Lối nào để thoát khỏi mạng xã hội?

Có thể bạn đã bị cuốn vào trào lưu sử dụng mạng xã hội và đang phải chịu sự phiền toái mà nó mang lại. Thoát khỏi nó được không và làm thế nào để bảo mật thông tin trên đó?

Những sự kiện gần đây như vụ xì-căng-đan Facebook thí nghiệm trên người dùng đã làm nổi lên mặt trái của mạng xã hội (MXH). Những điều xấu từ MXH mang đến không chỉ là thói “nghiện”, các hành vi cư xử xấu, ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoài đời cũng như sự nghiệp mà còn tệ hơn thế là việc người dùng đã vô tình tung các thông tin cá nhân của mình ra cho MXH tận dụng. Đó là một trong những lý do chính khiến nhiều người nghĩ đến việc từ bỏ MXH nhưng bỏ nó cũng không dễ chút nào! Vấn đề là làm sao sử dụng MXH mà bảo mật được thông tin của chính mình.

Luật bảo mật

Những ai dùng internet nên hiểu sự thật phũ phàng: Thông tin của người dùng luôn là một “mặt hàng” đắt giá, được tích cực thu thập và tận dụng triệt để. Từ các dịch vụ tìm kiếm như Google, Yahoo! cho đến MXH như Facebook, Twitter và các dịch vụ giải trí như YouTube đều liên tục thu thập thông tin của người dùng. Hoạt động này diễn ra đằng sau các tính năng mà các công ty mạng đem lại, ít khi người dùng để ý đến. Những thông tin đó có thể là các hoạt động của một người dùng, thói quen, yêu thích, phản ứng cho đến các thông tin liên lạc cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp… Các thông tin đó đều có giá trị cho các nhà nghiên cứu thị trường, quảng cáo.

Lối nào để thoát khỏi mạng xã hội? - 1

Bạn muốn từ bỏ Facebook? Không dễ đâu! (Ảnh: Norebbo)

Đã sử dụng mạng internet thì việc lộ thông tin là không thể tránh khỏi. Ngoài việc phải có ý thức những điều vừa nêu trên, quan trọng hơn cả là bạn cần phải biết không đưa lên mạng những thông tin nhạy cảm.

Một “luật vàng” nên nhớ: Chỉ chia sẻ trên mạng những thông tin mà bạn sẵn sàng chia sẻ với một người lạ. Có thể khi đã tham gia một MXH, bạn cần phải đưa ra nhiều thông tin để giúp bạn kết nối với người thân nhưng hãy luôn nhớ đến luật trên. Những thông tin như số điện thoại, địa chỉ, nơi làm việc, các thông tin của con trẻ... là những thứ cấm kỵ không nên đưa lên mạng. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý đến cách bình luận, đăng tải nội dung trên các diễn đàn, MXH, nơi ta có thể vô tình tung ra các thông tin này.

Một số tiện ích có thể giúp bạn tránh khỏi bị dòm ngó trên internet. Trong đó phải kể đến các tiện ích mở rộng cho trình duyệt web như Disconnect Ghostery (có trên Google Chrome và Firefox), cho phép ngăn cấm các trang web theo dõi thông tin người dùng thông qua các plugin của MXH. Nếu thực sự muốn tìm kiếm và sử dụng những dịch vụ, trang web mà bạn không muốn ai biết thì nên sử dụng proxy - chế độ “giấu mặt” trên các trình duyệt (được gọi là Incognito tab trên Google Chrome và Private Windows trên Firefox) - sẽ thỏa mãn nhu cầu của bạn.

Sử dụng các dịch vụ bảo mật hơn

Giải pháp tối ưu để bảo mật thông tin là bạn phải rời bỏ hoàn toàn các MXH - dịch vụ “xấu tính” - và chuyển sang sử dụng các dịch vụ bảo mật hơn.

Bước đầu tiên, bạn phải làm là xóa các thông tin của mình khỏi các MXH và dịch vụ mà bạn đã lỡ xài. Đây là một công đoạn đòi hỏi khá nhiều công sức và chậm chạp. Ví dụ: Với MXH Facebook cho phép bạn xóa tài khoản của mình hoàn toàn nhưng nút xóa này được “giấu” khá kỹ. Một chức năng dễ thấy hơn lại là “Deactivate your account” nằm dưới mục Security trong menu Setting nhưng tính năng này chỉ đơn giản là tạm khóa tài khoản, Facebook vẫn giữ tất cả thông tin của người dùng phòng trường hợp người dùng quay trở lại sử dụng.

Lối nào để thoát khỏi mạng xã hội? - 2

Để xóa tài khoản Facebook hoàn toàn, bạn phải vào đường dẫn https://www.facebook.com/help/delete_account. Thậm chí, khi bạn đã làm như thế, bước này cần tới 90 ngày để hoàn tất. Bạn sẽ phải trải qua nhiều bước như thế để xóa các tài khoản của mình trên tất cả MXH. Có rất nhiều trang web chỉ dẫn cách xóa cho từng dịch vụ một, trong đó có “ứng cử viên” tiêu biểu là trang http://justdelete.mehttp://www.accountkiller.com/en với giao diện dễ sử dụng, liệt kê đường dẫn trực tiếp đến từng trang xóa tài khoản. Bạn nên tìm kiếm các thông tin về mình qua các bộ máy tìm kiếm như Google để biết được các thông tin này đã bị tiết lộ ở đâu. Sau đó bạn có thể liên lạc với hỗ trợ kỹ thuật của các dịch vụ tìm kiếm này để xóa dữ liệu liên quan đến mình.

Cũng đừng nên sử dụng các dịch vụ nhắn tin miễn phí như Viber, Line hay WhatsApp bởi việc đầu tiên bạn làm là tiết lộ số điện thoại của mình. Bạn nên có một số điện thoại dành riêng cho công việc và số điện thoại khác dành cho cuộc sống riêng tư. Đừng sử dụng thông tin thật, chỉ nên dựa vào các thông tin ẩn danh, tên giả và phải tuân theo “luật vàng” nêu trên.

Trên thực tế, dù có thể bạn đã cố gắng “bảo mật” tuyệt đối nhưng vẫn có nhiều loại thông tin gần như không có khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu cố gắng, bạn cũng có thể thoát khỏi MXH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hạo (Người lao động)
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN