Sẽ cân nhắc điều chỉnh thuế xăng dầu

Theo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, đề xuất tăng giá lúc này là không hợp lý.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 10-9, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường, khẳng định việc điều hành giá xăng dầu kiên định theo cơ chế thị trường, bám sát với giá thế giới, đồng thời sử dụng ba phương án gồm sử dụng quỹ bình ổn, điều hành thuế và lợi nhuận định mức. PV lược thuật.

- Hôm qua một số thông tin cho biết doanh nghiệp (DN) xăng dầu tiếp tục xin tăng giá bán lẻ 1.000 đồng/lít xăng? Quan điểm của Bộ về lần đề xuất này?

+ Ông Võ Văn Quyền: Theo quy định, DN đăng ký giá trước thời điểm tăng giá chính thức là thông tin mật nên tôi không thể công bố. Tuy nhiên, hiện nay thông qua DN, báo chí đã nắm được tính minh bạch trong công khai giá, tính toán giá cơ sở để người dân hiểu. Sắp tới, nếu có điều chỉnh giá xăng dầu sẽ cân nhắc giữa ba phương án, trong đó có cả phương án thuế để vừa đảm bảo mục tiêu theo giá thị trường, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Dù bằng phương án nào vẫn theo cơ chế thị trường, Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và điều chỉnh.

Sẽ cân nhắc điều chỉnh thuế xăng dầu - 1

Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ tháng 8-2012 của Bộ Công Thương. 

- Trong tháng 8, giá xăng dầu liên tiếp tăng. Trước mỗi lần tăng, nhiều đại lý ngưng bán hàng. Bộ có biết tình trạng này không và liệu có chuyện DN đầu mối găm hàng?

+ Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Trong tháng 8 có ba lần tăng giá; riêng hai lần gần đây có 220 cửa hàng cắt giảm bán hàng so với bình thường với lý do như đình chỉ kinh doanh, mất điện và hết xăng dầu. Tính đến nay có 136 cửa hàng ngừng bán hàng do hết xăng dầu và găm hàng chờ tăng giá. Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu 33 chi cục Quản lý thị trường trên cả nước kiểm tra ngay các trường hợp này, tập trung vào các yếu tố như hợp đồng đại lý bán lẻ từ đầu năm đến hết tháng 8, hóa đơn xăng dầu, mức chiết khấu DN đầu mối, lý do ngừng bán hàng. Cục dự kiến có kết quả kiểm tra từ ngày 15 đến 20-9.

- Ngày 5-9, Tổng cục Hải quan công bố tình hình tạm nhập tái xuất xăng dầu, trong đó có dấu hiệu xăng dầu chưa tái xuất dùng cho nội địa. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về xăng dầu, Bộ đánh giá ra sao về kết quả thanh tra của hải quan?

+ Bà Phan Thị Diệu Hà, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu: Hình thức tạm nhập tái xuất là hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế, thời gian qua cũng đem lại lợi ích kinh tế nhất định cho cảng biển và DN. Tuy nhiên, hoạt động này không tránh được những phát sinh, hạn chế, tình trạng trốn lậu thuế. Tất cả thông tin này đều được Bộ Công Thương đưa ra làm việc với hải quan và các địa phương để có biện pháp điều tiết, nhằm đảm bảo cho hoạt động này đúng pháp luật.

Theo Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu, DN có giấy phép nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương cấp được phép kinh doanh tạm nhập tái xuất. DN muốn chuyển xăng dầu tạm nhập sang tiêu thụ nội địa phải nộp các loại thuế như nhập khẩu kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, không loại trừ DN lợi dụng chính sách để hưởng lợi về thuế. Thay vì nộp thuế ngay, DN được đăng ký chậm nộp 180 ngày và hưởng phần chênh lệch giữa lãi suất vay ngân hàng với khoản phải nộp vì số tiền này thấp hơn tiền lãi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu DN nhập vào thời điểm thuế thấp nhưng chuyển loại hình kinh doanh nội địa vào thời điểm thuế cao thì có thể hưởng chênh lệch giữa hai loại thuế.

Năm 2011, qua báo cáo của các DN đầu mối, lượng xăng dầu tạm nhập là 2,8 triệu tấn và lượng tái xuất là 2,7 triệu tấn. Như vậy có khoảng 100.000 tấn được chuyển hình thức kinh doanh nội địa. Sáu tháng đầu năm 2012, lượng xăng dầu tạm nhập là 1,78 triệu tấn, lượng tái xuất là 1,74 triệu tấn, chênh lệch khoảng 310.000 tấn. Trong số này có một lượng lớn là hàng trong giai đoạn chờ tái xuất, chỉ có một lượng xăng dầu được chuyển bán nội địa chứ không phải toàn bộ số lượng trên.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tạm dừng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển. Trong tháng 9 này, Bộ sẽ ban hành danh mục hàng hóa cấm tạm nhập tái xuất, trong đó có các mặt hàng như ắcquy chì, vi mạch sao, các chất thải, thiết bị làm lạnh...

DN chưa đề xuất tăng giá xăng

Hôm qua, một số trang báo điện tử đưa thông tin một DN đầu mối đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng và 1.300 đồng/lít dầu. Theo DN này, các mức tăng đều đã được tính ngang bằng với mức lỗ hiện hành nhưng đã bao gồm khoản 300 đồng/lít lợi nhuận định mức.

Tuy nhiên, trao đổi với PV chiều 10-9, lãnh đạo một DN đầu mối tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho rằng chưa có đề xuất tăng giá nào lên Bộ Tài chính. Đề xuất tăng giá trong thời điểm này là không hợp lý, bởi giá xăng dầu nhập khẩu tại thị trường Singapore đang chững lại và có xu hướng giảm.

Ngày 1-10: EVN sẽ tính toán giá điện

Trước câu hỏi về việc điều hành giá điện sau ba tháng tăng giá gần đây nhất (1-7), ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết theo Thông tư 24 của Chính phủ, điều chỉnh giá điện phải tối thiểu ba tháng sau lần điều chỉnh gần nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tính toán tổng chi phí giá thành phát điện thương phẩm của 1 kWh so với kế hoạch đầu năm, tùy giá thành 1 kWh điện thương phẩm tăng/giảm sẽ căn cứ theo quy định của Thông tư 24 để điều chỉnh giá điện. Trước ngày 1-10, EVN phải tính toán giá các thông số này. Phương án điều chỉnh giá điện sẽ được trình lên liên bộ Công Thương - Tài chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Báo pháp luật TPHCM)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN