Giá sữa ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước

Mặc dù được bình ổn bằng biện pháp xác định giá tối đa, song giá sữa cho trẻ em ở nước ta hiện vẫn cao hơn các nước trong khu vực... Đây là thông tin tại cuộc tọa đàm về giá sữa diễn ra ngày 2.6.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2014, lần đầu tiên sau nhiều năm trên thị trường cả nước đã hình thành mặt bằng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng. Giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm 0,1 - 34% sau khi thực hiện bình ổn giá.

Có biểu hiện thao túng, chuyển giá

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận: Thị trường sữa chưa ổn định, giá sữa của Việt Nam còn cao hơn mặt bằng giá các nước trong khu vực. Cụ thể, giá bán trung bình trên kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 đến bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam là 16 USD/kg; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg; Malaysia là 10,9 USD/kg và Indonesia là 9,5 USD/kg.

Giá sữa ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước - 1

Người dân chọn lựa sữa trong một cửa hàng tại phố Sơn Tây (Hà Nội).Ảnh:   Đàm duy

Lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý giá sữa như: Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. Thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế. Đây là lần đầu áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh nghiệp tham gia nên việc triển khai biện pháp giá tối đa còn có vướng mắc khi thực hiện đến khâu bán lẻ.

Doanh nghiệp vẫn “nhờn” và lách luật

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với sữa - mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá - còn nhiều bất cập, dẫn đến một số doanh nghiệp có biểu hiện “nhờn luật”, “lách luật”. Ông Tuấn thừa nhận: Đúng là còn tồn tại một số vướng mắc, như nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều nhập từ nước ngoài do các đối tác nước ngoài chỉ định, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong xác định yếu tố đầu vào để sản xuất và phân phối sản phẩm sữa. Thông tin so sánh sản phẩm sữa cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN lại hạn chế do chính sách bán hàng của các doanh nghiệp đối với các nước có khác nhau.

Ông Tuấn chỉ lưu ý rằng, việc lưu hành các sản phẩm sữa theo quy định của Bộ Y tế. Trên cơ sở cho phép của Bộ Y tế, Bộ Tài chính sẽ xác định giá tối đa. Đối với những dòng sản phẩm thay đổi mẫu mã, nhãn mác có thể thay đổi chất lượng kèm theo, mà cảm quan rất khó phân biệt, nhưng về tiêu chí chất lượng cũng có thay đổi.

Ví dụ dòng sản phẩm sữa Enfagrow A+4 360 Brain Plus dành cho trẻ em 2 tuổi trở lên và Enfagrow A+4 vị vanilla 360 Brain Plus về cảm quan có vẻ giống nhau, nhưng xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì các sản phẩm này có khác nhau về thông tin sản phẩm. Như chỉ tiêu chất lượng sản phẩm lần lượt là 39 và 42 chỉ tiêu, hàm lượng hóa chất không mong muốn lần lượt là 2 và 3 chỉ tiêu... Và công dụng cũng có phần khác nhau, đã được ghi rõ trên các nhãn mác sản phẩm. Do vậy, “người tiêu dùng cần phải lựa chọn các thông tin sản phẩm so với giá cả. Chúng tôi khẳng định, không có chuyện thay đổi nhãn mác với các chỉ tiêu giống nhau, dẫn đến thay đổi giá cả”- ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chính vì giá sữa Việt Nam còn cao hơn khu vực nên Chính phủ tiếp tục áp dụng biện pháp bình ổn giá là hết sức đúng đắn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN