Tiêu hủy heo "xách tay", xúc xích heo Trung Quốc vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Các cơ quan chức năng đang tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn không cho mầm bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.

Trước lo ngại về thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đang bùng phát tại Trung Quốc, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết Cục Thú y đang phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn không cho mầm bệnh dịch tả châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu heo và các sản phẩm thịt heo, tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp nhập lậu về Việt Nam. Để ngăn chặn dịch ASF, ông Thành cho biết tất cả những trường hợp nhập khẩu heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo từ Trung Quốc, thậm chí cả hình thức quà tặng, quà biếu đều sẽ bị bắt giữ và xử lý tiêu hủy. Trước khi tiêu hủy sẽ được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm virus dịch tả châu Phi.

Tiêu hủy heo "xách tay", xúc xích heo Trung Quốc vào Việt Nam - 1

Bắt giữ và tiêu hủy tất cả các mặt hàng thịt heo nhập lậu, "xách tay" vào Việt Nam.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Cục Thú y đã dự thảo công điện gửi các địa phương để có động thái quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống bệnh nguy hiểm này. Các địa phương cần phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 kiểm soát kỹ nguy cơ lây lan qua vận chuyển, mua bán nhập lậu không rõ nguồn gốc, kể cả thịt chế biến và sản phẩm cho biếu tặng.

Cục Thú y cũng đề xuất với Bộ GTVT và các hãng hàng không yêu cầu hành khách đi trên các phương tiện giao thông từ các nước đang có dịch ASF phải khai báo và tiêu hủy sản phẩm thịt heo nếu hành khách mang theo. Các hoạt động thương mại du lịch giữa các nước đang lưu hành dịch cũng sẽ được tăng cường quản lý trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 30-8, Bộ NN&PTNT cũng đã có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; trong đó, yêu cầu các địa phương cần tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương.

“Nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng điển hình của bệnh ASF, hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến chi cục thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh…”, ông Thành khuyến cáo.

Tiêu hủy heo "xách tay", xúc xích heo Trung Quốc vào Việt Nam - 2

Cơ quan chức năng ráo riết ngăn chặn thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt đã nấu chín nhập từ Trung Quốc vì nguy cơ lây lan dịch bệnh đang xảy ra ở nước này.

Theo cảnh báo từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt đã nấu chín là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh.

Thực tế, Hàn Quốc đã ghi nhận một hành khách từ Trung Quốc đi đường hàng không mang theo 150 kg thịt heo đã qua chế biến (xúc xích) nhưng khi xét nghiệm mẫu đã phát hiện virus ASF trong sản phẩm. Các chuyên gia đánh giá các dạng thịt heo và sản phẩm chế biến từ heo được "xách tay" từ vùng dịch về Việt Nam là mối nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9, trên thế giới đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh ASF, tổng số heo phải tiêu hủy là 500.000 con. Tại Trung Quốc, đã có 14 ổ dịch xảy ra, tổng số heo đã phải tiêu hủy là 38.000 con và đang có xu hướng dịch chuyển sang phía Nam (giáp biên giới Việt Nam).

ASF là bệnh rất nguy hiểm trên heo vì không có thuốc chữa, khi phát hiện một mẫu dương tính với bệnh cách đối phó là tiêu hủy toàn bộ đàn heo (kể cả heo lành) trong bán kính 3 km.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN