"Trị" khan hàng, có nên để cây xăng lấy hàng từ nhiều đầu mối?

Theo các chuyên gia, việc lấy hàng từ nhiều đầu mối sẽ khó kiểm soát số lượng, chất lượng xăng dầu, do đó, cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông.

Từ đầu năm đến nay, biến động mạnh của giá xăng dầu luôn là tâm điểm quan tâm của dư luận.

Thị trường cũng đã ghi nhận tình trạng đứt gãy nguồn cung, khi nhiều cây xăng không có hàng để nhập, hoặc xin tạm nghỉ vì kinh doanh thua lỗ,… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dân, khi họ phải đi nhiều nơi mới mua được xăng, dầu; Thậm chí còn phải mua với giá cao để tiêu dùng.

Trước thực tế đó, không ít chủ cây xăng đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Công thương, và Sở Công thương địa phương.

Sự việc gây chú ý khi cuối tháng 8 vừa qua, 25 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đồng loạt ký văn bản khẩn gửi Bộ Công thương và các ban ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề bất cập trong kinh doanh xăng dầu.

Cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu

Cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu

Trong đó, họ kiến nghị, Nhà nước nên cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều đơn vị đầu mối để vừa tăng sức ép cạnh tranh vừa đáp ứng nguồn hàng.

Bởi thực tế, cây xăng chọn thương nhân cung cấp hàng, ký hợp đồng trong vòng 5 năm, và chỉ được phép nhập hàng từ nguồn này. Như vậy, nếu thương nhân đó không có hàng cũng không thể lấy nơi khác; Hay bị ép giá, chiết khấu... cũng đành chịu.

Ngoài ra, họ cũng cho rằng, nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống thì không nhập hàng, làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra như tình trạng hiện nay.

Nhiều đầu mối: Khó kiểm soát số lượng, chất lượng xăng dầu

Chia sẻ với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khẳng định cả 2 kiến nghị trên đều không thể thực hiện.

Về việc “cho phép cửa hàng bán lẻ ký hợp đồng mua xăng dầu với nhiều đầu mối”, ông Thịnh lý giải, doanh nghiệp bán lẻ không có kho lưu trữ riêng. Việc đổ lẫn lộn xăng, dầu của các doanh nghiệp đầu mối dẫn đến không quản lý được cả số lượng và chất lượng.

Hiện Nhà nước vẫn đánh thuế VAT đối với xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ đang là đơn vị thu hộ nhà nước. Việc cho doanh nghiệp bán lẻ mua từ nhiều đơn vị đầu mối, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp báo nhập hàng 1 nhưng bán ra 3 vậy câu hỏi đặt ra là nhà nước lấy công cụ gì để quản lý?

“Vấn đề đảm bảo nguồn cung hiện nay, theo tôi là việc quản lý nhập khẩu xăng dầu, vấn đề định mức giao khoán... Cơ quan chức năng giao cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo sản lượng nhất định, nhưng liệu họ có nhập về từng đấy không?

Ngay cả việc quy định doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ xăng, dầu 20 ngày, họ có thực hiện nghiêm túc không?”, ông Thịnh đặt vấn đề.

Bởi vậy, theo ông Thịnh, nhiệm vụ cho chính các cơ quan kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu một cách thường xuyên liên tục chứ không phải khi khó, khi thiếu, khi doanh nghiệp kêu thì mới đi kiểm tra. Từ đó vừa đảm bảo giá bán, chất lượng hàng hóa,…

Việt Nam chưa đủ tiềm lực dự trữ xăng dầu

Còn về việc nhà nước bỏ tiền ra mua một lượng dự trữ, ông Thịnh cho rằng, chúng ta chưa đủ tiềm lực để làm việc đó, khi nguồn ngân sách hạn hẹp và việc đầu tư kho dự trữ cũng khó khăn.

Một chuyên gia khác (đề nghị dấu tên) cũng đồng quan điểm với ông Thịnh, theo vị chuyên gia, việc Nhà nước bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu và phân phát cho các đầu mối là điều không bao giờ làm được.

Hiện nay, cơ cấu dự trữ xăng dầu nước ta đến từ 3 nguồn, gồm: Sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia. Đáp ứng nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày.

Theo Quy định tại Quyết định 1030 của Chính phủ, dự trữ từ sản xuất tại 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ từ thương mại tại các thương nhân kinh doanh xăng dầu; Và từ nguồn dự trữ quốc gia.

Nguồn ưu tiên sử dụng là nguồn thương mại, nguồn thứ 2 là nguồn sản xuất và sau đó mới đến dự trữ quốc gia.

Hiện Bộ Công thương đang xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu lên 30 ngày vào năm 2025.

Theo vị này, đầu tiên là vốn. Những nước lớn như Mỹ và 29 quốc gia thành viên khác của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó có Anh, Đức, Nhật Bản và Australia, cũng dự trữ lượng dầu mỏ tương đương với kim ngạch nhập khẩu ròng trong vòng 90 ngày của quốc gia đó.

Tuy nhiên, họ đều xây dựng kho dự trữ quốc gia, với chi phí rất lớn. Hơn nữa, lượng dự trữ là để ứng phó với các cuộc khủng hoảng nguồn cung, thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh, không phải để tung dầu ra thị trường bất cứ khi nào có biến động.

Do đó, việc chia lưu trữ ở các kho dự trữ của đầu mối là không phù hợp, trong khi, theo quy định của Nghị định 95, đầu mối cũng phải dự trữ lưu thông 20 ngày.

“Như vậy, cách nào phân cho đầu mối, cách nào quản lý?; Chưa kể, biết lúc nào là khan, lúc nào cần để xuất kho ở đầu mối, bởi lẽ, hệ thống mỗi đầu mối khác nhau nên biến động của thị trường cũng không thể giống nhau”, vị này nói.

Ngoài ra, một điểm nữa vị chuyên gia muốn nhấn mạnh đó là giá cả. Chẳng hạn, Nhà nước nhập vào 10 đồng, giao cho đầu mối, khi giá thị trường xuống 8 đồng, thì bán thế nào?; Ngược lại, lúc xăng lên 12 đồng, nhưng nhà nước xả kho giá 10 đồng thì ai bù lỗ cho đầu mối,...

TS Nguyễn Văn Hiến nhận định, hiện nay nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng hết xăng. Điều này là do mức chiết khấu thấp, có những thời điểm, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ là 0 đồng. Điều này khiến các đại lý thua lỗ và đóng cửa.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường trong nước, thì cần có cơ chế đặc biệt hỗ trợ lưu thông xăng dầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Cửa hàng xăng dầu: Hoa hồng âm, làm sao chúng tôi 'sống' nổi?

Sở Công Thương TP.HCM đã có cuộc họp với đại diện thương nhân đầu mối, doanh nghiệp (DN) đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN