Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch

Theo dự báo của trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, Hà Nội sẽ còn rét đậm, rét hại đến hết tuần. Trong những ngày qua, người dân thủ đô vẫn đổ ra đường nhưng không phải đi sắm tết mà là mua đồ chống rét.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày này mặt hàng đồ chống rét như: đồ điện sưởi ấm, chăn, đệm, quần áo, găng tay, tất, mũ… mặc dù đã tăng từ 10-20% nhưng lượng người mua không hề giảm.

Nhộn nhịp “kênh” chống rét

Tại các chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), Ngã Tư Sở (Thanh Xuân)… lúc nào cũng nườm nượp khách, chủ yếu là sinh viên và người có thu nhập thấp. Các mặt hàng chống rét chủ yếu ở đây là tất, găng tay, khẩu trang, bịt tai, khăn, …

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 1

Bịt tai nữ có giá từ 40.000 đồng rất hút người mua

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 2

Loại khăn len dày dặn có giá 80.000 đồng/chiếc rất được ưa chuộng

Chị Hằng (bán hàng chợ Nhà Xanh) cho biết, đợt rét này, chị phải nhập thêm hàng về bán. Khách hàng mua nhiều nhất là bịt tai, giá từ 15-60.000 đồng/chiếc; găng tay len giá từ 30-90.000 đồng/đôi. Nếu những ngày trước, khi thời tiết chưa lạnh nhiều, cửa hàng của chị chỉ bán “túc tắc” thì mấy ngày qua đã bán được gấp 3 lần bình thường.

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 3

Bịt tai nam có giá chung là 15.000 đồng cũng hút các bạn nữ vì giá rẻ

Với dự báo trời còn lạnh và nhiệt độ tiếp tục xuống thấp, các "cửa hàng di động" chuyên bán quần áo đổ đống trên các phố Xuân Thuỷ, Chùa Bộc, Thái Hà… cũng rất hút khách.

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 4

Áo phao đổ đống thu hút khách vì rẻ và chắn gió tốt

Theo một người bán hàng, quần áo bán được nhiều nhất là áo phao chắn gió, áo siêu nhẹ trần bông hoá học với giá “bèo” từ 300-500.000 đồng/cái. Thậm chí, áo lỗi mốt, áo lỗi vẫn bán được bởi nhiều người mua đặt tiêu chí ấm hơn là đẹp.

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 5

Áo lỗi mốt vẫn được lựa chọn vì nhiều khách hàng ưu tiên tiêu chí ấm

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 6

Các cửa hàng đồ nam cũng đông khách trong những ngày rét đậm

Các cửa hàng giày dép cũng tấp nập khách không kém. Tại các chợ sinh viên, mặt hàng được bán nhiều nhất là những đôi bốt có giá từ 150-350.000 đồng.

Chị Hà, chủ cửa hàng giày dép trên phố Phan Văn Trường (Cầu Giấy) cho biết, đã phải tăng thêm nhân viên bán hàng vì mấy ngày rét đậm, khách đến nhiều, phục vụ không kịp.

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 7

Các cửa hàng giày dép đang hút khách mua bốt giá rẻ

Tại các cửa hàng đồ điện trên phố Nguyễn Lương Bằng, Phùng Hưng, Cầu Giấy…, ngoài những loại máy sưởi, quạt sưởi sử dụng điện đốt nóng dây may so hay dùng dầu thì nhiều đồ sưởi ấm khác như túi sưởi, túi chườm, quạt sưởi, chăn sưởi… cũng bán rất chạy. Mỗi loại máy sưởi có tính năng và công suất khác nhau nên giá cả cũng khác nhau. Mức giá dao dộng từ 300 đến vài triệu đồng.

Theo chị Hoài, chủ một cửa hàng bán đồ sưởi ấm trên phố Núi Trúc, những ngày gần đây lượng khách mua đồ sưởi rất đông, cung không đủ cầu, vì vậy việc giá tăng là điều đương nhiên. Các loại máy sưởi bán chạy nhất là hàng Trung Quốc có giá khoảng 400-600.000 đồng.

Rét đậm, hàng chống rét “sốt” xình xịch - 8

Đồ sưởi ấm năm nay rất đa dạng và bán chạy

Anh Hoàng, một tiểu thương chuyên kinh doanh đồ sưởi ấm trên phố Nguyễn Lương Bằng cho hay, chỉ trong sáng 7/1, đã có hàng chục khách hàng đến hỏi mua loại quạt sưởi công suất 800W. Đây cũng là loại “hút” nhất vì mức giá chỉ hơn 200.000 đồng/chiếc. Anh Hoàng cũng tiết lộ, ngoài quạt sưởi, các loại túi sưởi, túi chườm cũng đang là hàng “hot” những ngày đại hàn này. Các loại túi sưởi có giá từ 110 – 250.000 đồng/chiếc hút người mua hơn cả bởi vừa rẻ, vừa tiện.

Nắm bắt được tình hình thời tiết, các cửa hàng còn nhập thêm nhiều loại “phụ kiện” chống rét khác. Nổi bật nhất phải kể đến chăn điện và đèn sưởi hồng ngoại. Giá đèn sưởi hồng ngoại dao động từ 800-2 triệu đồng/chiếc.

Ngoài ra, xu hướng lắp đèn sưởi nhà tắm cũng được nhiều gia đình lựa chọn. Hiện nay, loại đèn sưởi của Đức, có giá trên 1 triệu đồng/chiếc được các gia đình chọn nhiều hơn cả.

Cẩn thận kẻo “tiền mất, tật mang”

Theo các chuyên gia tư vấn, sử dụng các sản phẩm sưởi ấm khi trời quá lạnh là việc cần thiết. Tuy nhiên, khi dùng các loại máy ẩm cần phải cẩn thận, bởi nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm hiện nay là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do da còn mỏng nên sẽ bị căng, rát, rất khó chịu. Nếu sử dụng lâu trong điều kiện phòng chật, đóng kín cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, làm viêm niêm mạc mũi, khô mũi và dễ dẫn tới chảy máu cam.

Với những loại đèn sưởi hồng ngoại phát ra để sưởi ấm, người dùng cũng phải rất cẩn trọng. Ngoài việc gây khô da ảnh hưởng đến hệ hô hấp như máy sưởi bình thường, tia hồng ngoại còn có thể xiên vào cơ thể và nếu để lâu sẽ gây hại. Do đó, cần tránh để tia hồng ngoại chiếu vào mắt, gáy, vùng đầu mặt cổ, đặc biệt không nên dùng các thiết bị này cho trẻ nhỏ.

Đối với chăn điện sưởi ấm, các chuyên gia cũng lưu ý, khi dùng, phải kiểm tra thường xuyên, nếu dây điện trở bị gãy thì không nên dùng hoặc phải ngắt điện trước khi dùng bởi loại dây này được sản xuất bằng kim loại, bên ngoài bọc một lớp cách điện và chống ẩm. Nếu dây gãy, dễ gây rò điện, nguy hiểm cho người sử dụng. Tốt nhất, nên bật điện trước, để chăn ấm, tắt điện rồi sử dụng và tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật.

Nhiều gia đình không có điều kiện dùng các thiết bị sưởi tiêu hao điện năng có thể dùng loại túi sưởi có thể giữ nhiệt trong 8 tiếng và rất tiện lợi. Tuy nhiên, nên cẩn thận với túi dùng đã lâu ngày, vải bọc đã giãn, dễ dấn đến vỡ, rách, gây bỏng nặng.

Để tránh và khắc phục hiện tượng này, theo 1 số chuyên gia, sau 1-2 năm sử dụng, khi thấy túi có hiện tượng căng hơn trước kia khi làm nóng thì người sử dụng nên cậy nắp vàng nơi ổ điện trên túi. Dựng ngược túi lên để dung dịch dồn xuống dưới, không khí dồn lên trên. Tiếp tục dùng tay bật nắp nút nhựa màu trắng – nơi cho dung dịch nước muối vào trong túi – rồi bóp nghiêng lưỡi gà đổ dồn nước bên trong đẩy phần không khí trong túi ra ngoài. Đậy lại và sử dụng như bình thường. Trường hợp không may mép vải bị rách thì có thể may lại hoặc hơ lửa để vải không bị xổ ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Sơn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN