TQ gom nông sản: Thương nhân nội tiếp tay

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng thông tư quản lý hoạt động của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

“Giật dây” thương nhân nội

Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang là đơn vị sản xuất các loại hoa quả như chôm chôm, đu đủ, dứa… phục vụ xuất khẩu nhiều năm qua, gần đây đã bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng tranh mua, tranh bán của các thương nhân Trung Quốc.

Phó Giám đốc Nguyễn Văn Mỳ cho biết: “Chúng tôi là đơn vị thu mua có uy tín với nông dân, nhưng lợi dụng tâm lý của nông dân thích bán với giá cao, một số thương nhân của Trung Quốc đã thuê các thương nhân người Việt Nam vào thu mua dứa của người nông dân. Thấy bán được giá cao là nông dân phá bỏ luôn hợp đồng đã ký với nhà máy để bán dứa cho đối tác mới”.

Theo ông Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, thương nhân nước ngoài thu gom nông sản ở nước ta hầu hết là không có giấy phép, phần lớn sản phẩm xuất qua đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát. Họ luôn trả giá cao hơn thương nhân trong nước vì không phải đóng thuế, từ đó họ có thể thao túng thị trường và quyết định giá mua, bán. Việc để doanh nghiệp nước ngoài lấn át các doanh nghiệp trong nước và giá trong nước tăng cao do việc thu mua này, chính là thể hiện sự yếu kém của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Mỳ, hiện mỗi tháng công ty thu mua khoảng 2.000 tấn dứa nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu sang 30 nước trên toàn thế giới.

“Dứa của nhà máy thu mua với giá 3.200 đồng/kg, trong khi các thương nhân được những thương lái nước ngoài thuê thu mua với giá 4.000 đồng/kg, nhưng họ chỉ thu mua dứa loại 1 (loại tốt nhất), còn dứa loại 2 họ không thu mua cho bà con” - ông Mỳ cho biết.

Thực tế cho thấy, để có vùng nguyên liệu dứa quy mô lớn, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã phải đầu tư hệ thống giao thông, đường sá, ngân hàng cũng hỗ trợ vốn cho nông dân.

Việc thương lái nước ngoài vào “hớt tay trên” vùng nguyên liệu đã gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, địa phương và người nông dân, làm xáo trộn cả hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Theo ông Đỗ Văn Phước – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, đúng là có một số thương lái người Trung Quốc tổ chức thu mua nông sản trên địa bàn, nhưng thông qua thương nhân Việt Nam, trong khi các thương nhân nội lại có giấy phép kinh doanh và trả tiền đầy đủ cho người dân.

Việc họ không thu mua dứa loại 2, chỉ thu mua dứa loại tốt nhất cũng không có sai phạm. Sở Công Thương chỉ có thể phản ánh với địa phương để thông báo, cảnh báo tới người dân thận trọng khi bán hàng cho thương lái nước ngoài.

TQ gom nông sản: Thương nhân nội tiếp tay - 1

Dứa (khóm) xanh ở Tiền Giang là mặt hàng mà thương nhân Trung Quốc đã tranh mua với doanh nghiệp sở tại

Quản lý không dễ

Ông Đỗ Văn Phước cho rằng: “Việc quản lý thương nhân nước ngoài không hề đơn giản. Nếu thương nhân nước ngoài vào nước ta với danh nghĩa là khách du lịch và tổ chức thu mua nông sản cần phải có giấy phép của Sở Công Thương mới được thu mua.

Tuy nhiên, thương nhân nước ngoài thường lại không trực tiếp thu mua nông sản của nước ta, mà lại thông qua thương nhân trong nước nên về quy định, họ không vi phạm và rất khó xử lý”.

Do đó, theo ông Phước, nếu xây dựng thông tư mới cần có những quy định để kiểm soát hoạt động của cả thương nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác với thương nhân nước ngoài để họ không “tiếp tay” cho kẻ xấu làm thiệt hại tới nông dân và ảnh hưởng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây xáo trộn trật tự tại địa phương…

Song nếu làm chặt quá lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới vấn đề tiêu thụ nông sản, nhất là một số doanh nghiệp trong nước có chức năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần:

“Hiện các mặt hàng của ta xuất sang Trung Quốc mà bị cấm là tuyệt đối, nhưng các mặt hàng mình cấm thì hàng của Trung Quốc vẫn nhập về ồ ạt. Vừa qua, thương nhân Trung Quốc vào thu mua khoai lang, dứa... với giá rất cao đã làm cho thị trường bị xáo trộn, nên đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan cần kiểm soát tốt hơn vấn đề này”.

Theo ông Đinh Văn Hương – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chúng ta là người bán hàng nên muốn bán được cần phải có sự tin tưởng lẫn nhau.

Từ trước tới nay, hiệp hội luôn đưa ra các cảnh báo, phòng chống gian lận thương mại khi làm ăn với người nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết:

“Hiện chúng ta đã có khá nhiều các quy định về việc quản lý thương nhân nước ngoài thu mua các mặt hàng nông sản tại Việt Nam. Theo Nghị định 90 thì những thương nhân mang danh nghĩa là khách du lịch không được trực tiếp thu mua, gom với người nông dân, mà phải có hoạt động mua bán với thương nhân Việt Nam.

“Thực tế cho thấy, hoạt động hợp pháp của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là rất ít vì nếu làm đúng theo quy định phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước” - ông Chiến nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN