Sữa rẻ hơn nước, nông dân châu Âu nổi giận

Nông dân châu Âu xuống đường biểu tình bởi giá nông phẩm lao dốc và những ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga.

Ngập trong sữa

Châu Âu đang chìm ngập trong sữa” là nhận định trang tin tài chính của CNN ngày 8/9. Nga cấm nhập khẩu sản phẩm sữa, nhu cầu Trung Quốc sụt giảm. Kết quả: Châu Âu dư thừa lượng sữa khổng lồ. Hiện nay, giá sữa tại châu Âu rẻ hơn nước khoáng: khoảng 1,5 USD/lít nước và 1 USD/lít sữa. Trong khi, năm nay, giá sữa bán lẻ giảm khoảng 5%, giá sữa bán buôn giảm tới 20%, buộc nhiều nông dân phải bán tháo sữa với giá thấp hơn giá sản xuất. Đối với người nông dân, đây thực sự là thảm họa. Ngoài ra, giá 1 kg thịt lợn tại lò mổ khoảng 1 euro (1,12 USD), trong khi chi phí lên đến 1,3- 1,5 euro (1,67 USD).

Sữa rẻ hơn nước, nông dân châu Âu nổi giận - 1

Nông dân biểu tình ném trứng, phun sữa, đốt cỏ ném về phía cảnh sát.

Thực trạng giá sữa chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng nông nghiệp châu Âu bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Nga, đẩy gần 7 nghìn nông dân ngày 7/9 xuống đường biểu tình trước trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng châu Âu ở Thủ đô Brussels (Bỉ), yêu cầu có biện pháp cân bằng thị trường cũng như hỗ trợ tài chính cho những nông dân bị thiệt hại vì lệnh trừng phạt.

Cuộc biểu tình biến thành bạo lực khi người biểu tình ném trứng, vỏ chai, mảnh vỡ vào cảnh sát, lập các rào chắn và đốt lốp xe tạo khói đen khiến không khí tại khu vực này trở nên ngột ngạt, buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để trấn áp. Không những thế, nông dân còn mang theo hơn 1 nghìn xe đầu kéo phong tỏa các tuyến đường, khiến hệ thống giao thông công cộng Thủ đô Brussels tê liệt trong nhiều giờ.

Những nông dân biểu tình đến từ nhiều nước như: Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha và Litva. Họ yêu cầu đảm bảo hoạt động nông nghiệp hiệu quả trong toàn EU. Đồng thời, họ cũng yêu cầu một chính sách nông nghiệp chung (CAP), với biện pháp phòng ngừa biến động thị trường và hỗ trợ tìm thêm những thị trường mới.

Thiệt hại hơn 6 tỷ USD

Cuộc biểu tình diễn ra khi Bộ trưởng Nông nghiệp 28 nước EU đang họp bất thường và quyết định hỗ trợ khẩn cấp 500 triệu euro (557 triệu USD), nhằm giảm bớt áp lực cho nông dân và giúp khôi phục thị trường. Ông Phil Hogan, Ủy viên châu Âu phụ trách Nông nghiệp nói rằng gói hỗ trợ này thể hiện trách nhiệm nghiêm túc của EC đối với nông dân. Còn theo Phó Chủ tịch EC - Jyrki Katainen thì gói cứu trợ nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp châu Âu, một phần được dành cho quỹ phát triển các sản phẩm sữa.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút và lệnh cấm vận của Nga áp đặt lên các sản phẩm EU nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, khiến nông phẩm và sữa mất giá mạnh. Theo Liên đoàn Kinh doanh nông nghiệp Copa-Cogeca, riêng biện pháp cấm vận của Nga đã khiến thị trường xuất khẩu chủ lực của liên minh này thiệt hại hơn 6 tỷ USD. Trước đó, tính đến tháng 8/2014, thị trường Nga tiêu thụ tới 16 tỷ euro nông phẩm của EU. Nga cũng là một trong những thị trường tiêu thụ các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới, chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu phô mai và 24% kim ngạch xuất khẩu bơ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp - Stephane le Foll cho biết: “Cùng với các biện pháp thị trường, các biện pháp thúc đẩy nông nghiệp sẽ góp phần định hướng hoạt động sản xuất của nhiều quốc gia thành viên, qua đó hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần - Thanh Huyền ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN