Thị trường đồ chơi 1/6 ế ẩm chưa từng có

Tết thiếu nhi 1/6 luôn là "mùa gặt hái" của thị trường đồ chơi trẻ em, nhưng năm nay, các cửa hàng kinh doanh đồ chơi lâm vào cảnh ế ẩm do người tiêu dùng ngày càng cắt giảm chi tiêu.

Chủ cửa hàng chỉ biết… buôn chuyện

Mọi năm, dịp 1/6 luôn được xem là những ngày “vàng” của các cửa hàng buôn bán đồ chơi trẻ em. Bởi dịp này hầu hết các gia đình đều tìm mua cho con em mình những món đồ chơi mà chúng thích nhất, làm quà tặng như một lời chúc tốt đẹp nhân dịp ngày Tết thiếu nhi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều cửa hàng bán đồ chơi, quà tặng thiếu nhi tại Hà Nội đang phải chịu cảnh ế ẩm chưa từng thấy. Người bán hàng ngồi ngáp vặt trong những cửa hàng vắng vẻ, đáng lẽ rất đông đúc vào thời điểm này mọi năm.

Len lỏi vào các khu phố được coi là “thiên đường” đồ chơi trẻ em như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Bông…, không khí dường như không có nhiều thay đổi so với ngày thường là bao. Nhiều gian hàng chỉ có bà chủ mắt nhìn chăm chăm ra đường, cạnh khối lượng hàng khổng lồ với đầy đủ chủng loại và mẫu mã.

Trao đổi với PV về doanh số bán hàng trong dịp 1/6 năm nay, bà Loan, một chủ cửa hàng đồ chơi trên đường Lương Văn Can cho biết, mặc dù bà kinh doanh mặt hàng này đã nhiều năm nay nhưng chưa năm nào vào dịp lễ này lại rơi vào tình trạng ế ẩm như năm nay.

Bà Loan cho biết thêm, kinh tế khó khăn dường như khiến người tiêu dùng hạn chế mua bán, kinh doanh đồ chơi theo đó cũng không được thuận lợi như những năm trước. Tình trạng vắng khách diễn ra liên tục trong suốt nhiều tháng qua. “Hầu hết các chị em kinh doanh đều hi vọng dịp Tết 1/6 năm nay tình hình buôn bán sẽ được cải thiện, giúp lượng hàng hóa tồn kho trong nhiều tháng qua có thể vơi bớt. Tuy nhiên, mong muốn này dường như khó thực hiện khi mà lượng khách đến giờ vẫn không được cải thiện” bà Loan bộc bạch.

Thị trường đồ chơi 1/6 ế ẩm chưa từng có - 1

Từ những đồ chơi phát triển trí tuệ...

Tình hình ế ẩm này không chỉ diễn ra ở những cửa hàng trên mà ngay ở các trung tâm thương mại, siêu thị… cũng diễn ra khá èo uột.

Chị Diệp - chủ cửa hàng đồ chơi tại Trung tâm Thanh Trì cho biết, trải qua gần 10 năm buôn bán đồ chơi trẻ con có lẻ năm nay là năm khó khăn nhất mà chị chứng kiến. Mặc dù hôm nay đã sát ngày Tết thiếu nhi 1/6 nhưng từ sáng đến gần cuối chiều chị mới chỉ bán được 2 món hàng, với tổng số tiền 340 nghìn đồng.

Đồ chơi đa dạng, giá cả thay đổi không nhiều

Dạo qua thị trường đồ chơi có thể thấy, thị trường của bé năm nay khá đa dạng với nhiều mẫu mã bắt mắt. Những mặt hàng quen thuộc và bạo lực như súng, gươm, kiếm… vẫn được xuất hiện trên thị trường, nhưng “sức hút” đã giảm đáng kể.

Thị trường đồ chơi 1/6 ế ẩm chưa từng có - 2

... đến những con gấu bông đáng yêu

Theo các chủ cửa hàng kinh doanh, năm nay những loại đồ chơi dành cho bé nam được nhiều người lựa chọn vẫn là những chiếc ôtô điều khiển từ xa, ôtô trèo tường, xe chạy bằng pin hoặc sạc điện,… Còn đố với bé gái, những loại búp bê ngộ nghĩnh đáng yêu hay búp bê Babire… vẫn được nhiều gia đình lựa chọn.

Cùng với những đồ chơi truyền thống, năm nay các loại đồ chơi phát triển trí tuệ như ghép hình Lego, bản đồ điện tử hướng dẫn các phương tiện giao thông, máy tính thông minh để bé học chữ…cũng được nhiều phụ huynh chú ý và lựa chọn.

Thị trường đồ chơi 1/6 ế ẩm chưa từng có - 3

... nhưng kinh doanh ế ẩm khiến nhiều bà chủ chỉ có cách ngồi tụ nhau buôn chuyện

Cùng với việc phong phú về mẫu mã, giá cả các loại đồ chơi năm nay cũng không kém phần đa dạng, đáng ứng nhu cầu của tất cả các khách hàng, từ bình dân đến cao cấp. Với thú nhồi bông dành cho bé gái có giá từ 50 – 200 nghìn đồng (tùy từng kích cữ to nhỏ). Xe đạp dành cho các bé từ 4 tuổi trở lên có giá từ 400 - 1 triệu đồng (tùy từng loại). Còn đối với những đồ chơi như robot ráp hình, xe điều khiển, máy bay lắp ráp có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn.

Theo đa số các chủ kinh doanh đồ chơi, do chi phí đầu vào năm nay tăng khá cao so với mọi năm, nên giá cả các loại đồ chơi có tăng lên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các mặt hàng khác thì không thay đổi nhiều, ước tính tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN