Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng

Có tốc độ hàng triệu tỷ phép tính mỗi giây cùng ứng dụng quan trọng, mỗi bộ siêu máy tính dưới đây có giá 2-26 nghìn tỷ đồng.

1. IBM Roadrunner giá 130 triệu USD

Dàn máy tính Roadrunner do IBM phát triển cho Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico, Mỹ. Nó bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2008, với hiệu suất xử lý cực đại về mặt lý thuyết 1.7 PetaFLOPS (1,7 triệu tỷ phép tính/giây). Thực tế, vào ngày 25.5.2008, Roadrunner đã đạt được 1.026 PFLOPS, trở thành siêu mánh tính đầu tiên đạt tốc độ trên 1.0 PFLOPS theo chuẩn xếp hạng TOP500 Linpack. Thậm chí tới tháng 11.2008, Roadrunner còn đạt tới hiệu suất thực 1.456 PFLOPS.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 1

Trong khi đó, theo danh sách Supermicro Green500, Roadrunner là siêu máy tính tiết kiệm năng lượng nhất thuộc thế hệ thứ tư. Tới ngày 31.3.2013, Roadrunner nghỉ hưu và được thay thế bằng một siêu máy tính nhỏ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn là Cielo. Trong suốt thời gian hoạt động của mình Roadrunner đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập mô hình vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Bộ máy tính này lúc đó có giá lên tới 130 triệu USD (2,8 nghìn tỷ đồng).

2. Vulcan BlueGene/Q giá 100 triệu USD

Vulcan cũng là một siêu máy tính do IBM phát triển dành cho Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) và được đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở Livermore, California, Mỹ. Máy tính có khả năng đạt tốc độ tính toán tới 5 PetaFLOPS, và hiện nay Vulcan là một trong số 9 siêu máy tính nhanh nhất trên thế giới.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 2

Siêu máy tính Vulcan bắt đầu được sử dụng vào năm 2013 để nghiên cứu sinh học, vật lý học plasma, khoa học khí hậu, nghiên cứu các vật thể phức tạp và sử dụng hỗ trợ cho các nhiệm vụ của DOE cũng như của Cục quản lý An ninh Hạt nhân Mỹ.

Bộ máy tính này có giá đắt tới 100 triệu USD (2,2 nghìn tỷ đồng).

3. SuperMUC của Đức trị giá 111 triệu USD

Trong năm 2013, SuperMUC là chiếc máy tính nhanh thứ 10 trong top máy tính nhanh nhất thế giới, đến nay máy tính này đứng thứ 14 và là siêu máy tính nhanh thứ hai ở Đức sau JUQEEN. SuperMUC đang đuwọc điều hành bởi Trung tâm Siêu máy tính Leibniz ở Viện Hàn lâm Khoa học Bavar gần Munich.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 3

Đây cũng là sản phẩm do IBM phát triển, chạy hệ điều hành Linux, sở hữu tới 19.000 bộ vi xử lý Intel và Westmere-EX, và đạt tốc độ hơn 3 PFLOPS. Điểm đặc biệt của SuperMUC ở chỗ là bộ làm mát Aquasar sử dụng nước để hạ nhiệt cho các bộ vi xử lý, giúp giảm năng lượng điện sử dụng cho việc này lên tới 40%.

Siêu máy tính này được các nhà nghiên cứu châu Âu sử dụng vào rất nhiều lĩnh vực, gồm y học, vũ trụ học, khoa học sự sống, hóa học, phân tích gene và các mô phỏng động đất. Bộ máy trị giá 111 triệu USD (khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng).

4. Trinity của Mỹ trị giá 174 triệu USD

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 4

Đây là bộ siêu máy tính thuộc dòng siêu máy tính CrayXC được Chính phủ Mỹ đặt hàng hãng sản xuất Cray với trị giá 174 triệu USD (3,8 nghìn tỷ đồng) để dùng cho Cục Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA). Trinity sẽ dùng để giữ an ninh, an toàn và hoạt động hiệu quả cho kho vũ khí hạt nhân Mỹ.

5. Sequoia BlueGene/Q của Mỹ trị giá 250 triệu USD

BlueGene/Q do IBM phát triển, cũng dành cho NNSA, bắt đầu hoạt động vào tháng 6.2012 tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, và trở thành siêu máy tính nhanh nhất thế giới, với tốc độ đạt 20 PFLOPS.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 5

Đây cũng là siêu máy tính đầu tiên vượt qua ngưỡng hoạt động ổn định ở tốc độ 10 PFLOPS. Sequoia được dùng trong nhiều lĩnh vực như điện sinh, vũ trụ học, năng lượng, nghiên cứu gene người, biến đổi khí hậu và đương nhiên cả lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Máy tính có giá lên tới 250 triệu USD (5,4 nghìn tỷ đồng).

6. ASC Purple và BlueGene/L của Mỹ giá 290 triệu USD

Hai siêu máy tính này được DOE của Mỹ đặt hàng từ IBM vào năm 2002 với giá 290 triệu USD (6,3 nghìn tỷ đồng). Cả hai bắt đầu được sử dụng tại Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore vào năm 2005 và nghỉ hưu vào năm 2010.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 6

Tại thời điểm đó, ASC Purple là siêu máy tính xếp thứ 66 theo xếp hạng TOP500, còn BlueGene/L xếp top 10 theo danh sách TOP500. Các máy tính này đều được sử dụng vào các nghiên cứu của NNSA và các lĩnh vực khoa học quan trọng khác như dự báo biến đổi khí hậu, nghiên cứu môi trường.

7. Sierra và Summit của Mỹ trị giá 325 triệu USD

Hai siêu máy tính này sẽ do Nvidia và IBM đồng phát triển nhằm giúp Mỹ lấy lại vị trí đầu bảng về công nghệ tính toán, nghiên cứu kho học và đảm bảo an ninh quốc gia. Dự kiến bộ đôi máy tính Sierra và Summit sẽ được thiết lập vào năm 2017.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 7

Động thái này của ngành công nghiệp máy tính Mỹ nhằm vượt qua đối thủ là siêu máy tính Tianhe-2 của Trung Quốc. Hiện máy tính này đang giữ vị trí đứng đầu về siêu máy tính nhanh nhất thế giới với tốc độ 55 PFLOPS. Tuy nhiên Sierra sắp tới sẽ chạy với tốc độ khủng khiếp 100 PFLOPS và Summit còn gây sốc hơn với tốc độ 300 PFLOPS.

Trong khi Sierra sẽ được sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của chương trình hạt nhân quốc gia của Mỹ, thì Summit sẽ được sử dụng cho các ứng dụng khoa học có giá trị trên khắp thế giới.

8. Tianhe-2 của Trung Quốc trị giá 390 triệu USD

Như đã đề cập ở trên, Tianhe-2 (Thiên Hà-2) của Trung Quốc là máy tính nhanh nhất hiện nay trên thế giới. Thiên Hà-2 do 1.300 nhà hoa học và kỹ sư phát triển, hiện đang được vận hành tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Quảng Châu, Trung Quốc. Từ năm 2013, Thiên Hà-2 đã đứng đầu bảng trong TOP500 siêu máy tính nhanh nhất.

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 8

Thiên Hà-2 được Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đứng ra chủ trì thiết kế ngay sau khi Mỹ cấm Intel xuất khẩu một số thành phần bộ vi xử lý quan trọng. Điều đó đã kích thích Trung Quốc tự phát triển siêu máy tính cho riêng mình.

Siêu máy tính này có thể thực hiện 33,86 triệu tỷ phép tính mỗi giây. Nếu tính toán cơ học thì một giờ tính toán của Thiên hà-2 sẽ tương đương với 1.000 năm để 1,3 triệu người tổng kết lại. Hiện bộ máy tính này được sử dụng cho các mô phỏng, phân tích và các ứng dụng an ninh của chính phủ.

9. Earth Simulator của Nhật Bản trị giá 500 triệu USD

Earth Simulator (ES) đuwọc chính phủ Nhật Bản đầu tư phát triển từ năm 1997 và hoàn thành vào năm 2002, với trị giá 500 triệu USD (10,8 nghìn tỷ đồng).

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 9

Bộ siêu máy tính này được thiết kế cho Cơ quan Khám phá Hàng không vũ trụ, Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử và Trung tâm Khoa học-Công nghệ Biển của Nhật Bản khai thác vào các nhiệm vụ xây dựng mô hình khí hậu toàn cầu, đánh giá ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu và nhiều lĩnh vực liên quan đến khoa học trái đất.Trong suốt những năm 2002-2004, ES là siêu máy tính nhanh nhất thế giới.

10. Fujitsu K của Nhật Bản trị giá 1,2 tỷ USD

Fujitsu K là siêu máy tính nhanh thứ tư trên thế giới với tốc độ về mặt lý thuyết đạt 11 PFLOPS và có giá đắt nhất thế giới 1,2 tỷ USD (khoảng 26 nghìn tỷ đồng).

Điểm danh 10 bộ máy tính có giá hàng nghìn tỷ đồng - 10

Trước đó vào tháng 11.2011, K từng là siêu máy tính nhanh nhất thế giới và nhanh hơn so với siêu máy tính ES của Nhật Bản 60 lần. Tuy nhiên sau thời gian vận hành, hiện K chỉ có giá khoảng 10 triệu USD.

Nó cũng là siêu máy tính tiêu tốn điện năng khủng khiếp khoảng 9.89 MW, tương đương khoảng điện tiêu thụ của 10.000 ngôi nhà ở vùng ngoại ô hoặc 1 triệu máy tính để bàn cùng hoạt động một lúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Biên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN