Biến chủng Delta "càn quét" thế giới: Nhóm nước tiêm chủng hàng đầu có gì khác biệt?

Theo WHO, biến chủng Delta đã xuất hiện ít nhất tại 85 quốc gia trên thế giới. 

Người dân tại một nhà hàng ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Người dân tại một nhà hàng ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Tờ SCMP hôm 30/1 đưa tin, Delta - biến chủng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là dễ lây lan nhất thế giới tính tới hiện tại - đang gây khó khăn cho các nước tiêm chủng chậm.

Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã tích cực kiểm soát đại dịch bằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, nhưng do năng lực sản xuất vắc-xin hạn chế và khó khăn khi tìm nguồn cung, nên vẫn bị biến chủng Delta xâm nhập mạnh.

Úc, nước được coi là một tấm gương điển hình cho việc chống dịch thành công, những ngày gần đây đã khiến 10 triệu người phải sống trong cảnh bị phong tỏa vì biến chủng Delta đã "càn quét" nhiều bang. 

Hôm 29/6, thành phố Brisbane bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa 3 ngày sau khi một nhân viên y tế chưa tiêm chủng bị nhiễm Covid-19. Trước đó, các lệnh phong tỏa tương tự được áp dụng ở các khu vực như Sydney, Perth và Darwin. 

"Trừ khi có tỷ lệ tiêm chủng cao, nếu không chúng ta vẫn mãi ở trong tình trạng bất ổn và dễ bị tổn thương do đại dịch", Hassan Vally, một nhà dịch tễ học tại Đại học La Trobe (Úc), nhận định. "Biến chủng Delta và những nguy cơ tiềm tàng mà nó gây ra là minh chứng thực tế rõ nhất cho nhận định trên". 

Biến chủng Delta, đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới, được cho là có khả năng lây lan cao hơn 60% so với biến chủng Alpha (phát hiện đầu tiên ở Anh). 

Hiện tại, chưa đến 5% dân số Úc được tiêm chủng đầy đủ kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng 2 năm nay. Con số này khiến Úc bị liệt vào danh sách những nước phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới. 

Tại Hong Kong, nơi chưa đến 20% dân số được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, giới chức hôm 28/6 đã cấm các chuyến bay từ Anh, nơi có 99% tổng số ca nhiễm mang biến chủng Delta. Động thái này được đưa ra sau khi giới chức y tế Hong Kong xác nhận ca nhiễm đầu tiên mang biến chủng Delta tại thành phố này. 

New Zealand, nơi mới tiêm chủng đầy đủ cho chưa đầy 10% dân số, tuần trước đã tạm ngừng "bong bóng du lịch" với Úc, trước khi khôi phục hoạt động du lịch không cách ly ở các bang và vùng lãnh thổ không bị ảnh hưởng bởi đợt lây lan mới nhất. 

Dù được ghi nhận là có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh lây lan và số ca tử vong hàng loạt, việc các nước kiểm soát đại dịch bằng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới dẫn đến một hệ lụy không mong muốn là thiệt hại về kinh tế và xã hội. 

Hồi tháng 5, Viện McKell, có trụ sở ở Sydney, Úc, ước tính, các biện pháp hạn chế biên giới của Úc gây thiệt hại hơn 150 triệu USD mỗi ngày, liên quan tới các hoạt động kinh tế không được diễn ra. 

Tại Hong Kong, GDP đã giảm kỷ lục trong 6 quý liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2020. Hôm 29/6, chứng khoán và tiền tệ châu Á đã tiệm cận mức thấp nhất trong nhiều tháng khi các nước áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mới để ngăn sự lây lan của biến chủng Delta. 

Dù có tính lây nhiễm cao và có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin cao hơn những biến chủng khác, sự phát triển của biến chủng Delta ở nhóm nước tiêm chủng hàng đầu có sự khác biệt so với nhóm tiêm chủng chậm.

Tại Anh, nơi hơn 80% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin Covid-19, các ca tử vong vì Covid-19 duy trì ở mức thấp dù số ca nhiễm mới vẫn tăng gấp 10 lần so với thời điểm cuối tháng 5. 

Dù các chuyên gia cảnh báo rằng, những trường hợp phải nhập viện và tử vong thường bị chậm lại vài tuần, nhưng thực tế không xảy ra việc tăng đột biến về số ca tử vong vì Covid-19. Hôm 28/6, nước Anh chỉ ghi nhận 3 ca tử vong vì Covid-19. 

Cuối tuần trước, Peter Horby, người đứng đầu nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus đường hô hấp của chính phủ Anh, chia sẻ với BBC Radio rằng, vắc-xin Covid-19 đã khiến sự liên kết giữa các ca nhiễm mới và ca tử vong "yếu đi rất nhiều", dù chưa bị phá vỡ hoàn toàn.  

Sajid Javid, người thay thế cựu Bộ trưởng Y tế Anh - Matt Hancock, hôm 28/6 cho biết, "ngày tự do" - ngày nước Anh gỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa - sẽ diễn ra theo kế hoạch vào ngày 19/7. Tân Bộ trưởng Y tế Anh nhấn mạnh, người dân phải học cách "sống chung" với Covid-19. 

Tại Israel, nơi các ca nhiễm Covid-19 mới đã tăng hơn 10 lần trong hai tuần qua dù 59% người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, quan chức y tế cho biết, mỗi ngày trong tuần qua, quốc gia Trung Đông này chỉ ghi nhận 1 hoặc không có ca tử vong nào.

Ngoài việc tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia các sự kiện trong nhà và tăng cường công tác kiểm dịch, tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã bác bỏ đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế mới, cam kết duy trì phương pháp "tiêm chủng thay vì phong tỏa". 

Nguồn: [Link nguồn]

Tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh: Chuyên gia khuyên gì?

Các chuyên gia cho biết, một người đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19 có thể xuất hiện các triệu chứng nhẹ hoặc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN