Tả tơi hàng hiệu Việt

Năm 2012 là đỉnh điểm khó khăn của các DN thời trang trong nước với hàng loạt thương hiệu phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, việc đồng loạt xả hàng chưa từng có và cùng lúc đóng cửa hàng loạt điểm bán của Công ty Thời trang Việt (Ninomaxx) còn khiến công ty này bị đồn thổi là sắp phá sản!

Hàng tồn như... núi

Giữa tháng 4, thị trường thời trang TP.HCM xôn xao với việc giảm giá đồng loạt đến 80% tất cả các mẫu quần áo tại hệ thống cửa hàng Ninomaxx.

Trong ba ngày liên tiếp (13, 14, 15/5), các cửa hàng của Ninomaxx trở nên quá tải vì lượng khách mua hàng tăng đột biến. Ai cũng cố mua cho được vài bộ quần áo của Ninomaxx vì cho rằng công ty này sắp phá sản và cơ hội được mặc đồ Ninomaxx cũng sẽ hết.

Trước đó, tại các website bán hàng trực tuyến, Ninomaxx cũng đã tung hàng “mua một tặng một”. Đã có hàng ngàn chiếc áo thun Ninomaxx được bán qua hệ thống các trang web bán hàng trực tuyến này.

Ngay sau đợt xả hàng chưa từng có như vậy, Ninomaxx lại đóng cửa đồng loạt 4 cửa hàng lớn tại TP.HCM! Trước động thái lạ lùng như vậy, đã có nhiều tin đồn là công ty này đã phá sản!

Vất vả với tin đồn thất thiệt, ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ninomaxx, chỉ biết giải thích: “đây thực ra chỉ là đợt tổng thanh lý hàng tồn để công ty tái cấu trúc toàn bộ hoạt động”.

Dù không phải phá sản, nhưng ông Phụng thừa nhận: “Ninomaxx cũng như nhiều nhãn hàng thời trang Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn chưa từng có, mãi lực giảm khiến hàng tồn chất cao như... núi!”.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm (Foci), cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, sức mua giảm mạnh khiến doanh thu công ty đã giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Và đây là năm thứ ba liên tiếp, ngành thời trang trong nước đối mặt với khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Cùng lo lắng này, bà Đặng Quỳnh Đoan, Tổng giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, khẳng định: “Sức mua giảm, hàng không bán được kéo theo sản xuất đình đốn. Điều này sẽ tác động rất mạnh đến sự sống còn của DN, đến cuộc sống của hàng ngàn nhân viên bán hàng cũng như đội ngũ sản xuất, thiết kế... của các công ty kinh doanh thời trang”.

Ba năm qua, đặc biệt là trong năm 2012, kinh tế khó khăn kéo theo các DN kinh doanh thời trang khốn đốn. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, các DN hiện phải đối diện với tình trạng giá nguyên phụ liệu tăng, điện tăng, lương công nhân tăng...

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May Thêu Đan giày An Phước, cho biết: “Tất cả các chi phí đầu vào tăng trong khi sức mua ngày càng giảm.

Ngoài những khó khăn chung về sản xuất, hiện tại, vấn đề chi phí vận hành, trong đó, chi phí thuê mặt bằng rất cao cũng làm cho ngành thời trang Việt Nam khốn khó. DN phải tốn rất nhiều chi phí, trong khi hàng Trung Quốc tràn ngập các cửa hàng đa số là tiểu ngạch, không phải chịu bất cứ chi phí gì!”.

Tả tơi hàng hiệu Việt - 1

Lợi nhuận của DN thời trang hiện nay đều nằm trong hàng tồn, nên giải quyết hàng tồn càng nhanh thì DN càng “nhẹ gánh”

Bán nhanh, rút gọn

Điều đau đầu nhất hiện nay của các công ty thời trang là giải bài toán hàng tồn. Ai cũng biết, kinh doanh thời trang phải tính đến việc giải quyết hàng tồn, nhưng hàng tồn chất đống nhiều năm liền là tình trạng đáng báo động. Đó cũng chính là lý do Ninomaxx thực hiện “tổng lực thanh lý” vào tháng 4 vừa qua.

Đánh giá về động thái của Ninomaxx, chủ một thương hiệu thời trang có tiếng tại TP.HCM cho rằng, đây là việc đương nhiên phải làm vì lâu nay họ bị vướng quy định của luật pháp là không được giảm giá quá 50%.

“Với hàng thời trang, khi bán hết mùa, thiếu màu, thiếu size, có khi DN buộc phải giảm đến 90% để bán hàng. Quần áo may sẵn nếu cắt nhãn, bán ra thị trường thì giá chỉ bằng giẻ lau. Ninomaxx có quá nhiều hàng tồn như vậy từ năm 2011.

Hàng tồn nhiều nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, sức mua sụt giảm mạnh khiến cho số hàng tồn này lại càng tăng cao. Hàng tồn kho tăng, mẫu mới cần phải có mà lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng.

Vì vậy, muốn giảm chi phí lãi vay, quay nhanh nguồn vốn thì việc bán hàng tồn bằng mọi giá là chuyện thường thấy trong chiến lược kinh doanh của mỗi DN”, vị này phân tích.

Hàng tồn bán dần cũng hết, nhưng nếu làm vậy, DN phải mất rất nhiều thời gian. Tiền thu về không bù được lãi suất ngân hàng, kho bãi đang phải thuê với mức giá cao. Lợi nhuận của DN thời trang hiện nay đều nằm trong hàng tồn, nên giải quyết hàng tồn càng nhanh thì DN càng “nhẹ gánh”.

Giải được bài toán hàng tồn, Ninomaxx đã giải quyết được nhiều thứ. Thế nhưng, theo tính toán, với mạng lưới gần 200 cửa hàng trên toàn quốc, khi bán giảm giá 80%, Ninomaxx đã lỗ một khoản đáng kể.

Đó là chưa kể lượng hàng mới đưa vào kho chờ bán ở từng cửa hàng cũng ngốn khoản kinh phí vài chục tỷ đồng. Rồi việc tuyển dụng đội ngũ quản lý, thiết kế mới cũng tốn không ít tiền đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Nga - Ý Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN