm 1877, bản đồ lưu vực sông Congo được Stanley công bố cho thấy châu Phi là vùng đất vô cùng rộng lớn và giàu tài nguyên. Từ năm 1880, các nước Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Bỉ đua nhau thôn tính các vùng đất ở châu Phi mà không biết rằng Đức đang rình rập phía sau.

Theo History, năm 1871, Đức – Phổ hợp nhất thành đế quốc Đức và từng bước trở thành quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh bậc nhất châu Âu. Trong cuộc đua tranh giành châu Phi, Đức cũng muốn được chia phần. Việc Đức điều các đội tàu thám hiểm tới châu Phi khiến 4 nước Đào Nha, Pháp, Anh và Bỉ sợ hãi.

Với hy vọng xoa dịu “con hổ đói” Đức, vua Bỉ Leopold II thuyết phục Otto von Bismarck, Thủ tướng đầu tiên của Đức, rằng thành lập một khu vực thương mại chung ở châu Phi là cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích cho các bên và tránh xung đột. Để phân chia thuộc địa ở châu Phi, năm 1884, Đức đã mời 12 nước châu Âu cùng Mỹ tới dự Hội nghị Berlin.

Kết quả phân chia thuộc địa sau Hội nghị Berlin, các nước Pháp (French), Đức (German), Anh (British), Bồ Đào Nha (Portuguese) chiếm phần lớn châu Phi (ảnh: Thoughtco)

Kết quả phân chia thuộc địa sau Hội nghị Berlin, các nước Pháp (French), Đức (German), Anh (British), Bồ Đào Nha (Portuguese) chiếm phần lớn châu Phi (ảnh: Thoughtco)

Tại Hội nghị, ông Bismarck cho dựng một tấm bản đồ châu Phi cao 5 mét. Trên bàn đàm phán, đại diện các nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp Đức đã dùng bút mực đỏ vẽ các đường phân chia châu Phi theo kinh, vĩ tuyến. Ví dụ, biên giới giữa Ai Cập và Sudan được kẻ ngang theo vĩ tuyến 22 độ Bắc, biên giới giữa Namibia và Bostwana kẻ dọc theo kinh tuyến 22 độ Nam.

Theo Geography, trong Hội nghị Berlin, có khoảng 44% biên giới châu Phi bị chia theo kinh, vĩ tuyến, 30% vẽ bằng đường thẳng hoặc cong. Chỉ có 26% biên giới châu Phi được xác định dựa trên các yếu tố tự nhiên, nhưng không tính đến tập quán cư trú của cư dân bản địa.

“Người ta chỉ cần đặt cái thước lên bản đồ và vạch một đường thẳng”, DW viết về cách các nước châu Âu phân định biên giới ở châu Phi.

Kết quả của Hội nghị Berlin là nguyên nhân khiến biên giới nhiều nước châu Phi thẳng tắp như ngày nay.

Trong số 14 quốc gia tham gia Hội nghị Berlin, có 6 nước ra về mà không được chia bất kỳ lợi ích nào ở châu Phi, bao gồm Áo – Hung, Nga, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Mỹ. Không có đại diện nào từ châu Phi được Đức mời dự họp.

Kết thúc vào ngày 26/2/1885, Hội nghị Berlin là khởi nguồn của quá trình bành trướng và cạnh tranh thuộc địa châu Phi của những nước châu Âu trong hàng thập kỷ sau đó. Đến năm 1914, 90% châu Phi chịu sự cai trị của các nước châu Âu, chỉ có Ethiopia và Liberia vẫn còn độc lập. Năm 1936, Ethiopia bị Italia xâm chiếm, theo Economist.

Vào những năm 1960, châu Phi đã bị chia cắt thành hơn 50 quốc gia. Phong trào giành độc lập ở châu Phi lúc này cũng bùng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau khi đánh đuổi thế lực xâm lược, các nước châu Phi non trẻ lại không muốn phân định lại biên giới.

“Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã nói vào những năm 1960 rằng: ‘Nếu chúng tôi chia lại biên giới, chúng tôi sẽ đối mặt với nguy cơ xung đột không thể lường trước’”, Michael Pesek – chuyên gia nghiên cứu châu Phi tại Đại học Erfurt (Đức) – cho biết.

Olyaemi Akinwumi – nhà sử học tại Đại học bang Nasarawa (Nigeria) – cho rằng, Hội nghị Berlin là một trong những nguồn cơn gây xung đột lãnh thổ ở châu Phi.

“Khi nghiên cứu lịch sử, chúng tôi nhận thấy rằng, khủng hoảng ở nhiều nước châu Phi có liên quan đến việc phân định biên giới từ Hội nghị Berlin. Biên giới giữa các nước khi đó được xác định mà không cần xem xét đến các yếu tố lịch sử - xã hội. Hội nghị Berlin đã gây ra những hậu quả không thể khắc phục đối với châu Phi”, ông Akinwumi nhận xét.

Người dân châu Phi đã phải sống hàng chục năm dưới ách cai trị của các nước phương Tây (ảnh: DW)

Người dân châu Phi đã phải sống hàng chục năm dưới ách cai trị của các nước phương Tây (ảnh: DW)

Theo History, Liên minh châu Phi (AU) đã nỗ lực giúp các nước châu Phi vẽ lại biên giới để tránh tranh chấp. Nhưng công việc này thực sự khó khăn và liên tục bị trì hoãn.

Năm 1998, Ethiopia và Eritrea đã xảy ra xung đột để tranh giành một thị trấn ở biên giới. Dựa trên các tấm bản đồ từ thời thuộc địa, mỗi bên đưa ra một cách giải thích khác nhau về biên giới của mình. Xung đột giữa Ethiopia và Eritrea chính thức kết thúc vào năm 2018.

Tranh chấp biên giới cũng xảy ra giữa các nước Nigeria và Cameroon, Mali và Burkina Faso, Congo và Uganda do cách phân chia biên giới tùy tiện từ thời thuộc địa, theo DW.

Năm 2010 – nhân kỷ niệm 125 Hội nghị Berlin – nhiều nước châu Phi đã kêu gọi Đức và một số nước châu Âu bồi thường. Các nước châu Phi cho rằng, việc phân chia biên giới một cách tùy tiện trong thời kỳ thuộc địa là “tội ác” và khiến tình hình châu Phi trở nên bất ổn.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga và phương Tây tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi

Lãnh đạo Nga, Pháp và Mỹ đang hướng tới châu Phi để tranh giành sự ủng hộ của các nước ở đây với lập trường của họ trong xung đột ở Ukraine. Một số người cho rằng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN