Trung Quốc cũng tự nuôi, cá tra Việt hết "một mình một chợ"

Sự kiện: Kinh Doanh

Hiện nhiều nước có thể tự sản xuất được cá tra nên áp lực cạnh tranh của con cá tra Việt ngày càng lớn. Để xuất khẩu có lời, người dân và doanh nghiệp phải giảm tối đa chi phí sản xuất, làm sao để cạnh tranh giá đầu vào, không cạnh tranh giá đầu ra.

Nuôi ngoài quy hoạch rước lỗ

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, tỉnh An Giang hiện có trên 1.100ha diện tích nuôi cá tra, trong đó diện tích của doanh nghiệp là 850ha (chiếm 74%), hộ dân tự nuôi 210ha (chiếm 18%), diện tích hộ nuôi có liên kết 92,5ha (chiếm 8%). Việc giá cá giảm trong thời gian qua đã làm cho các hộ dân tự thả nuôi gặp nhiều khó khăn.

Cần tăng cường công nghệ chế biến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà nhập khẩu. Ảnh: Huỳnh Xây.

Cần tăng cường công nghệ chế biến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà nhập khẩu. Ảnh: Huỳnh Xây.

“Tỉnh An Giang có đến 18% hộ nuôi cá tra chưa liên kết chuỗi nên hạn chế tiếp cận thông tin thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Các hộ này luôn chịu rủi ro cao khi thị trường biến động. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn cá bột, cá tra giống không có truy xuất nguồn gốc, chất lượng kém cũng dẫn đến việc cá thương phẩm đạt tỷ lệ sống thấp, chi phí giá thành sản xuất cao” - ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết.Theo ông Lâm, việc phối hợp giữa các tỉnh, thành ở ĐBSCL thời gian qua chưa tốt nên kế hoạch sản xuất ngành hàng cá tra chưa mang tính liên vùng, chưa đồng bộ. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu việc đào ao ngoài quy hoạch, dẫn đến việc phát triển “nóng” trong nuôi cá tra thương phẩm. Cũng theo ông Lâm, thời gian qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu cá tra của ĐBSCL.

Huyện Tân Hồng, Tam Nông, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự có diện tích nằm ngoài vùng quy hoạch tăng cao. Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, tình trạng trên kéo theo việc đào ao nuôi cá tràn lan, không theo vùng đã được quy hoạch. Khi thị trường tiêu thụ gặp khó, những hộ thả nuôi vùng ngoài quy hoạch cũng khó khăn.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo đẩy nhanh việc cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.

Cũng theo ông Hùng, cuối tháng 10 tới, tại thị xã Hồng Ngự, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp với Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức lễ hội cá tra Việt Nam 2019. Một trong những nội dung quan trọng trong lễ hội này là tổ chức hội thảo chuỗi ngành hàng cá tra để người dân, cơ quan chức năng tìm ra tiếng nói chung, đưa ra các giải pháp, định hướng phát triển đối với ngành hàng này.

Trung Quốc cũng tự nuôi, cá tra Việt hết "một mình một chợ" - 2

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam:

Bùng phát “trào lưu” ương cá giống khiến giá giảm

“Giá cá tra giống hiện giảm chỉ còn bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2018, gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị sản xuất, nhất là đối với hộ dân đào ao ương giống cá này từ cuối năm 2018 đến nay. Trước đó, khi giá tăng cao vượt mức dự báo của những người nuôi cá, đã làm nên sự bùng nổ phong trào ương cá giống. Việc làm này làm cho cá tra giống tăng đột biến và kéo theo những rủi ro về thị trường. Rủi ro này sẽ khiến những hộ mới ương cá giống lỗ nặng và sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian dài tới. Riêng những hộ sản xuất lâu năm, có nguồn cá giống chất lượng, nhiều người vẫn tìm đến mua nên không bị ảnh hưởng lớn”.

Giá có thể tăng vào tháng 9, 10

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, sở dĩ giá cá tra giảm mạnh là do nguồn cung dư thừa. “Nguồn cung là yếu tố chính làm cho giá cá giảm. Cụ thể, năm 2018, sản lượng cá tra đã tăng hơn 20% so với năm 2017, sản lượng này tiếp tục gia tăng trong quý I/2019” – ông Dũng nói.

Giá giảm khiến cho nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.X

Giá giảm khiến cho nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.X

Ông Dũng thông tin, về mức thuế ở phía Mỹ, các doanh nghiệp xuất sang đây hưởng mức thuế thấp, ổn định, không có gì thay đổi trong những tháng đầu năm 2019. Theo dõi từ năm 2016 đến nay, ông Dũng khẳng định, việc áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng lớn đến thị trường cá tra Việt Nam.

Đối với thị trường Trung Quốc, ông Dũng cho hay, phần lớn là do điều chuyển về phương thức mua bán. Trước đây, Trung Quốc cho phép nhập khẩu tiểu ngạch, theo đó Việt Nam đã xuất khẩu rất nhiều qua thị trường này. Khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, yêu cầu hàng phải xuất chính ngạch với những tiêu chuẩn không thấp hơn các nước khu vực châu Âu nên việc xuất khẩu cá qua đây gặp khó. Việc này, phải mất một thời gian không ngắn để các doanh nghiệp điều chỉnh, sau đó thị trường sẽ ổn định lại.

Đồng Tháp là tỉnh sản xuất giống cá tra lớn nhất ĐBSCL, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 13 tỷ cá bột và 1,2 tỷ cá giống phục vụ nuôi thương phẩm cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, giá thấp như hiện nay (từ 16.000 - 20.000 đồng/kg đối với cá tra giống 20 ngày tuổi) khiến người nuôi cá tra giống thua lỗ nặng. Để tránh tình trạng cá tra giống lên xuống bất thường, UBND tỉnh Đồng Tháp định hướng cho các hộ và doanh nghiệp nuôi hướng đến mô hình liên kết sản xuất cá giống chất lượng cao và sản xuất tập trung tại 4 địa phương gồm: Thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành.

“Xuất khẩu cá tra ra thị trường nước ngoài giống như cuộc chiến cân não, tác động nhiều đến tâm lý. Do đó, người trong cuộc phải có sự hiểu biết, quyết đoán chính xác thì mới có thể tồn tại, phát triển” - ông Dũng nói.

Ông Dũng nói thêm: “Mặc dù nguồn cung lớn nhưng ít nhất chúng ta tiêu thụ một phần sản lượng khá lớn ở những tháng đầu năm. Gần đây, sản lượng thu hoạch mới đã thấp rồi, thấp nhất so với chu kỳ nhiều năm. Vì vậy, có thể đến tháng 9, tháng 10, giá cá khôi phục trở lại”.            

Liên quan đến việc xuất khẩu cá tra, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam thông tin, sản lượng xuất khẩu giảm chủ yếu ở Trung Quốc, còn ở Mỹ và các thị trường khác vẫn duy trì.  Ông Thắng cho rằng, ngày xưa cá tra Việt Nam “một mình một chợ”, tưởng rằng độc quyền nhưng không phải, hiện Trung Quốc đã tự nuôi được, làm giảm sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là bài học lớn trong nuôi trồng thuỷ sản khi thị trường mới nổi lên, thị trường của ta bị o ép.

“Hàng chục năm qua, cơ bản giá cá tra không lên được, nó chỉ lên ở khoảng thời gian ngắn thôi, còn tổng thể vẫn giảm. Hiện nay, sản phẩm cá tra nhiều nơi có nên nó sẽ tiếp tục bị giữ giá. Vì vậy, chúng ta đừng mong giá lên mà hãy nghĩ làm sao giảm tối đa chi phí sản xuất, làm sao để cạnh tranh giá đầu vào chứ đừng cạnh tranh giá đầu ra. Nói thêm là, phải hàng chục năm, nước ta mới làm được cá tra giống nhưng Trung Quốc chỉ cần 2 - 3 năm thôi. Đây là nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chúng ta phải rút kinh nghiệm, phải cải tiến, đổi mới” – ông Thắng chia sẻ.

Để hạn chế những khó khăn của bà con nông dân nuôi cá, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, mới đây đã có kiến nghị với Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cho người nuôi khôi phục sản xuất, không phải “bơm tiền” cho doanh nghiệp mỗi khi muốn giải cứu con cá tra như trước đây.

Giá cá tra giảm lịch sử: Sau con số tỷ đô là... lỗ nặng

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra nước ta luôn lọt vào top các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Nhưng đằng sau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Xây ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN