Sẽ giảm thuế linh kiện để mở đường "cứu" ô tô nội?

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau Nghị định 116, một chính sách mới nữa có thể sắp được ban hành giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước có thêm ưu đãi để cạnh tranh khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm về 0%.

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký và sẽ tạo nên những thay đổi lớn của thị trường ô tô. Trong đó, “siết” lại khá mạnh các điều kiện kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Với những nội dung quy định nghặt nghèo hơn, có thể xem, Nghị định 116 là rào cản kỹ thuật để hạn chế ô tô nhập khẩu tràn về thị trường trong nước. Và rất có thể sắp tới các doanh nghiệp ô tô trong nước sẽ nhận được thêm ưu đãi để có thể tăng thêm sức cạnh tranh đối với nhiều dòng ô tô nhập khẩu từ ASEAN sẽ được giảm thuế về 0% vào năm 2018.

Cụ thể, trong buổi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến 1/1/2018, 90 dòng thuế của ASEAN về 0, trong đó có ô tô. Nhưng đây không phải là thất thu mà giảm thu trực tiếp từ ngân sách về thuế nhập khẩu.

Sẽ giảm thuế linh kiện để mở đường "cứu" ô tô nội? - 1

Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sắp có thêm ưu đãi, nhưng không phải tất cả. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng “Đúng là thực trạng năm 2017 thì tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam là tăng, 6 tháng đầu năm tăng đến 50,4% về lượng và 82,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 và 2018 thì nhập khẩu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng mà theo Hiệp hội ô tô thì tính đến tháng 9/2017 thì tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm so với cùng kỳ năm ngoái”.

Đánh giá về tác động, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay việc này tác động ảnh hưởng đến công ăn việc làm, kể cả thu ngân sách rất lớn. Trước tình hình như thế, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 tháng 10/2017, quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ ngày ký.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành một Nghị định mới nhằm bảo hộ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. "Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, Bộ này đề xuất Chính phủ giảm thuế xuất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với toàn bộ linh kiện ô tô nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được xuống 0% trong giai đoạn 5 năm (từ 2018 – 2022) và gắn với điều kiện sản lượng xe phải sản xuất lắp ráp hàng năm. Chắc ngày mai, ngày nay cũng được Thủ tướng ký thôi" , lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay.

Dù chỉ có hiệu lực trong 5 năm nhưng Nghị định này được xem là giải pháp để kích thích sản xuất trong nước và hỗ trợ cho thị trường ô tô trong nước tăng trưởng, duy trì được sản xuất và sức cạnh tranh, qua đó sẽ tăng thu thuế nội địa.

Trước đó, trong đề xuất giảm thuế linh kiện đối với xe lắp ráp của mình Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh sẽ không giảm thuế nhập khẩu linh kiện đại trà cho tất cả các chủng loại xe mà tập trung vào các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Trước mắt, tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích từ 2.000cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7L/100km; Tiêu chuẩn khí thải mức từ EURO 4 và dòng xe tải nhẹ có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức từ EURO 4.

Hai phương án giảm thuế được Bộ Tài chính đề xuất cụ thể là: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 2 nhóm xe về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Một phương án nữa được tính đến là giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe xuống 0% (do đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất) và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ô tô) để lắp ráp cho 2 nhóm xe nêu trên xuống 10%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 – 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Hiện chưa rõ Bộ Tài chính sẽ lựa chọn phương án nào. Tuy nhiên, nếu chính sách này được thực hiện, xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ đứng trước cơ hội lớn để có thể cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu trong khu vực ASEAN khi thuế về 0%. Tuy nhiên không phải tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Ưu đãi giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm này có kèm theo điều kiện về sản lượng xe SXLR (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho 2 nhóm xe nêu trên.

Cụ thể, theo lộ trình mà Bộ Tài chính đặt ra thì sản lượng chung tối thiểu đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ, loại có động cơ từ 2.000 cc trở xuống mà các doanh nghiệp đạt được năm 2018 phải là 34.000 xe và tăng 16% theo từng năm cho đến 2022 là 61.000 xe và tổng giai đoạn 5 năm phải đạt 234.000 chiếc được lắp ráp trong nước. Trong đó, sản lượng riêng tối thiểu 1 mẫu xe phải đạt 20.000 xe và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 20% (năm 2018) và con số này tăng lên tương ứng 36.000 xe vá 40% vào năm 2022.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (ICT News)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN