Nữ nông dân trồng nấm lỗ "te tua", vẫn "bám" nấm

Khởi nghiệp từ gần 10 năm trước với những tai nấm mèo, nấm bào ngư và cả nấm linh chi, đến nay, chị Lê Hà Mộng Ngọc (ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM) đã khẳng định được tên tuổi trong việc sản xuất, kinh doanh nấm.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh nấm, chị Ngọc còn là người “đỡ đầu” cho hơn 100 nông dân sản xuất nấm ở cả 2 miền Nam- Bắc.

Tai nấm khởi nghiệp

Dù là nhân viên xuất sắc nhiều năm liền của một doanh nghiệp bất động sản có tiếng ở TP.HCM, chị Ngọc vẫn ngày đêm trăn trở về một “sự nghiệp riêng”. Năm 2007, cùng với 3 người bạn thân, nhiều kế hoạch “lập nghiệp” đã được chị Ngọc đưa ra, đặt lên bàn cân và... đong đếm.

Nữ nông dân trồng nấm lỗ "te tua", vẫn "bám" nấm - 1

Chị Ngọc rạng rỡ với những tai nấm linh chi sắp tới tuổi thu hoạch. Khải Huyền

Chị Ngọc chia sẻ, sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, mong muốn mãnh liệt của bản thân lúc bấy giờ là được làm nông nghiệp, một hình thức sản xuất nông nghiệp bền vững, có thể xây dựng được chuỗi giá trị khép kín. “Lúc đó, 4 chị em đã đưa ra nhiều sản phẩm nông nghiệp để chọn lựa, trong đó có cả mô hình nuôi heo, nuôi gà, trồng rau, trồng hoa... Cuối cùng, sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, điều kiện sản xuất tại địa phương, cả nhóm chọn sản xuất nấm sạch” - chị Ngọc kể lại.

Sau khi chọn sản phẩm, chị Ngọc cùng những người bạn khăn gói lên thành phố để học nghề. Học trên lý thuyết thấy dễ, mấy chị em hào hứng về Củ Chi bắt tay vào trồng nấm. Ban đầu, cả nhóm đầu tư 10 khu nhà để trồng nấm bào ngư xám. Tưởng dễ, thế nhưng, những trại nấm đầu tiên không cho kết quả như mong muốn. “Nếu những nông dân khác chỉ cần 2 tháng từ khi cấy giống đã cho thu hoạch thì trại nấm của chúng tôi, đến 6 tháng sau, cả ngàn bịch phôi vẫn chưa cho nấm. Do thiếu kinh nghiệm, tôi cũng không biết phải rạch bịch thì mới có chỗ cho nấm phát triển” -chị Ngọc tiếp lời.

Chưa hết, lần đầu làm nông nghiệp, vốn ít, lại thiếu kinh nghiệm, nhóm chị Ngọc đầu tư làm nhà trồng bằng tre nứa. Do đó, chỉ sau một thời gian, những nhà trồng này bị mối, mọt phá hoại, hư hỏng nặng.

Lỗ te tua, vẫn “bám” nấm

Sau 6 tháng chờ đợi mỏi mòn, lứa nấm đầu tiên thu hoạch được, chị Ngọc lại rơi vào tình cảnh bí đầu ra. Mang từng giỏ nấm ra chợ Bình Điền bán, chị Ngọc được trả giá 10.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã là 25.000 đồng/kg. Quyết tâm không bán rẻ sức lao động, chị Ngọc giữ nấm lại, phơi khô, chờ giá lên. Cứ 10 tấn nấm tươi được 1 tấn nấm khô. Thế nhưng, éo le hơn là bỏ công phơi sấy, bảo quản nhưng tới khi bán, tính ra chỉ được giá 8.000 đồng/kg nấm tươi. Lỗ te tua!

Nhớ lại thời kỳ đó, chị Ngọc chia sẻ: “Lỗ cứ lỗ, làm tôi cứ làm, với tiêu chí phải sản xuất nấm sạch, tuyệt đối không sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu hay phân hóa học, tôi mang sản phẩm đi tiếp thị ở các siêu thị. Ngay trong năm 2009, do đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu khác, Co.opMart chấp nhận phân phối sản phẩm của trang trại. Dần dần cũng giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm”.

Đến năm 2011, khi đã nắm được những kỹ thuật cơ bản trong việc trồng các loại nấm bào ngư, nấm mèo và cả nấm linh chi, chị Ngọc nghĩ tới việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nấm sạch, từ phôi giống đến xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường.

Những đơn đặt hàng cũng ngày càng nhiều, sản lượng nấm tại trang trại không đủ cung cấp ra thị trường, chị Ngọc thành lập Hợp tác xã Sản xuất, thương mại Nấm Việt với sự góp mặt của hơn 100 xã viên tại các tỉnh, thành như TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, lên Lâm Đồng, ra tận Vĩnh Phúc...

Thời điểm này, Khu nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) cũng đang vào giai đoạn hoàn thành, đi vào hoạt động. Chị Ngọc lại mong ước được bước “một chân” vào bên trong, học hỏi kiến thức mới. Qua tìm hiểu, chị kết nối được với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp (thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM). Được hỗ trợ thêm các kiến thức về nông nghiệp bền vững, cách điều hành, quản trị doanh nghiệp cho người mới khởi nghiệp, chị Ngọc thành lập Công ty cổ phần Sinh học Nấm Việt.

Cũng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, chị Ngọc bắt đầu đảm nhiệm việc lai tạo phôi nấm, đảm bảo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho trang trại cũng như những nông dân liên kết sản xuất với Nấm Việt.

Giấc mơ nấm Việt ngang tầm quốc tế

Cuối năm 2012, sau khi đã giải quyết được một phần chuỗi giá trị sản xuất, từ phôi giống, vùng nguyên liệu cho đến thị trường tiêu thụ của Nấm Việt tại thị trường trong nước, chị Ngọc bắt đầu nghĩ tới việc xuất khẩu nấm.

“Mình bắt đầu để ý đến các hội chợ, triển lãm về nông nghiệp, tuy vậy, do không có nhiều chi phí nên mình chỉ tham gia được các hội chợ có hỗ trợ một phần kinh phí. Và một hội chợ giao lưu thương mại tại Lào đã giúp mình mở ra một số thị trường vùng Đông Nam Á” - chị Ngọc kể lại.

Lần đó, chị Ngọc đưa được các sản phẩm nấm linh chi sang Lào, Thái Lan và Campuchia. Sản phẩm của Nấm Việt tiêu thụ rất tốt ở những thị trường này. Đến giữa năm 2013, các đoàn tham quan của Nhật bắt đầu quan tâm, để ý đến Nấm Việt. “Người Nhật rất thích nấm hương, nhưng nhất quyết phải đảm bảo các yêu cầu về sản xuất sạch. Nếu mở ra được thị trường Nhật, Nấm Việt sẽ dễ dàng chinh phục các thị trường khác” - chị Ngọc phân tích.

Mới đây, một doanh nghiệp Nhật đặt vấn đề nhập khẩu 4 tấn nấm mèo mỗi tháng và 8 tấn nấm hương, thế nhưng thấy “nội lực” chưa đủ, chị Ngọc đành hẹn khách thời gian tới. Không dừng lại ở việc sản xuất, tiêu thụ nấm tươi, chị Ngọc cũng một mình mày mò, tìm hiểu cách chế biến nấm thành thực phẩm ăn liền, qua đó, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Gần đây nhất, trong dịp cùng đoàn nông dân TP.HCM sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm làm nông, chị Ngọc đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị nấm sạch bằng các sản phẩm chế biến sâu. Cụ thể, đã có 12 sản phẩm nấm chế biến được chị thực hiện, kiểm tra chất lượng, đưa ra lấy ý kiến người tiêu dùng, thiết kế bao bì... gồm nấm bào ngư rim, nấm mèo chiên giòn, kim chi nấm bào ngư, dòng nấm dành cho trẻ em và các sản phẩm thực phẩm chức năng từ nấm linh chi... Hiện tại, Nấm Việt đang lên kế hoạch xây dựng khu nhà chế biến nấm sau thu hoạch với kinh phí 400 – 500 triệu đồng, theo tiêu chuẩn đưa ra của các nhà nhập khẩu Nhật Bản.

Sau nhiều năm gắn bó, thăng trầm với cây nấm, năm 2014, Nấm Việt đã đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Doanh thu của HTX Nấm Việt hiện ở mức hơn 2 tỷ đồng mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định cho hơn 100 xã viên trồng nấm khắp cả nước. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Khải Huyền (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN