Thị trường chứng khoán thổi bay 9.000 tỷ USD tài sản của người Mỹ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cơn bão sụt giảm trên thị trường chứng khoán đã quét sạch hơn 9 nghìn tỷ USD tài sản của các hộ gia đình ở Mỹ, làm dấy lên quan ngại về nhiều hệ luỵ kinh tế xuất phát từ kênh đầu tư này.

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, giá trị cổ phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu quỹ người Mỹ nắm giữ hiện chỉ còn 33 nghìn tỷ USD vào cuối quý II, giảm từ mức 42 nghìn tỷ USD thời điểm đầu năm nay. Với việc các chỉ số tiếp tục giảm mạnh kể từ đầu tháng 7 và thị trường trái phiếu tiếp tục thua lỗ, các chuyên gia cho rằng thiệt hại của người Mỹ có thể lên tới 9,5 nghìn tỷ USD đến 10 nghìn tỷ USD.

Các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm có thể sớm bắt đầu lan rộng khắp nền kinh tế, gây thêm áp lực lên tài chính cá nhân của người Mỹ và có thể ảnh hưởng đến chi tiêu, vay nợ và đầu tư. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho biết những khoản lỗ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP thực gần 0,2 điểm phần trăm trong năm tới.

Trong đợt sụt giá này, những người giàu đang gánh khoản lỗ lớn nhất do nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu. Theo FED, top 10% người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8 nghìn tỷ USD tài sản trên thị trường chứng khoán trong năm nay, tương đương sụt giảm hơn 1/5 giá trị tài sản chứng khoán của mình. Đặc biệt, hơn 5 nghìn USD đã bị thổi bay khỏi tài sản của top 1% người giàu nhất. Trong khi đó, 50% người Mỹ ở nửa dưới thang bậc tài sản chỉ mất khoảng 70 tỷ USD trên sàn chứng khoán.

Các khoản lỗ này đánh dấu một sự đảo ngược mạnh và đột ngột đối với các cổ đông, những người đã chứng kiến của cải được tạo ra kỷ lục do giá cổ phiếu tăng vọt kể từ sau đại dịch. Từ mức thấp của thị trường vào năm 2020 đến đỉnh vào cuối năm 2021, giá trị tài sản chứng khoán của Mỹ đã tăng gần gấp đôi, từ 22 nghìn tỷ USD lên 42 nghìn tỷ USD.

Thị trường chứng khoán thổi bay 9.000 tỷ USD tài sản của người Mỹ - 1

Sự sụt giảm tài sản chứng khoán lần này cũng vượt xa con số 6 nghìn tỷ USD trong thời gian bắt đầu đại dịch vào năm 2020. Đây cũng là một trong những khoản lỗ lớn nhất từ ​​trước đến nay từng được ghi nhận.

Câu hỏi lớn được đặt ra là cổ phiếu giảm giá sẽ tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng như thế nào. Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng giàu có đã cắt giảm chi tiêu của họ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng “hiệu ứng của cải tiêu cực” - lý thuyết cho rằng sự suy giảm của cải dẫn đến suy giảm chi tiêu - có thể sớm bắt đầu gây ra ảnh hưởng, đặc biệt là nếu thị trường tiếp tục sụt giá.

Theo chuyên gia Mark Zandi của Moody’s Analytics, tài sản chứng khoán bị mất ở Mỹ có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng khoảng 54 tỷ USD trong năm tới. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng vì những người giàu sở hữu một lượng lớn cổ phiếu đã "tích lũy được khoản tiết kiệm dư thừa đáng kể trong thời kỳ đại dịch.” Theo đó, vì mức tiết kiệm quá lớn, họ sẽ không cảm thấy bị bắt buộc phải tiết kiệm nhiều hơn nữa khi lượng tài sản chứng khoán của mình giảm đi.

Trái với thị trường chứng khoán,  tài sản nhà ở của Mỹ đã tăng 3 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm lên 41 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, với việc lãi suất thế chấp tăng, giá nhà đã bắt đầu giảm hoặc hạ nhiệt ở nhiều thị trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Sinh viên gom tiền chơi chứng khoán: Tưởng thu quả ngọt ai ngờ ngậm trái đắng

2021 là một khởi đầu tốt cho những bạn sinh viên muốn bước chân vào lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, năm 2022 cũng nhắc nhở cho họ một bài học, kiếm tiền trên thị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hạnh (Theo CNBC) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN