Xuất khẩu xe máy, Việt Nam được gì?
Sau 2 năm thụt lùi doanh số, ngành Công nghiệp xe máy Việt Nam khó trở thành trung tâm sản xuất xe máy hàng đầu thế giới vào năm 2015 như quy hoạch của Bộ Công thương đã từng phê duyệt.
“Sân nhà” chật, tìm “sân ngoại”
Ngành Công nghiệp xe máy Việt Nam đang gặp khó khăn do thị trường sụt giảm. Đã hai năm liên tiếp, thị trường xe máy sụt giảm doanh số bán hàng: Năm 2011, có khoảng 3,3 triệu xe máy được bán ra thì con số này trong năm 2012 là 3,11 triệu xe và năm 2013 chỉ còn 2,8 triệu xe. Dự báo, năm 2014 tiếp tục là năm ế ẩm của thị trường xe máy trong nước. Bởi theo Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, lượng xe máy lưu hành trên cả nước tại thời điểm tháng 7/2012 đã vượt con số 35,2 triệu chiếc. Với dân số khoảng 90 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe máy lúc đó cũng đã đạt mức 2,54 người/chiếc, tức đã tới ngưỡng bão hòa.
Khi thị trường trong nước bão hòa, các nhà sản xuất xe máy Việt chọn hướng đi xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Phi như: Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Philippines, Pakistan, Nhật Bản, Angola... Piaggio Việt Nam cũng đặt mục tiêu xuất sang thị trường các nước Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Úc, Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đài Loan, Philippines và châu Âu... SYM Việt Nam cũng duy trì xuất 3.000 - 4.000 xe/năm sang các nước Malaysia, Philippines, Singapore, Indoneisia, Myanma, Lào, Campuchia... Công ty Yamaha Việt Nam cũng cho biết, các mẫu xe Sirius FI và Nouvo SX Fi cũng đã có mặt ở các nước Đông Nam Á.
Thị trường xe máy trong nước đã ở ngưỡng bão hòa với gần 40 triệu chiếc đang lưu hành
Có tiếng, liệu có miếng?
Tuy các liên doanh xe máy Việt khẳng định thế mạnh xuất khẩu, với con số hàng chục ngàn xe xuất đi mỗi năm, nhưng nhìn vào thực tế hoạt động của các liên doanh Việt Nam trong năm 2013 và hiện nay, cũng có thể thấy hướng đi này không thể tạo “sức bật” cho ngành công nghiệp xe máy Việt. Trong năm 2013, hai nhà máy của Honda Việt Nam ở Vĩnh Phúc đã phải cắt giảm 500 lao động vì tiêu thụ xe máy giảm mạnh. Nhà máy thứ 3 của liên doanh này tại Hà Nam dự kiến đi vào sản xuất từ đầu năm 2012 đã phải lùi lại đến quý II/2014. Và “khi nhà máy này đi vào hoạt động thì số lượng lao động tại hai nhà máy cũ tại Vĩnh Phúc sẽ phải tiếp tục cắt giảm, để không xảy ra tình trạng hàng nằm kho”.
Tháng 8/2013, Bộ Nội vụ có Quyết định 996/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Công thương và Bộ Tư pháp. Việc thành lập Hiệp hội lần này nhằm giúp các nhà sản xuất xe máy Việt có một tiếng nói chung để vận động hành lang chính sách công nghiệp nhất quán và một môi trường cạnh tranh công bằng. |
Cũng trong cảnh hoạt động cầm chừng, các nhà máy của Yamaha Việt Nam, SYM Việt Nam, Piaggio Việt Nam... đều rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Yamaha Việt Nam năm 2013 chỉ tiêu thụ 650.000 xe, trong khi 2 nhà máy của Yamaha có công suất 1,5 triệu xe/năm. SYM Việt Nam với 2 nhà máy sản xuất xe máy tại Đồng Nai với công suất 300.000 xe/năm, Piaggio Việt Nam với công suất 300.000 xe/năm... cũng đang thừa công suất không dưới 50%.
TS. Kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Khi thị trường trong nước đã bão hòa thì xuất khẩu là tất yếu. Nhưng việc xuất khẩu xe máy cũng không hề dễ dàng bởi hiện Việt Nam không có thương hiệu xe máy nội 100% vốn đầu tư trong nước, nếu xuất khẩu thì cũng chỉ là với sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các liên doanh xe máy Việt Nam đều là công ty con của các Tập đoàn lớn, và Tập đoàn sẽ cân nhắc khả năng lắp ráp, sản xuất ở nước nào có lợi nhất, nếu thị trường xuất khẩu có lợi, họ dễ dàng đặt nhà máy tại nước sở tại. “Do đó, nếu chỉ nhìn vào con số xuất khẩu xe mà không nhìn vào tỷ lệ nội địa hóa, thì chưa chắc xuất khẩu xe máy đã đem lại nguồn lợi cho Việt Nam”, đó là điều mà nhiều chuyên gia khuyến cáo.