3 lý do khiến Ấn Độ khó "thoát khỏi cái bóng" của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia nhận định Ấn Độ khó có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong tương lai gần.

Poster kêu gọi tẩy chay các app điện thoại Trung Quốc. Ảnh: Getty

Poster kêu gọi tẩy chay các app điện thoại Trung Quốc. Ảnh: Getty

Một cuộc đụng độ biên giới với quân đội Trung Quốc ở khu vực Himalaya khiến 20 quân nhân Ấn Độ tử vong và gây xôn xao dư luận. Nhiều người Ấn Độ, bao gồm một số chính trị gia địa phương, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Vụ đụng độ cũng gây sức ép lên chính quyền Thủ tướng Narendra Modi khi phải đưa ra động thái đáp trả ngay cả khi chỉ huy quân sự cấp cao của 2 bên đang đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tuần trước, Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, động thái thu hút sự chú ý của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, CNBC hôm 6/7 dẫn lời các chuyên gia cho rằng rất khó để Ấn Độ có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và suy giảm mối quan hệ giữa 2 bên trong thời gian tới, vì New Delhi và Bắc Kinh liên kết khá chặt chẽ với nhau trong các thập kỷ gần đây.

Dữ liệu cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tới thương mại, đầu tư và công nghệ Ấn Độ tăng đáng kể trong những năm qua.

Thương mại

Mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc giai đoạn 2014-2020. Cột màu xanh: Nhập khẩu. Cột màu vàng: Xuất khẩu. Cột màu xám: Thâm hụt. Ảnh: CNBC

Mối quan hệ thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc giai đoạn 2014-2020. Cột màu xanh: Nhập khẩu. Cột màu vàng: Xuất khẩu. Cột màu xám: Thâm hụt. Ảnh: CNBC

Ấn Độ có mối quan hệ thương mại bất đối xứng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 2 của New Delhi, sau Mỹ.

Dữ liệu từ chính phủ cho thấy Ấn Độ nhập khẩu số hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 65 tỷ USD từ tháng 4/2019 tới tháng 3/2020 nhưng xuất khẩu sang Bắc Kinh số hàng hóa chỉ có giá trị 16,6 tỷ USD. Điều này khiến New Delhi bị thâm hụt thương mại hơn 48 tỷ USD với Bắc Kinh. Một số nguồn tin cho hay, Ấn Độ đang lên kế hoạch áp thuế bổ sung với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ấn Độ nhập khẩu các sản phẩm trung gian và thành phẩm từ Trung Quốc bao gồm:  máy móc, thiết bị điện tử, hàng điện tử tiêu dùng, hóa chất, dược phẩm và linh kiện điện tử.

"Giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc là việc nói dễ hơn làm. Ấn Độ cần phải có các chính sách trung và dài hạn phù hợp mới thực hiện được mục tiêu đó", Kunal Kundu, nhà kinh tế học Ấn Độ tại Công ty Societe Generale, chia sẻ với CNBC.

Ông Kundu giải thích, hầu hết hàng hóa Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc có thể được sản xuất trong nước. Chính phủ cần bổ sung các chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có thể sản xuất các mặt hàng đó.

Nhưng điều này cần thời gian để hiện thực hóa. Triển vọng kinh tế hiện tại vẫn ảm đạm khi Ấn Độ đang quay cuồng với hệ lụy từ việc phong tỏa chống dịch Covid-19, trong khi thực tế số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này vẫn tăng nhanh.

Theo ông Kundu, việc Ấn Độ tích hợp không đầy đủ với chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa, các công ty nước ngoài đang rời Trung Quốc sẽ không đặt New Delhi trong danh sách ưu tiên hàng đầu của họ.

"Ấn Độ có triển vọng để trở thành một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, còn trong ngắn hạn, New Delhi sẽ thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại (FTA) khác nhau", ông Kundu nhận định. Các FTA mà ông Kundu nhắc tới là hiệp định tự do thương mại mà Ấn Độ ký với các nước thuộc châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Mỹ La tinh.

Đầu tư

Đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Ấn Độ giai đoạn 2015-2020. Cột: giá trị. Đường: số hợp đồng. Ảnh: CNBC

Đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Ấn Độ giai đoạn 2015-2020. Cột: giá trị. Đường: số hợp đồng. Ảnh: CNBC

Đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Ấn Độ tăng trưởng đều đặn những năm gần đây, theo dữ liệu từ chính phủ Ấn Độ.

Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, có 42 hợp đồng trị giá 8,7 tỷ USD được đưa ra. Các nhà đầu tư là công ty Trung Quốc và bên được đầu tư là các công ty Ấn Độ. Mỗi hợp đồng có giá trị hơn 5 triệu USD, theo Mergermarket.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, một báo cáo được đưa ra hồi đầu năm bởi công ty tư vấn chính sách đối ngoại Gateway House cho hay. Tính tới tháng 3/2020, 18/30 công ty Unicorn (công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD) nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Gateway House đưa ra 3 lý do tại sao các công ty Trung Quốc thống trị không gian công nghệ non trẻ của Ấn Độ. Thứ nhất, không có các nhà đầu tư mạo hiểm lớn nào của Ấn Độ để mắt tới các công ty khởi nghiệp địa phương. Đây là một lỗ hổng mà Bắc Kinh tận dụng rất sớm khi tập đoàn khổng lồ Alibaba đầu tư vào Paytm năm 2015.

Thứ hai, Trung Quốc cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm cần thiết để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Ấn Độ đang thua lỗ. Sự đánh đổi cho thị phần là đáng giá. Thứ ba, đối với Trung Quốc, thị trường khổng lồ Ấn Độ có cả giá trị bán lẻ và chiến lược.

Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp hạn chế với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc trước vụ đụng độ ở biên giới hồi tháng 6. Những hạn chế với các khoản đầu tư từ Trung Quốc có thể gây trở ngại cho các công ty khởi nghiệp Ấn Độ trong thời gian tới vì họ sẽ phải tìm nguồn cung cấp vốn thay thế.

Công nghệ

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, Ấn Độ của Thủ tướng Modi chưa thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc của chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: CNN

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, Ấn Độ của Thủ tướng Modi chưa thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc của chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: CNN

Ấn Độ là một trong những thị trường người tiêu dùng kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới, với ngày càng nhiều người Ấn Độ tham gia trực tuyến mỗi ngày. Điều này biến Ấn Độ thành một thị trường sinh lời cực lớn cho các công ty công nghệ.

Các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay ByteDance phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Facebook, Amazon hay Google để tiếp cận người dùng Ấn Độ.

Ví dụ, Ấn Độ là một trong những thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, sau chính Trung Quốc. 4 trong 5 thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại Ấn Độ là của Trung Quốc, chiếm 80% thị trường, trong khi các thương hiệu "cây nhà lá vườn" của Ấn Độ chỉ chiếm 1%, theo Counterpoint Research.

"Rất khó để thay thế các hãng điện thoại thông minh của Trung Quốc vì sản phẩm của Ấn Độ không đa dạng", một nhà phân tích của Counterpoint Research chia sẻ với CNBC và nhấn mạnh các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Ấn Độ cần đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển để có bước đột phá nếu muốn cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Ấn Độ có thể áp dụng các biện pháp hạn chế trong một số lĩnh vực như viễn thông, nơi có sẵn các lựa chọn thay thế trong nước, các nhà phân tích nhận định. Điều đó có nghĩa, New Delhi có thể viện dẫn những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư để ngăn chặn những tập đoàn Trung Quốc như Huawei hay ZTE tham gia vào cơ sở hạ tầng viễn thông của đất nước.

"Động thái như vậy của Ấn Độ sẽ là một đòn đau vào tham vọng chiếm 1/4 thị trường Ấn Độ của các nhà cung cấp Trung Quốc", Counterpoint Research nhận định.

Tuy nhiên, CNBC nhận định, New Delhi rất rõ ràng khi không có ứng dụng nào trong số 59 ứng dụng Trung Quốc bị cấm hồi tuần trước thuộc về các công ty Ấn Độ có vốn đầu tư Trung Quốc.

Gateway House cho rằng Trung Quốc nhìn thấy một cơ hội mới ở Ấn Độ, với sự chuyển đổi tiềm năng sang lĩnh vực di động điện tử (các phương tiện di chuyển bằng điện). Trong khi Ấn Độ đang có những mục tiêu đầy tham vọng trong lĩnh vực xe điện, Trung Quốc đã thống trị thị trường cung ứng và sản xuất các linh kiện quan trọng cho lĩnh vực này.

Do đó, các nhà phân tích cho rằng bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung và chi phí đầu vào cao hơn, gây tổn thất cho kinh tế Ấn Độ, vốn bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Thế lưỡng nan của Trung Quốc khi đối đầu với Ấn Độ

Trung Quốc đánh giá thấp tiềm lực của Ấn Độ trong cấu trúc an ninh ở châu Á và có thể đánh giá này sẽ khiến nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - CNBC ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN