Xăng tăng đột ngột: Dân và chuyên gia bức xúc

Trong khi Bộ Công Thương đang trưng cầu ý kiến vào dự thảo Nghị định 84 kinh doanh xăng dầu sửa đổi thì giá bán lẻ mặt hàng này đột ngột tăng gần 600 đồng/lít, gây bức xúc trong người dân và các chuyên gia.

Xăng đột ngột tăng giá 600 đồng/lít

Sau quyết định của Bộ Tài chính các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vừa được phép tăng giá xăng lên thêm 600 đồng/lít. Cụ thể, từ 2 giờ chiều 18/12, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) đã điều chỉnh lên mức 24.210 đồng một lít xăng.

Cùng với việc cho tăng giá, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp ngừng trích quỹ bình ổn (200-300 đồng một lít) đối với xăngdầu hỏa và dầu diesel. Lợi nhuận định mức đối với các đơn vị kinh doanh 3 mặt hàng này cũng được cắt giảm, không tính vào giá cơ sở. Riêng dầu hỏa, do lượng bán không nhiều và mức chênh lệch giữa giá cơ sở và bán ra lớn, được tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn như hiện hành (700 đồng một lít).

Theo số liệu của cơ quan quản lý, giá xăng dầu thế giới trong vòng 30 ngày qua liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Diễn biến này khiến giá cơ sở cao hơn mức bán lẻ trong nước 914 -1.414 đồng một lít. Số dư Quỹ Bình ổn giá cũng chỉ còn lại 72 tỷ đồng (tính đến 10/12), có 7 doanh nghiệp bị âm.

Xăng tăng đột ngột: Dân và chuyên gia bức xúc - 1

Giá xăng tăng khiến người tiêu dùng trở tay không kịp

Như vậy, trong năm 2013, giá xăng dầu đã có 5 lần tăng, 6 lần giảm. Gần đây nhất là ngày 17/7, khi giá xăng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử - 24.570 đồng một lít RON 92.

Bệnh mãn tính chưa có thuốc chữa

TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) phản ứng trước việc giá xăng tăng bất ngờ: Giá xăng tăng vào thời điểm cuối năm không khác gì “hành” người dân. Thời điểm này các doanh nghiệp đang vào mùa sản xuất, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng: Không ai cấm chuyện tăng giá, tăng vẫn phải tăng nhưng phải minh bạch. Lâu nay chúng ta có công khai nhưng rõ ràng là chưa minh bạch.

Giá thành đầu vào của xăng dầu vẫn không ai biết chính xác là bao nhiêu, quỹ bình ổn vẫn để ở doanh nghiệp, giá tăng giảm bao nhiêu vẫn do doanh nghiệp đề xuất… Đây là câu chuyện vô lý tồn tại 10 năm nay rồi và giờ trở thành căn bệnh mãn tính: Tăng nhiều giảm ít, tăng nhanh giảm chậm… Xăng dầu cũng như điện, nước đều vẫn độc quyền nên là sự chi phối của nhóm lợi ích. Cho dù có cơ chế xin phép nhưng vẫn chỉ là “nửa nạc, nửa mỡ”.

"Không ai cấm chuyện tăng giá, tăng vẫn phải tăng nhưng phải minh bạch. Lâu nay chúng ta có công khai nhưng rõ ràng là chưa minh bạch”Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Xung quanh việc sửa Nghị định 84, các chuyên gia cho rằng: “Cứ sau mỗi lần sửa đổi, doanh nghiệp lại được tăng thêm quyền. “Tháng 11, bản dự thảo lần 4: Doanh nghiệp được điều chỉnh giá trong biên độ giá cơ sở biến động 5%. Nay, qua mấy lần sửa đổi nữa, biên độ 5% được tăng lên 7%”.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, phương án được đưa ra lấy ý kiến lần này khác hẳn với các lần dự thảo trước. Như vậy cơ quan soạn thảo có khả năng đặt người dân vào cảnh phải lựa chọn 2 trong 1. Trong bản dự thảo cũ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, doanh nghiệp chỉ được tăng giá trong phạm vi 5%. Nay bản mới lại nới rộng biên độ 7%. Chắc chắn người dân sẽ không đồng tình với bản dự thảo mới vì ưu tiên thiên lệch cho doanh nghiệp. Khi chê phương án 7%, tức là đồng tình với phương án 5%. Trong khi cả 2 phương án đều không thuận. “ Tôi có cảm giác ban soạn thảo chỉ làm động tác giả là trưng cầu ý kiến mà thôi”.

Ông Nguyễn Văn Hưng- Giám đốc Công ty Du lịch Thương Mại Hùng Cúc: Áp lực lớn cho doanh nghiệp vận tải“Giá xăng, dầu diesel tăng vào thời điểm này là áp lực đối với doanh nghiệp vận tải như chúng tôi. Với 20 đầu xe chạy các tuyến cố định có chiều dài khác nhau nên tôi chưa tính ngay được chi phí tăng thêm nhưng buộc DN phải tính đến việc tăng giá cước vận tải, mức tăng có thể là 10 – 15%. Tính đến việc tăng giá này hoàn toàn do tình hình thực tế tăng nhiên liệu chứ không phải tăng cùng với đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán. Hiện chúng tôi chưa tính đến việc tăng giá vé đợt Tết Nguyên đán. Nếu có tăng giá cước vận tải cũng chưa thể thực hiện được ngay, DN sẽ phải xin phép 3 cơ quan là Sở Tài chính, Sở GTVT và Cục Thuế, tiếp đó mất thêm vài ngày để in lại giá vé”.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội: Sẽ phải tính toán kỹ lưỡng

“Giá xăng, dầu diesel mới tăng vào buổi chiều, tôi chưa nhận được thông tin phản hồi từ các thành viên. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi thấy các DN sẽ phải tính toán kỹ lưỡng trước quyết định có tăng giá cước vận tải hay không. Bởi biên độ tăng giá xăng, dầu lần này không quá lớn để quyết định việc tăng giá ngay. Thứ hai, quy trình để xin phép được tăng giá cũng rất mệt mỏi. Các đơn vị vận tải sẽ phải tính toán nhiều yếu tố chi phí khác tác động cùng với việc tăng giá xăng, dầu để đưa ra quyết định. Ở thời điểm bây giờ, tôi chưa nhận được ý kiến của đơn vị nào về việc sẽ tăng giá cước”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà – Vinh Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN