Ô tô hô biến 60.000 tỷ "bốc hơi"

Nguồn thu từ các loại thuế, lệ phí… đối với ôtô chiếm một giá trị rất lớn mà chỉ riêng các loại thuế thôi trong thời gian qua cũng đã lên tới 2 - 3 tỉ USD/năm. Và với việc thị trường ôtô đang ế ẩm như hiện nay thì không chỉ lĩnh vực này “buồn” mà nguồn thu cho ngân sách cũng giảm rất mạnh.

Đó là điều chúng ta cần thực sự ưu tiên quan tâm, nhất là khi nền kinh tế, nguồn thu gặp khó khăn như hiện nay.

Câu chuyện muôn thuở

Các loại thuế, lệ phí… được xem là câu chuyện muôn thuở của lĩnh vực ôtô. Bao nhiêu năm qua, các nhà quản lý của chúng ta cứ đặt lên bàn cân hai vấn đề nhằm mục tiêu để phát triển ngành công nghiệp này: Thu thuế, lệ phí cao hay thấp, nhất là đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Kết luận lại trong thời gian hơn 10 năm qua là chúng ta áp dụng cả hai, mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc lúc thì thấp, lúc thì cao, lên xuống, thay đổi liên tục. Và tựu chung lại, mức tổng thể của các loại thuế luôn nằm ở mức cao, rất cao (gấp gần 3 lần giá trị của mỗi chiếc xe). Đó là chưa tính đến các loại lệ phí, phí mà người sử dụng xe phải bỏ ra. Những quy định về mức thuế, lệ phí… trong thời gian qua thu được kết quả như thế nào? Về mặt nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp ôtô VN đáp ứng phục vụ nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực… đều không đạt được bất cứ một kết quả khả quan nào, hay nói đúng hơn là chiến lược phát triển ngành công nghiệp này đến thời điểm này đã thất bại.

Ở một khía cạnh khác, việc tăng hay giảm các loại thuế, phí và lệ phí cũng ảnh hưởng và tác động rất mạnh đến nguồn thu. Chỉ cần tăng giảm 10 -15% mức thuế nhập khẩu linh kiện hay xe nguyên chiếc thì cán nguồn sẽ ngay lập tức bộc lộ mà không biết phương án nào hơn phương án nào. Thường thì khi tăng thuế nhập khẩu (ví dụ từ 65 – 83% chẳng hạn), lượng xe tiêu thụ sẽ giảm mạnh và nguồn thu ngay lập tức sụt giảm theo số lượng xe bán ra. Nhưng khi giảm mức thuế nhập khẩu từ 80 xuống còn 63%, lượng xe tiêu thu tăng đột biến thì nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng tăng theo. Trong trường hợp này, nguồn thu không những có thể tăng hơn so với phương án tăng thuế nhập khẩu mà còn có lợi hơn cho người tiêu dùng lẫn ngành công nghiệp. (Lượng xe tiêu thụ nhiều thì ngành công nghiệp này càng phát triển, người dân được mua xe giá ngày càng hợp lý). Câu chuyện muôn thuở này vẫn chưa có lời giải. Mà nếu không giải được bài toán này một cách lâu dài thì không nên hy vọng về việc phát triển một ngành công nghiệp ôtô thực sự.

Tìm gấp giải pháp

Như trên đã nói, lượng xe tiêu thụ giảm không chỉ các DN ngành ôtô “buồn” mà nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng “buồn” theo. Vậy nguyên nhân tại sao lượng xe tiêu thụ lại sụt giảm và chúng ta có nên tìm cách đẩy nó lên hay không ?

Ô tô hô biến 60.000 tỷ "bốc hơi" - 1

Lượng ôtô tồn kho lên tới hàng ngàn chiếc

Doanh số tháng 4/2012 của ngành ôtô vừa được công bố cho thấy một bức tranh ảm đạm của ngành ôtô ( bao gồm cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước) với gần 7.000 chiếc được bán ra. Trong đó có khoảng 2.400 xe du lịch và gần 4.600 xe thương mại, giảm trung bình khoảng 25% so với tháng 3/2012 và hơn 42% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là con số giảm thấp đáng kể từ đầu năm đến nay. Tất cả các DN đều có doanh số bán ra giảm. Các DN từ Trường Hải, Toyota đến Mercedes Benz, Honda, GM, Ford, Mitsubishi, Isuzu, VMC... lượng xe bán ra chỉ bằng 50%- 70%, thậm chí có DN chỉ bằng 30% so với cùng 2011.

Theo các chuyên gia kinh tế thì có ba nguyên nhân chính khiến sản lượng ôtô tiêu thụ tại VN sụt giảm:

Thứ nhất, hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế thể hiện ở chỉ số giá tiêu dùng tăng rất thấp, chỉ 0,05%. Mọi chi tiêu đều bị thắt chặt, trong khi ôtô có giá trị rất lớn nên dù nhu cầu có cao thì cũng phải tính toán, trăn trở kỹ càng hơn.

Thứ hai là tác động của các loại phí và lệ phí tăng cao trong thời gian vừa qua. Đó là chưa tính dến vấn đề liên quan đến đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Theo ông Laurent Charpentier - Tổng giám đốc Cty Ford VN cho biết, đến thời điểm này, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có thông báo chính thức chưa đề xuất thu ngay phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn rất e ngại với các khoản tiền sẽ phát sinh khi sở hữu ôtô. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng sản lượng tiêu thụ ôtô giảm mạnh, bởi đối với người sử dụng ôtô hiện nay thì chi phí sử dụng ôtô sau khi mua đóng một vai trò rất quan trọng. Anh Linh, một khách hàng định mua ôtô trong tháng này cho biết: “Nếu mua xe bây giờ, chạy được vài tháng mà nhỡ ra nhà nước áp dụng thu phí hạn chế phương tiện cá nhân thì khi đó nuôi xe cũng khổ mà bán xe lại càng khó.” Đó là tâm lý chung của rất nhiều khách hàng muốn mua xe hiện nay.

Với tình hình đó, các DN lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu, các đại lý gặp hàng loạt những khó khăn, lượng xe tồn lên tới hàng ngàn chiếc, hàng loạt DN đã bắt đầu cho công nhân nghĩ việc… và đương nhiên, ở góc độ phát triển ngành công nghiệp ôtô thì điều này là hoàn toàn bất lợi, nhất là khi tình hình này dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tới.

Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (Vama) đã đưa ra dự báo, tổng doanh số bán hàng của toàn ngành trong cả năm 2012 sẽ giảm xuống chỉ còn 81.000 xe so với gần 140 ngàn xe của năm 2011, bằng với doanh số bán năm 2007 - năm được xem là khó khăn nhất của ngành công nghiệp ôtô. Nếu như vậy thì nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Bộ Tài chính thì ngân sách nhà nước đã thất thu tới hơn 4.300 tỉ đồng do giá trị ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 51%. Và nếu tính cả phần giảm thu thuế từ sự sụt giảm ôtô lắp ráp tiêu thụ trong nước thì con số này sẽ cao hơn rất nhiều. Cụ thể hơn, theo tính toán của Vama, nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con và với tình hình bán hàng sụt giảm như hiện nay thì năm 2012 ngân sách nhà nước sẽ thất thu khoảng 60.000 tỉ đồng - một con số khiến nhiều người giật mình. Và vì vậy, việc tìm gấp một giải pháp giải quyết được cả ba vấn đề vừa phát triển ngành công nghiệp ôtô, vừa tránh thất thu ngân sách, người tiêu dùng được sử dụng phương tiện cá nhân hợp lý là điều đòi hỏi các nhà quản lý đưa ra càng sớm càng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN