Sự thật về công dụng buồng khử khuẩn phòng chống COVID-19 gây náo loạn thị trường

Trong thời gian chờ đánh giá, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân.

Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về thông tin trên thị trường xuất hiện buồng khử khuẩn toàn thân có tác dụng diệt khuẩn, phòng chống covid-19.

Tại Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phối hợp với Trường đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế, chế tạo thành công buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion và buồng khử khuẩn nhiệt ozon.

Tại TP.HCM, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cũng cho ra mắt sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân di động. 

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cũng chế tạo được buồng khử khuẩn nhanh trong vòng 30 giây.

Sự thật về công dụng buồng khử khuẩn phòng chống COVID-19 gây náo loạn thị trường - 1

Hình ảnh buồng khử khuẩn toàn thân được cho là có tác dụng phòng chống Covid-19

Hình ảnh buồng khử khuẩn toàn thân được cho là có tác dụng phòng chống Covid-19

Ngay lập tức, thị trường ngập các sản phẩm được cho là buồng khử khuẩn toàn thân được rao bán. Giá bán dao động từ 18 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng một cái. Có nơi hét giá lên tới vài trăm triệu tùy vào phụ kiện đi kèm.

Anh L.Q.L - một người bán phòng khử khuẩn toàn thân tại Hà Nội - cho biết phòng khử khuẩn có tác dụng diệt khuẩn 99%, hạn chế sự lây lan của virus, tăng niềm tin của khách hàng đến với doanh nghiệp trong và sau dịch, sử dụng như một lợi thế cạnh tranh trong việc truyền thông và chạy quảng cáo.

Một trang facebook lập ra để chuyên bán phòng khử khuẩn toàn thân còn quảng cáo: “Buồng khử khuẩn toàn thân làm sạch toàn thân người đi qua chỉ với 20s, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus qua tiếp xúc. Đặc biệt phù hợp cho các nhà hàng, quán cà phê, spa, chung cư... với diện tích nhỏ gọn và dễ triển khai. Giữ an toàn ngay cho gia đình bạn và khách hàng của bạn trong mùa dịch này!”.

Buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau. Buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12 ppm trong 30 giây, buồng 2 có phun sương (hạt sương 5 µm, nước điện hóa - dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.

Vậy, liệu phòng khử khuẩn toàn thân có thần thánh như lời quảng cáo?

Chiều 26/3, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, đã có văn bản cho biết buồng khử khuẩn toàn thân di động hiện chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua. Nguyên nhân là chưa đủ tài liệu minh chứng, cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo hiện tại, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn. Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không ra ngoài nếu không cần thiết.

Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện Quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10 ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Hiện chưa có nghiên cứu được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.             

                                                                                         

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Ca ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN