Nông dân liêu xiêu vì tiêu héo, điều tàn

Sự kiện: Kinh Doanh

Giá hồ tiêu tuột dốc không phanh, từ chỗ “đỉnh cao” 230.000 đồng/kg (năm 2016) xuống chỉ còn 45.000 đồng/kg (năm 2018-2019). Đặc biệt, trong vòng 3 năm gần đây, giá hạt tiêu như cỗ xe không phanh lao thẳng xuống vực, điều này khiến nhiều nông dân Bình Định lo lắng đứng ngồi không yên. Trong khi đó, giá điều tại nhiều nơi cũng không khá khẩm hơn...

Bế tắc, nhà vườn như ngồi trên lửa

Khoảng 5 năm trở lại đây, cây hồ tiêu tăng diện tích “chóng mặt” tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đến nay, toàn tỉnh có trên 650ha hồ tiêu (trong đó, huyện Hoài Ân chiếm diện tích lớn nhất với 495ha, huyện Hoài Nhơn có 117ha và được trồng rải rác ở nhiều nơi khác). 

Nông dân liêu xiêu vì tiêu héo, điều tàn - 1

Nông dân liêu xiêu vì tiêu héo, điều tàn - 2

Nông dân Lê Văn Chức (53 tuổi, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định) buồn rầu bên vựa tiêu vì giá quá thấp.  Ảnh: Dũ Tuấn

Mặc dù, chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn đã từng cảnh báo hệ quả của việc trồng hồ tiêu ồ ạt, nhưng thực tế diện tích tiêu tại Bình Định vẫn không ngừng tăng. Người người, nhà nhà đua nhau trồng hồ tiêu với mong muốn đổi đời, để rồi giờ đây ai cũng nóng ruột như ngồi trên lửa bởi giá tiêu hạt liên tục lao dốc.

Cách đây vài năm, giá hồ tiêu lên đến đỉnh điểm 234.000 đồng/kg (năm 2016) là niềm mong ước, động lực thôi thúc làm giàu của rất nhiều nông dân ở huyện Hoài Ân. Ông Lê Văn Chức (xã Ân Thạnh, Hoài Ân) nhớ lại, thời điểm đó giá tiêu tăng cao nên ai cũng hồ hởi, tin tưởng mở rộng diện tích. Cứ đến vụ thu hoạch, thương lái từ khắp nơi đổ về rất đông, vườn tiêu tấp nập...

"Theo quy luật, cứ 2 - 3 năm, giá tiêu sẽ có sự biến động tăng, giảm. Do vậy, các địa phương cần rà soát, đánh giá thực trạng trồng cây hồ tiêu. Qua đó, có biện pháp định hướng, khuyến cáo và hạn chế tối đa việc người dân trồng hoặc mở rộng diện tích”.

Ông Phan Trọng Hổ

Đến năm 2017, giá tiêu  hạ còn 190.000 đồng/kg, vẫn còn lãi cao nên nhiều chủ vựa tiêu tiếp tục mở rộng diện tích. Đến năm 2018, giá tiêu rớt xuống 100.000 đồng/kg. Nhiều người thấy vậy đã gom tiêu khô, cất trữ hàng tấn để cầm cự chờ giá lên. Ông Chức cũng liều đóng thùng khoảng 2 tấn tiêu trong nhà với mục đích đợi giá tăng cao. Thế nhưng, đến năm 2019 này thì giá tiêu lại rớt thảm, chỉ còn 45.000 - 47.000 đồng/kg.

Là một trong những nông dân có diện tích hồ tiêu lớn nhất ở xã Ân Thạnh với 800 trụ, có thâm niên 30 năm trồng hồ tiêu nhưng ông Chức vẫn không thể ngờ, có ngày giá tiêu giảm đến mức kinh khủng như bây giờ. “Giờ sắp đến vụ thu hoạch tiêu mới, nhưng giá lao dốc thế này thì còn tâm trí đâu nữa để làm ăn. Ngặt nỗi, năm nay hồ tiêu của chúng tôi lại cho năng suất cao nhất, ai cũng hy vọng có lãi nhưng giá thế này thì cầm chắc lỗ. Trong khi đó, việc thu hoạch hồ tiêu rất cực, để hái được 1kg phải tốn rất nhiều công sức, tiền thuê nhân công. Nhiều hộ chán nản nói sẽ bỏ trụ chứ thuê nhân công còn lỗ thảm hơn” - ông Chức cho hay.

Mọi năm giá tiêu còn ở mức cao thì trụ tiêu cực kỳ có giá trị, được ví như những trụ “vàng”, “kim cương”. Còn năm nay, cứ ra vào nhìn trụ tiêu trĩu trái mà lòng dạ chủ vựa lại như thiêu đốt, rơi nước mắt vì lâm cảnh bế tắc. Theo ông Chức, người dân trồng tiêu ở Hoài Ân đang  mong nhà nước kêu gọi bộ đội giúp họ thu hoạch hồ tiêu vì không có tiền để thuê nhân công.

Không khá hơn, gia đình ông Nguyễn Văn Thơm (trú thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) có hơn 1.300 trụ tiêu bắt đầu cho trái rộ. Thế nhưng, ông đang phân vân có nên thuê người về hái 0hay không, vì giá tiêu xuống quá thấp. “Một trụ tiêu từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 4 năm. Tiền đầu tư trụ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho mỗi trụ cũng lớn. Với giá thu mua như hiện nay, tôi chỉ mong huề vốn là mừng lắm rồi” - ông Thơm chia sẻ.

Hệ quả của trồng tự phát, thiếu kiểm soát

Trước đây, do giá hồ tiêu lên cao, nên nhiều người dân ở tỉnh Bình Định đổ xô trồng. Đến khi giá hồ tiêu xuống thấp, cũng là lúc nông dân trở tay không kịp. Tại huyện Hoài Ân, diện tích trồng hồ tiêu ở địa phương này đều do nông dân tự phát trồng. Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Hoài Ân, tổng diện tích trồng tiêu của huyện khoảng trên 400ha. Con số đã tăng lên rất nhiều so với những năm 2015-2016.

Ông Tăng Văn Trương - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Hoài Ân cho rằng: “Năm 2015 đến 2016, giá hồ tiêu tại huyện này tăng lên 220.000 đồng/kg. Các hộ dân có đất đai, thấy giá tiêu cao nên rủ nhau trồng tiêu và hầu hết trồng tự phát. Thậm chí, nhiều người bỏ vào hàng tỷ đồng để đầu tư vựa tiêu của mình nhưng với giá này, chắc chắn lâm nợ. Nghịch nỗi, giá cả rớt thảm nhưng huyện Hoài Ân được đánh giá là vùng trồng hồ tiêu rất thích hợp. Năm nào tiêu cũng cho năng suất cao, nhất là năm 2019 này”.

Còn theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, câu chuyện giá hồ tiêu rớt thảm là một vấn đề hết sức khó khăn, diễn biến rất thất thường. “Đây là loại cây trồng bấp bênh, người dân đa số tự trồng chứ Sở cũng không có khuyến cáo, phát động. Đến bây giờ, tình hình giá giảm rất sâu, trong khi Chính phủ và Bộ NNPTNT cũng chưa có chỉ đạo và chính sách nào nhằm hỗ trợ nông dân. Chúng tôi cũng chỉ giúp được bà con bằng cách tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ bệnh, giữ diện tích và… đợi giá tăng” - ông Hổ cho hay.

Trong bối cảnh giá tiêu giảm như hiện nay, ông Phan Trọng Hổ yêu cầu Phòng NNPTNT, Phòng Kinh tế các huyện cần hướng dẫn người dân cách giữ, chăm sóc cây tiêu để không xảy ra tình trạng phá tiêu ồ ạt chuyển sang cây trồng khác. Bên cạnh đó, Sở NNPTNT Bình Định cũng khuyến cáo bà con cân nhắc mức đầu tư vừa phải cho cây hồ tiêu.

Điều tươi mua tại vườn chỉ 28.000 đồng/kg

Những ngày qua, điều tươi thu mua tại vườn ở Bình Phước chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, nếu giao đến nhà máy giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, giá điều khô tại kho khoảng 36.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, giá điều tươi ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, điều khô tại kho lên đến 50.000 đồng/kg. Theo giới kinh doanh, giá điều vẫn đang đà đi xuống, chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nông dân liêu xiêu vì tiêu héo, điều tàn - 3

Nhà vườn lo lắng vì giá điều tươi quá thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Ảnh: P.V

Ông Trần Hữu Hậu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Hiệp hội Điều Việt Nam, tính toán mức giá này đã tăng nhẹ so với đợt rớt thấp kỷ lục hồi cuối tháng 2: Điều tươi chỉ còn 20.000 - 24.000 đồng/kg do thời điểm đó các nhà máy chế biến điều vẫn còn nghỉ tết. Hiện vào mùa thu hoạch rộ, nhiều chủ vườn lo giá càng thấp càng dễ bị thương lái ép giá hoặc chiếm dụng vốn bằng cách "mua chịu", chủ vườn nào không chấp nhận "bán chịu" thì thương lái không mua.

P.V

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dũ Tuấn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN