Thoát án bán phá giá: "Vua tôm" chưa cười!

DOC đã công nhận tôm của Việt Nam không bán phá giá trên thị trường Hoa Kỳ, thuế đánh về 0% sau nhiều năm con tôm Việt Nam long đong đòi công lý nhưng người nuôi tôm và DN xuất khẩu vẫn chưa thể cười thoải mái.

Biến động mạnh

Dù đón nhận tin vui tôm Việt Nam được phán quyết không bán phá giá, nhưng bà con ở vùng nguyên liệu như Cà Mau, Sóc Trăng rất thận trọng, chưa có ý định tái đầu tư. 

Từ Cà Mau, vùng tôm nhất nhất của cả nước, "vua tôm" Minh Phú, đại diện là ông Lê Văn Điệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, chia sẻ: "Người nuôi thủy sản của chúng ta không hề được trợ cấp, doanh nghiệp xuất khẩu cũng vậy, nên không có chuyện tôm Việt Nam bán phá giá. Chính những phán quyết mang tính bảo hộ thị trường nội địa của DOC đã tác động rất mạnh đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu, cũng như nguồn cung tại các vùng nguyên liệu của Việt Nam".

Thoát án bán phá giá: "Vua tôm" chưa cười! - 1

Nông dân sẽ được "đền bù" những nỗ lực của mình với phán quyết khách quan chính xác của DOC.

Hiện nay, chủ yếu nguyên liệu xuất khẩu tôm của Việt Nam, các doanh nghiệp phải mua từ bà con nông dân. Những năm gần đây, lãi suất biến động lớn, duy trì ở mức cao nên việc nuôi tôm có phần lao đao sút giảm. Những tháng gần đây nhất, tuy các ngân hàng đã chủ động thu hút khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, bằng những gói tín dụng với mức lãi suất thấp hơn (dưới 8%/ năm), thì các chi phí khác như điện, thức ăn, thuốc… vẫn đứng ở mức cao. Vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu ngày càng lớn, trong khi giá đầu ra biến động khó lường, làm bà con thua lỗ nhiều, bỏ nuôi, giảm qui mô và năng suất.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Võ Quang Huy, phó Chủ tịch Hội nuôi tôm Sóc Trăng, một trong hai vùng nguyên liệu tôm lớn nhất của Việt Nam, cho biết: "Hiện không phải mùa thu hoạch, cộng với dịch bệnh và biến động khó lường của thị trường, nên tôm nguyên liệu đang khan hiếm". 

Như vậy, trong ngắn hạn, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôm của Việt Nam còn bị suy giảm nguồn cung.“Theo đánh giá của chúng tôi, vùng nguyên liệu và nguồn cung tôm của Việt Nam đã giảm trên 20% và điều này còn tiếp diễn nếu chi phí đầu vào không được kiểm soát và giảm xuống", là chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lớn, đề nghị không nêu tên.

Thoát án bán phá giá: "Vua tôm" chưa cười! - 2

 Biến động giá tôm ở thị trường Mỹ 1 năm qua

Giá tôm tăng mạnh

Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục tăng, đạt tổng kim ngạch 1,4 tỷ đô la. Tăng mạnh nhất là ở thị trường Nhật Bản, với mức tăng 11%. EU cũng tăng 3%. Riêng Minh Phú, công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, 7 tháng đầu năm đạt kim ngạch 224 triệu đô la, với khối lượng gần 18.400 tấn, tăng 2,7% về lượng nhưng tăng đến 5,7% về giá trị, so với cùng kỳ.

Phó Tổng Giám đốc công ty Minh Phú chia sẻ, thị trường Mỹ chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú. Đối với Minh Phú, phán quyết của DOC không ảnh hưởng nhiều, do xuất khẩu từ thị trường này đang tăng trưởng tốt về giá và khối lượng. “Bà con nông dân là người được lợi lớn nhất từ phán quyết này, khi giá thu mua nguyên liệu tăng lên. Tất nhiên, giá tăng còn do nhiều yếu tố, như chi phí đầu vào cao, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu của các thị trường tăng, nhưng chăc chắn lợi nhuận của người nông dân sẽ khác".

Trước sự kiện này, tình hình đã trở nên sáng sủa. Đại diện một nhà nhập khẩu xin không nêu tên cho biết giá thu mua, những ngày qua, ở Cà Mau, Sóc Trăng đang tăng khá mạnh và có thể tăng thêm khoảng 15% nữa, do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhà nhập khẩu đã phải chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm, với triển vọng kinh tế sáng sủa hơn cả ở Mỹ - Nhật - Châu Âu.

Còn theo ông Huy từ Hiệp hội Nuôi tôm Sóc Trăng, thì giá thu mua nguyên liệu đã tăng 30% tính tính hồi tháng 3 năm nay, nhưng người nuôi vẫn không được hưởng lợi bao nhiêu. "Khi giá đứng ở mức thấp, nhà xuất khẩu thu mua cầm chừng, vì lý do tôm bị áp thuế, nay nguồn cung kham hiếm, giá cao lên, thì nhiều người đã bỏ nghề hoặc lãi không đáng kể, sau khi trừ đủ loại chi phí đầu vào".

Có thể khẳng định rõ ràng rằng nguyên nhân khan hiếm nguồn cung khiến giá tôm ở thị trường Mỹ cũng như trên toàn cầu tăng lên, buộc DOC phải phán quyết đúng bản chất, là tôm Việt Nam không bán phá giá. Như vậy những vấn đề của ngành tôm Việt Nam vẫn khiến các doanh nghiệp trong ngành và người nuôi chưa thể ăn mừng. 

Công ty Minh Phú, “vua tôm” Việt Nam, mà 90% nguyên liệu đầu vào vẫn phải mua từ bà con nông dân, trong khi các chi phí đầu tư vùng nuôi vẫn biến động khó lường (theo chiều hướng tăng) thì nguồn cung tôm từ Việt Nam còn biến động mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hùng Vỹ (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN