Trồng ớt Hàn Quốc, nông dân miền núi Ninh Thuận lãi đậm

Sự kiện: Kinh Doanh

Ớt Hàn Quốc có thời gian sinh trưởng khá nhanh – chỉ xấp xỉ 3 tháng là thu hoạch, quả lại rất lớn, trên dưới 30 quả/kg.

Mô hình trồng ớt Hàn Quốc theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp được tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn đã giúp nông dân nghèo của địa phương này lãi đậm, kinh tế gia đình khấm khá hơn.

Cuối năm 2014, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tập đoàn C.J, Hàn Quốc phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai chương trình "Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn", với tổng kinh phí khoảng 1,8 triệu USD. Trồng ớt Hàn Quốc là một trong số các tiểu dự án của chương trình này, được thực hiện thí điểm tại thôn Tầm Ngân 2.

Đa phần đời sống của người dân thôn Tầm Ngân 2 dưới mức trung bình, từ trước đến nay chỉ quen canh tác theo kiểu truyền thống. Do vậy, khi triển khai dự án trồng ớt Hàn Quốc, đầu năm 2018, được chính quyền địa phương vận động, 34 xã viên của HTX dịch vụ Tầm Ngân tự nguyện tham gia, với tổng diện tích 12 ha.

Trồng ớt Hàn Quốc, nông dân miền núi Ninh Thuận lãi đậm - 1

Nông dân thôn Tầm Ngân 2 thu hoạch ớt.

Để bà con an tâm tham gia dự án, ngoài việc cung cấp giống ớt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ…, Tập đoàn C.J còn cử một số chuyên gia từ Hàn Quốc sang hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt theo hướng hiện đại cho nông dân; đồng thời thông qua HTX Tầm Ngân, tập đoàn này cam kết bao tiêu sản phẩm, với giá 11.000 đồng/kg ớt.

Ớt sau khi mua từ người dân được đưa đến xưởng sơ chế thành ớt bột tại địa phương. Mỗi năm, gia công khoảng 500 tấn ớt bột để đưa ra thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thấm phấn khởi cho biết gia đình ông trồng gần 5 sào ớt. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, vào tháng 2 năm nay, năng suất bình quân hơn 2 tấn/ sào. Theo bà Nguyễn Thị Bé, một trong số những nông hộ tham gia dự án, so với một số cây hoa màu khác, ớt Hàn Quốc có thời gian sinh trưởng khá nhanh – chỉ xấp xỉ 3 tháng là thu hoạch, quả lại rất lớn, trên dưới 30 quả/kg. "Nếu Tập đoàn C.J thu mua ổn định với giá 11.000 đồng/kg ớt thì sau khi trừ chi phí, bà con lãi từ 12 – 14 triệu đồng/sào/vụ" – bà Bé vui vẻ nói.

Trồng ớt Hàn Quốc, nông dân miền núi Ninh Thuận lãi đậm - 2

Ươm cây ớt theo kỹ thuật canh tác mới.

Theo lãnh đạo xã Lâm Sơn, trước đây, đa phần vườn rẫy của xã viên HTX dịch vụ Tầm Ngân đều trồng bắp. Nhiều bà con dân tộc khi đến mùa giáp hạt là thiếu ăn, phải chờ nhà nước cứu đói hoặc vay tiền để trang trải cuộc sống, tái sản xuất. "Sau khi dự án trồng ớt được triển khai, tất cả số hộ tham gia đều có mức thu nhập khá hơn rất nhiều. Với 1 sào ớt mà lãi hơn chục triệu đồng/vụ (3 tháng) là số tiền không nhỏ đối với nông dân nghèo miền núi" – ông Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, chia sẻ

Theo chỉ đạo của huyện Ninh Sơn, hiện HTX dịch vụ Tầm Ngân đã mua sắm nông cụ, máy cày, máy xới để cho thuê, nhăm hỗ trợ cho bà con tham gia dự án trồng ớt thuận tiện trong canh tác. Ngoài ra, HTX còn dành khoản kinh phí để xã viên vay vốn khuyến nông với lãi suất thấp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất; sau khi bán sản phẩm sẽ thanh toán cho HTX. "Thành công bước đầu của dự án trồng ớt đã thấy rõ. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều xã viên nữa tham gia để phát triển kinh tế gia đình" – ông Dà Droách Ha Khiết, Giám đốc HTX dịch vụ Tầm Ngân, cho biết.

Kinh nghiệm từ mô hình " Làng mới Saemaul"

Chương trình "Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp ở xã Lâm Sơn" dựa trên thành công của phong trào "Làng mới Saemaul" của Hàn Quốc. Chương trình này nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân, nâng cao thu nhập bằng mô hình phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp. Ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở chuyển đổi nhận thức cho nông dân từ tập quán canh tác lạc hậu sang hiện đại, chương trình còn đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng dân sinh khác như hệ thống nước sạch, nhà cộng đồng thôn, trường mẫu giáo, mở các lớp giáo dục nông nghiệp hướng dẫn cách nuôi lợn, dê, ủ phân… cho nông dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Trường ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN