“Nín thở” chờ tiêu thụ vải thiều

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Để ngăn “kịch bản” dư thừa, ế vải thiều có thể xảy ra, ngày hôm qua 11.5, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều tại huyện Lục Ngạn. 

Chưa thấy “cửa” sáng

Tại cuộc họp bàn, ông Trần Quang Tấn – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, từ ngày 20.5, Lục Ngạn sẽ bắt đầu thu hoạch các diện tích vải chín sớm và kết thúc vào ngày 10.6, lượng vải này không đáng lo ngại vì số lượng ít, lại vào đầu vụ nên có thể tiêu thụ hoàn toàn ở thị trường trong nước để phục vụ ăn tươi. “Căng” nhất là diện tích vải thu hoạch chính vụ chỉ diễn ra trong khoảng 25 ngày (15.6 đến 10.7). “Năm 2015, huyện đã quy hoạch giảm 1.000ha diện tích vải năng suất thấp, tương đương với giảm 4.000 tấn sản lượng, nhưng mở rộng diện tích vải trồng theo VietGAP và một phần đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang các thị trường khó tính”. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân tham gia trồng vải VietGAP, cho đến thời điểm này họ vẫn chưa hề nhận được đơn hàng thu mua vải nào của các doanh nghiệp.

“Nín thở” chờ tiêu thụ vải thiều - 1

Thương lái ướp đá làm lạnh cho vải trước khi đóng thùng xuất khẩu tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Đ.D 

Về sản lượng vải dự kiến trong niên vụ năm nay, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, riêng 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương có tổng sản lượng vải riêng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Ngoài ra, còn một sản lượng nhỏ ở Hưng Yên, Hà Nội và một số tỉnh lân cận... “Theo tôi, đối với các sản phẩm có sản lượng quanh năm thì cần đầu tư mạnh cho xuất khẩu. Còn các mặt hàng như có tính thời vụ như vải, nhãn, dưa hấu… cần tập trung đẩy mạnh cho tiêu thụ trong nước trước. Hiện chúng ta có hơn 90 triệu dân là một lợi thế lớn cho tiêu thụ các mặt hàng hoa quả”- ông Đô nói.

Đánh giá về khả năng xuất khẩu vải thiều, ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dè dặt nói, với sản lượng trên 200.000 tấn vải thiều, dự báo sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn là quan trọng nhất (chiếm 90% tổng sản lượng xuất khẩu). Ngoài ra, vải thiều cũng được xuất sang các thị trường truyền thống gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và năm nay có thêm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Nín thở” chờ tiêu thụ

Theo ông Trần Quang Tấn – Chủ tịch UBND tỉnh Lục Ngạn, năm nay thị trường Mỹ đã cấp “quota” 600 tấn vải thiều và đã có doanh nghiệp mua mã vùng của 17 hộ với diện tích 10ha, sản lượng khoảng 130 tấn để xuất sang thị trường Anh. Còn các thị trường xuất khẩu khác như Hàn Quốc, EU, Nhật Bản... cũng được các doanh nghiệp về trực tiếp các đồi vải ở Lục Ngạn để khảo sát, đặt hàng. “Hiện vùng trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đã được các doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn 10% của giá cao nhất trong năm 2014 (giá vải cao nhất 2014 từ 28.000 – 38.000 đồng/kg)”- ông Tấn nói.

Còn bà Dương Phương Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thì cho biết, chúng tôi đang phối hợp với Bộ NNPTNT thu nhận thông tin từ sản xuất, rồi phản hồi lại các thông tin này cho các vụ thương mại của Bộ để đánh giá về nhu cầu nhập khẩu, rào cản kỹ thuật, thủ tục xuất khẩu... “Dù vải thiều chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng Bộ Công Thương cũng đang chú trọng tới các thị trường khác. Đặc biệt, thị trường Mỹ rất có triển vọng, nhưng họ đòi hỏi vải xuất khẩu phải qua chiếu xạ, có video clip giới thiệu toàn bộ từ quy trình sản xuất cho tới thu hoạch, chế biến, bảo quản…”- bà Thảo cho biết thêm.

Để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, một “kênh” quan trọng cũng đang được tỉnh Bắc Giang nghiên cứu là tăng lượng vải vào miền Nam tiêu thụ để “chia lửa” với miền Bắc. Ông Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Rút kinh nghiệm từ vụ vải năm ngoái, ngoài xuất khẩu, năm nay chúng tôi sẽ tập trung phát triển thị trường trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Theo ông Hạnh, dự kiến năm nay phía Nam sẽ chiếm 60% sản lượng vải tiêu thụ nội địa, tăng khoảng 10% so vời năm 2014.

Sẽ tạo điều kiện tối đa cho thương nhân Trung Quốc

Ông Bùi Văn Hạnh cho biết, để xuất khẩu được nhiều vải thiều sang Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân Trung Quốc đến thu mua. Được biết, năm ngoái, đã có khoảng 460-480 thương nhân nước ngoài đến Lục Ngạn thu mua vải.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN